top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

NGƯỜI KỸ NỮ THÀNH GIÊ-RI-CÔ




Đề mục: Chiếc Cửa Sổ Đức Tin

Kinh thánh: (Giô-suê 2:1-21)

 

Dẫn nhập:

 

Ra-háp được nhắc tên ba lần trong Kinh thánh Tân ước.

 

·      Tên của Ra-háp trong gia phổ của Chúa Giê-su (Ma-thi-ơ 1:5)

·      Tên của Ra-háp được nhắc đến như là những anh hùng đức tin (Hê-bơ-rơ 11:31)

·      Tên của Ra-háp được dùng làm ví dụ về "đức tin và hành động" (Gia-cơ 2:25)

 

Điều này cho thấy Ra-háp là một người có vị trí quan trọng trong đức tin của chúng ta, nhưng sự thật là Ra-háp từng là một kỹ nữ. Khi còn trên đất, Chúa Giê-su từng nói rằng: Khi Giăng Báp-tít rao giảng thì thính giả của ông gồm có những người “đĩ điếm” và họ đã tin lời giảng của Giăng (Math 21:32)

 

Ứng dụng: Chúa cứu những người biết mình là tội nhân không phải những người tự cho mình là công bình. Vấn đề không phải chúng ta là ai, mà quan trọng ở chỗ chúng ta là những người tin vào tình yêu và ân điển của Ngài như thế nào. 

 

Có ba bài học thuộc linh quan trọng mà chúng ta học được từ Ra-háp sáng hôm này:

 

1.     Ra-háp có sự khôn ngoan để nhận diện tình hình (câu 9)

 

Ra-háp nghe được những thông tin về dân Y-sơ-ra-ên từ đâu?

 

Tôi tin rằng, cái nghề của Ra-háp là lợi điểm để nàng đón nhận mọi thông tin sớm nhất về mọi việc, trong đó có những thông tin về dân Y-sơ-ra-ên từ Ai-cập đang tiến vào xứ Ca-na-an. Nhờ vậy, Ra-háp đã có những thông tin rất rõ ràng về dân Y-sơ-ra-ên. Và, từ đó hình thành đức tin trong lòng của Ra-háp.

 

“Đức tin đến bởi sự người ta nghe...” (Rô-ma 10:17)

 

Ứng dụng: Quý vị nghe lời Chúa tuần này qua tuần kia, đức của tin mình có lớn thêm hơn không? Chúng ta có thêm sự khôn ngoan để nhận biết những điều quan trọng Chúa muốn làm cho đời sống của mình hay không?

 

Ra-háp đã nghe và nhận diện được tính nghiệm trọng của tình hình lúc bấy giờ.

 

Ra-hap đã nghe được những thông tin gì?

 

·      Chúa khiến biển Đỏ bày khô ra

·      Hai vua Si-hôn và Ốc (người A-mô-rít) bị tiêu diệt

·      Lòng dân Giê-ri-cô tan chảy (Ra-háp nhận định tình hình)

·      Chúa đã "đã ban" cho các ông xứ này (Ra-háp công bố điều chưa xảy ra)

 

Có phải chỉ mình Ra-háp đã nghe được những thông tin này hay không?

 

Tôi nghĩ, Ra-hap nghe được nhưng thông tin này trước những người khách của mình, nhưng những người trong thành thì cũng được nghe sau đó. Nhưng vấn đề là những người khác nghe rồi nhưng không tin, hoặc có thể là họ tin rằng thành trì của họ vững chắc, quân đội của họ là hùng mạnh, có người thì cho rằng đến đâu hay đến đó. 

 

Ví dụ: Tôi nhớ trước khi dịch Covid xảy ra, tôi có nói trên FaceBook là năm 2021 sẽ là một năm của bệnh dịch, đói kém, và chết chóc. Kết quả là nhiều người đã xét đoán tôi rằng, "người có Chúa mà toàn nói lời tiêu cực." Và, kết quả thì như chúng ta đã biết.

 

Xin đừng hiểu lầm là tôi muốn nói mình có "ân tứ tiên tri" hay này khác. Tôi chỉ muốn nói rằng: Khi. nghe những "tin tức" và tôi nhận diện được tình hình dựa trên lời Kinh thánh. Vì Kinh thánh nói rằng: Những ngày sau rốt sẽ có bệnh dịch, đói kém, chiến tranh... Tôi tin những điều đó từ Kinh thánh. 

 

Tôi cũng nói rằng: Rồi đây, rất sớm  thế giới này sẽ đói toàn diện, tình trạng thiếu lương thực sẽ xảy ra ngay tại nước Mỹ này.

 

Chúa Giê-su từng dạy các môn đồ phải nhận biết tình hình của thời cuộc sẽ xảy ra để có sự khôn ngoan, tỉnh thức, và sự chuẩn bị. (Ma-thi-ơ 16:2-3)

 

Có lần Chúa Giê-su phán: Khi cây vả nứt lộc là mùa hạ gần đến (Lu-ca 21:29-30)

 

Cây vả là hình ảnh dân Do-thái, khi nó nứt lộc nghĩa là khi nó hồi sinh thì ngày của Ngài trở lại đã đến. Cây vả (dân Do-thái) đã lập quốc (nứt lộc) năm 1948. Những ngày giờ mà chúng ta đang có chỉ là vì Chúa "gia hạn" mà thôi.

 

Ví dụ: Đồng hồ Tận thế (Doomsday Clock) tại Đại học Chi-ca-gô điểm 12 giờ thiếu 5 giây.

 

Ứng dụng: Những gì mà chúng ta nghe về những công việc Chúa đang làm trong thế giới này, thì chúng ta phải biết nhận diện đúng tình hình bằng đức tin nơi lời của Chúa trong Kinh thánh về ngày của Chúa đã gần kề rồi.

 

Nói một cách rõ hơn là những gì chúng ta nghe được về lời Chúa và công việc Ngài đang làm thì phải biến nó thành đức tin để hành động. Và đó là điều thứ hai chúng ta học được trong bài học sáng hôm nay.

 

2.     Ra-háp nhận biết tình hình và hành động (câu 12-13)

 

Có lẽ Giô-suê rút kinh nghiệm trong thời đại của ông, nên lần này ông chỉ gửi hai người do thám thay vì mười hai người. Đông người mà không có đức tin thì chỉ phá hoại mà thôi. 

 

Ví dụ: Cuộc chiến của Ghê-đê-ôn và quân Ma-đi-an: Kẻ thù có 135 ngàn quân, quan của Ghê-đi-ôn có 32 ngàn người, Chúa giảm xuống còn 300 người (Các Quan-xét 6)

 

Ứng dụng: Có đôi lúc số ít mà có đức tin thì làm được việc hơn là số đông mà toàn là xác thịt. Bây giờ chúng ta trở lại vấn đề của Ra-háp.

 

·      Hành động của Ra-háp là đức tin không phải là "đánh cược"

 

Có phải Ra-háp giấu hai sứ giả của Giô-suê là một hành động đánh cược hay không? hay là hành động đó đến từ đức tin? Bởi vì, nếu như sự việc bại lộ thì không phải Ra-háp và gia đình mình được cứu mà là ngược lại, họ sẽ bị vua Giê-ri-cô giết chết. 

 

Tôi tin là Ra-háp đã có đức tin rằng: Chúa quyền năng sẽ không bao giờ làm cho việc làm của bà bị bại lộ, khi mà bà giúp đỡ cho những sứ giả của Ngài. Và Kinh thánh đã xác nhận hành động đó của Ra-háp chính là đến từ đức tin. (Hê-bơ-rơ 11:35)

 

Ứng dụng: Chúng ta phải tin rằng: Những hành động của chúng ta dù nguy hiểm nhưng làm bằng đức tin thì Chúa sẽ làm cho nó thành tựu. Nếu như làm những việc đơn giản ai cũng làm được thì không thể gọi là đức tin. Nói cách khác, hành động của đức tin là những việc mang tính trả giá với sự nguy hiểm, khó khăn.., nhưng chúng ta vẫn thực hiện, và Chúa sẽ làm cho nó thành tựu. 

 

Đời sống của Cơ-đốc nhân trong thời đại này, có bao nhiêu người thực sự hành động bằng đức tin? Dâng hiến chỉ khi nào dư dật, đi học thần học phải được tài trợ, hầu việc Chúa phải có lương, muốn thực hiện một kế hoạch nào phải chuyển khoản trước...!

 

Vả, không có đức-tin, thì chẳng hề có thế nào ở cho đẹp ý Ngài (Hê-bơ-rơ 11:6a.)

 

·      Ra-háp hành động không chỉ vì mình mà thôi.

 

Tôi thử hỏi, Ra-háp có mối quan hệ với gia đình mình như thế nào? 

 

Dù là trong thời đại nào thì một đứa con gái làm nghề kỹ nữ cũng sẽ không được gia đình chấp nhận hoặc gần gũi. Nếu không muốn nói là Ra-háp có thể từng bị tổn thương do những người thân mình gây ra.

 

Nhưng chúng ta thấy điều mà Ra-háp thương lượng với hai sứ giả như sau: rằng các ông sẽ để cha mẹ, anh em, chị em tôi, và hết thảy người bà-con của họ đều còn sống, cùng cứu chúng tôi khỏi chết. (câu 13)

 

Ví dụ: Trong lớp Cá Nhân Chứng Đạo tôi đang dạy có nói rằng: Chứng đạo không phải để Hội thánh được đông người, mà vì chúng ta yêu thương những linh hồn hư mất. Ngay sau lớp học, cô Tuyết đi ra làm chứng có 6 em thanh thiếu niên tin Chúa, và cô Tân đi ra làm chứng cho 4 thân hữu và có 2 người tin Chúa.


Ứng dụng: Ra-háp thương lượng với các sứ giả khi xưa, chính là lời cầu nguyện của chúng ta với Chúa cho người thân yêu của chúng ta ngày nay. Hành động đức tin của chúng ta ngày nay không phải chỉ vì chính chúng ta mà thôi, nhưng còn vì những người thân còn đang hư mất của chúng ta.  

 

3.     Ra-háp hành động ngay lập tức (câu 21)

 

Tôi tự hỏi rằng: Từ khi hai sứ giả rời khỏi nhà Ra-háp đến lúc tường thành Giê-ri-cô sụp đổ là mất bao nhiêu ngày?

 

Chúng ta không biết chắc thời gian là bao nhiêu ngày, nhưng dựa trên những gì mà Kinh thánh nói thì chúng ta có thể tính như sau: Ra-háp dặn hai người thám tử phải núp lại trên núi ba ngày. Sau đó các thám tử mới trở lại nơi dân Y-sơ-ra-ên đóng trại, và mất thêm ba ngày nữa để dân sự đi qua sông Giô-đanh. Tiếp theo là Giô-suê làm phép Cắt bì cho dân sự (ít nhất là 10 ngày mới lành), và cộng thêm 7 ngày dân sự đi vòng quanh thành. Như vậy tất cả tối thiểu cũng phải mất hơn 23 ngày.

 

Nhưng vậy Ra-háp có cột sợi dây điều đó vào cửa sổ của nhà mình ngay lập tức không? 

 

Nàng bèn đáp: Khá y lời hai ông đã nói. Đoạn, nàng cho hai người đi, và hai người liền đi. Nàng bèn cột sợi chỉ điều nơi cửa sổ. (câu 21)

 

Trong Tiếng-anh chữ bèn cột là "tied" một động từ thuộc thể quá khứ. Điều này có nghĩa là Ra-háp không chờ đợi gì thêm nữa mà nàng cột liền sợi dây đó vào cửa sổ của nhà minh.

 

Ví dụ: Chúng ta còn nhớ lễ Vượt qua đầu tiên của người Do-thái không? Sau khi được Mô-se ra lệnh ngay trong đêm đó họ phải giết con chiên và bôi máu lên cửa nhà mình. Họ có chần chờ không? Liệu có nhà nào không có bôi huyết hay không?

 

Ví dụ: Chúng ta còn nhớ cơn đại hồng thủy thời Nô-ê không? Khi Chúa đóng cửa tàu thì chỉ có những người trong tàu được cứu mà thôi. Các con trai và dâu của Nô-ê có chần chờ đi từ giả bạn bè trước không?

 

Ví dụ: Trong vài tuần trước, tôi có nói việc các nhà khảo cổ học đã đào xuống nền của thành Giê-ri-cô và họ ngạc nhiên là còn lại một đoạn tường thành nằm dưới lòng đất. Họ tin rằng đó chính là nơi căn nhà của Ra-háp.


Ứng dụng: Ra-háp hoàn toàn không biết khi nào quân đội của Giô-suê đến, nhưng nàng cần làm ngay một điều là cột sợi dây điều vào cửa sổ và tập hợp gia đình lại trong nhà mình.

 

Chúng ta không biết khi nào Chúa Giê-su và các thánh đồ sẽ trở lại cùng các thiên sứ, nhưng chúng ta phải bảo đảm rằng, mình đang ở trong đức tin và huyết Ngài bao phủ chúng ta. 

 

Có những việc chúng ta có thể từ từ rồi làm, nhưng việc có danh Chúa trên gia đình chúng ta và đưa người thân chúng ta bước vào nhà đức tin là điều cấp bách. 


Kết luận:


Những gì mà chúng ta nghe về lời Chúa và những gì chúng ta đang chứng kiến Chúa làm có làm cho chúng ta tin xác quyết hơn về ngày của Chúa đã gần kề hay không?


Chúng ta tin rồi đây tường thành của thế gian này sẽ sụp đổ, vậy chúng ta có cầu thay với Chúa cho những người thân của chúng ta như Ra-háp đã làm hay không?


Cái "cửa sổ" lòng của mỗi chúng ta có đang hiện diện "sợi dây điều" hay không? Đó là bằng chứng của hành động từ đức tin nơi Chúa Giê-su. Có một bằng chứng nào của đức tin đã được thực hiện trong đời sống chúng ta hay không?

 

Amen!

 

Mục sư Phạm Ngọc Hùng (Chúa nhật 25/02/24) Olympia.

 

53 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page