top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

CÁI CHẾT GIỮA SỰ NGỢI KHEN




CÁI CHẾT GIỮA SỬ NGỢI KHEN

Kinh thánh: I Sa-mu-ên 6:1-7; I Sử ký 13:1-13, 15:11-15

 

Dẫn nhập: “Bê-rết U-xa” là một câu nói thể hiện sự đau buồn đến từ một một sự kiện vui mừng mà vua Đa-vít đã trải nghiệm qua cái chết của U-xa vì chạm vào Hòm Giao-ước, và nó đã trở thành một thành ngữ trong văn hóa của dân Y-sơ-ra-ên.

 

Hòm Giao-ước: Theo Trước giả của sách Hê-bơ-rơ cho chúng ta biết thì bên trong Hòm Giao-ước có ba thánh vật là: Hai bản đá chép 10 điều răn, một bình đựng bánh Ma-na, và cây gậy trổ hoa của thầy Tế lễ A-rôn (Hê-bơ-rơ 9:4.)

 

Hòm Giao-ước luôn đi trước dân sự suốt 40 năm trong đồng vắng trong đời của Môi-se. Sau đó là đến đời của Giô-suê vào chiếm đất hứa thì Hòm Giao-ước vẫn luôn đi trước dân sự trong các cuộc chiến. 

 

Bước qua thời Các Quan xét thì Hòm Giao-ước ngự trong đền tạm tại Si-lô. Sau đó Hòm Giao-ước bị dân Phi-li-tin chiếm giữ trong 7 tháng sau cuộc chiến với dân Y-sơ-ra-ên do hai con trai của thầy Tế-lễ Hê-li lãnh đạo bị bại trận. (I Sam 6:1)

 

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ Sa-mu-ên qua vua Sau-lơ thì Hòm Giao-ước cư ngụ tại nhà của A-bi-na-đáp 20 năm. (I Sam 7:2) Chừng 15 năm sau thì Đa-vít lên làm vua và ông quyết định đón Hòm Giao-ước về thành Đa-vít (Bết-lê-hem.)

 

Buổi lễ đón Hòm Gia-ước đã diễn ra rất long trọng, có ba vạn (30 ngàn) người được “kén chọn” tham dự, phần lớn là những người thuộc dòng thầy Tế-lễ và người Lê-vi (II Sa-mu-ên 6:1.) Có ban thờ phượng với đầy đủ các nhạc cụ (II Sam 6:5.)

 

Người ta đã để Hòm Giao-ước trên một chiếc xe bò mới làm; A-hi-giô/A-hi-ô thì đi trước dắt bò, còn U-xa thì đi phía sau hộ tống, tiếp theo là vua Đa-vít và đoàn dân vừa đi vừa hát vui mừng. 

 

Một sự cố đáng buồn xảy ra, khi đến sân đạp lúa của Na-côn/Ki-đôn thì con bò bị trượt chân, U-xa phản ứng nhanh đưa tay ra nắm lấy Hòm thì bị Chúa đánh chết ngay tại chỗ. 

 

Như vậy, những bài học thuộc linh mà chúng ta rút ra từ sự kiện này là gì?

 

1.    Những người không chuyên làm công việc chuyên môn (cần chi phái Lê-vi không phải Giu-đa hay Bên-gia-min.)

 

Khi dân Phi-li-tin chiếm giữ Hòm Giao-ước 7 tháng, Chúa đã hành hại họ bị bệnh trĩ, thế là họ đã trả lại Hòm Giao-ước cho dân Y-sơ-ra-ên. Chiếc xe bò của họ chở Hòm về đến xứ của dân Bết-sê-mết, ở đó được ít lâu thì dân này có 70 người bị Chúa hành-hại vì lén nhìn vào bên trong (I Sam 6:19.)

 

Sau đó Hòm Giao-ước được đưa đến nhà của A-bi-na-đáp. Kinh thánh chép như sau: 

 

Người Ki-ri-át-Giê-a-rim đến thỉnh hòm của Đức Giê-hô-va, đem vào nhà A-bi-na-đáp, ở trên gò-nổng, rồi biệt riêng ra Ê-lê-a-sa, con trai người, đặng coi giữ hòm của Đức Giê-hô-va. (I Sam 7:1)

 

Chúng ta hãy đối chiếu với câu Kinh thánh sau đây:

 

Chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới, rồi đem đi khỏi nhà A-bi-na-đáp, ở tại trên gò-nổng; U-xa và A-hi-giô, con trai A-bi-na-đáp, dẫn cái xe mới đó. (II Sam 6:3)

 

Dựa trên hai câu Kinh thánh ở trên thì A-bi-na-đáp có 3 người con trai là: Ê-lê-a-sa, U-xa, và A-hi-giô. Nhưng, cái người đã được biệt riêng ra để coi giữ cho Hòm Giao-ước là Ê-lê-a-sa, không phải là U-xa và A-hi-giô.

 

Không biết tại sao lúc đón Hòm Giao-ước thì không thấy nói đến Ê-lê-a-sa? Phải chăng Ê-lê-a-sa là con út nên giao cho việc cai giữ Hòm, nhưng khi ở trước 30 ngàn người cùng với nhà vua thì U-xa và A-hi-giô lại muốn cướp vinh hiển nên bắ đứa em Ê-lê-a-sa ở nhà coi chừng nhà?

 

Ứng dụng: Có nhiều khi tại “nhà riêng” chúng ta xa lạ với việc phục vụ, tương giao, gần gũi với Chúa, nhưng mà chúng ta lại thích “có phần” ở giữa hội chúng. Nhưng, chúng ta nên nhớ bài học này, nếu là đúng như vậy thì rất nguy hiểm cho chính mình và còn làm ảnh hưởng đến cuộc thờ phượng Chúa của hội chúng nữa.

 

Ngoài ra, A-bi-na-đáp (cha của U-xa) không phải là người thuộc về dòng họ thầy Tế-lễ và người Lê-vi. Kinh thánh cho biết thời lúc bấy giờ có hai người đặc biệt tên A-bi-na-đáp: Một người là anh trai của vua Đa-vít, và một người là con trai của vua Sau-lơ. 

 

Nhưng dựa trên địa danh nơi mà A-bi-na-đáp (cha của U-xa) sinh sống là Ki-ri-át-Giê-a-rim thì nơi này thuộc về địa phận của chi phái Giu-đa (Giô-suê 18:14.) 

 

Như vậy, rất có khả năng A-bi-na-đáp này chính là anh trai của vua Đa-vít, vì vua Sau-lơ thuộc về chi phái Bên-gia-min. Hay nói rõ hơn, cho dù A-bi-na-đáp này là anh vua Đa-vít hay là con vua Sau-lơ thì cũng không phải là con cháu của chi phái Lê-vi.

 

Trong khi, theo luật pháp của Môi-se thì chỉ có con cháu của thầy Tế-lễ và người Lê-vi mới được khiêng Hòm Giao-ước (Dân số Ký 4:15.)

 

Các thầy Tế-lễ và người Lê-vi ở đâu tại thời điểm này? Có phải họ không biết việc di dời Hòm Giao-ước là trách nhiệm đặc quyền của họ sao? Chắc chắn là họ biết, nhưng có thể chính vì U-xa và A-hi-giô là cháu của vua Đa-vít, và vì Hòm ở trong nhà của họ khá lâu rồi nên người ta vị nể?

 

Ứng dụng: Đối với người đời, người ta thường thiên vị do địa vị, danh tiếng, đặc quyền và đặt để một người không chuyên làm công việc chuyên môn, nhưng trong Hội thánh thì điều này là tối kỵ. Chúng ta phải biết rõ “vị trí” mà Chúa kêu gọi chúng ta là gì và làm tốt vai trò của mình. Trách dẫm chân lên nhau, và ôm đồm công việc mà mình không được kêu gọi và không có thẩm quyền. 

 

Ví dụ: Vua Ô-xia bị phun khi dâng của lễ vì không phải là thầy Tế-lễ. Hoặc vua Sau-lơ bị Chúa quở trách khi dâng của lễ vì không phải là thầy Tế-lễ.

 

Sứ đồ Phao-lô dạy rằng, mỗi người phải làm tốt và làm đúng ơn mà Chúa đã kêu gọi mình như sau:

 

ai gánh việc khuyên-bảo, hãy khuyên-bảo; ai bố-thí, hãy lấy lòng rộng-rãi mà bố-thí; ai cai-trị, hãy siêng-năng mà cai-trị; ai làm sự thương-xót, hãy lấy lòng vui mà làm. (Rô-ma 12:8)

 

2.    Lòng nhiệt huyết nhưng sai phương pháp (cần đôi vai của các thầy Tế-lễ, không phải chiếc xe bò mới.)

 

Chúng để hòm của Đức Chúa Trời trên một cái xe mới, rồi đem đi khỏi nhà A-bi-na-đáp, ở tại trên gò-nổng; U-xa và A-hi-giô, con trai A-bi-na-đáp, dẫn cái xe mới đó. (II Sam 6:3)

 

Vua Đa-vít cũng như dân sự lúc bấy giờ rất có lòng đón rước Hòm Giao-ước, nhưng họ đã phạm một sai làm là thực hiện sai phương pháp di dời Hòm theo mạng lệnh của Chúa đã truyền dạy qua Môi-se.

 

Chúng ta không biết ai đã cố vấn cho vua Đa-vít hay là do chính vua Đa-vít đã tự quyết định khi đóng một cái xe bò mới để di chuyển Hòm Giao-ước. 

 

Cho dù là vua Đa-vít tự ý quyết định làm việc này thì trách nhiệm vẫn thuộc về các thầy Tế-lễ và người Lê-vi lúc đó. Bởi vì, họ đã không nói cho vua Đa-vít biết rằng: Hòm Giao-ước phải được khiêng trên vai của những thầy Tế-lễ chứ không thể nào chở bằng xe bò. 

 

Ngươi cũng hãy đúc bốn khoen bằng vàng để tại bốn góc hòm: hai cái bên hông nầy, hai cái bên hông kia, dùng làm hai cây đòn bằng cây si-tim, bọc vàng; rồi lòn đòn vào khoen hai bên hông hòm, để dùng đòn khiêng hòm. Đòn sẽ ở trong khoen luôn, không nên rút ra. (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:12-15)

 

Ứng dụng: Chúa muốn Hòm Giao-ước phải được đặt trên vai những người được chọn, không phải là một phương tiện (chiếc xe bò) để thay thế. Nhiều người cho rằng: Tôi ở nhà xem chương trình thờ phượng qua zoom, nghe giảng qua online cũng tốt vậy! Không, vì bạn đang dùng phương tiện (xe bò) để thay thế cho chính mình. Chúa muốn chính mỗi chúng ta phải đến để “cuối xuống” và đặt Hòm lên vai mình. Nghiã là phải đến để cuối mình xuống trước Chúa, và cảm nhận sự hiện diện của Chúa trên tấm lòng của mỗi chúng ta. 

 

Ví dụ: Tại sao chúng ta không dùng nhạc chết (phương tiện) thay cho nhạc sống? Tại sao không mở một bài giảng trên mạng cho hội chúng nghe thay vì cần ông mục sư?

  

Nhưng giờ hầu đến, và đã đến rồi, khi những kẻ thờ-phượng thật lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-phượng Cha: Ấy đó là những kẻ thờ-phượng mà Cha ưa-thích vậy. (Giăng 4:23)

 

Ngoài ra, chúng ta nhớ lại khi dân Phi-li-tin giữ Hòm Giao-ước bị Chúa hành-hại thì họ đã gọi các thầy bói trong xứ của họ đến để hỏi xem làm cách nào để trả lại Hòm, và họ đã làm cách như sau:

 

Hè, hãy đóng một cái xe mới, và bắt hai con bò cái còn cho bú, chưa mang ách, thắng nó vào xe, rồi dẫn các con nhỏ chúng nó vào chuồng. Kế đó, hãy lấy hòm của Đức Giê-hô-va để lên trên xe, rồi trong một cái trắp những đồ bằng vàng mà các ngươi sẽ dâng trả cho Đức Giê-hô-va làm của-lễ chuộc lỗi và đặt nó gần bên hông. Đoạn, hãy để cho cái hòm đi (I Sam 6:7-8)

 

Đối chiếu với cách mà vua Đa-vít và dân Phi-li-tin di chuyển Hòm Giao-ước rất giống nhau: Họ đã dùng “một cái xe bò mới đóng.”

 

Ví dụ: Nhiều mục sư mặc đồ “có lon-lá” như tướng tá ngoài đời khi lên bục giảng và lúc thờ phượng để thu hút sự hám danh của những con đỏ thuộc linh.

 

Ví dụ: Một nhà thờ ở San Diego (lúc tôi mới qua Mỹ) đến ngày lễ Cha-Mẹ họ để cái bàn cho mọi người mang hình ảnh cha mẹ đến quỳ lạy.

 

Nhưng Na-đáp và A-bi-hu chết trong khi dâng một thứ lửa lạ trước mặt Đức Giê-hô-va (Dân 26:61)

 

Ứng dụng: Phao-lô đã nói: “Dưng làm theo đời này..” Đừng bao giờ áp dụng những thì thuộc về kỹ xảo, thói quen, tục lệ của thế gian vào sự thờ phượng Đức Chúa Trời. Đừng làm những gì mà Kinh thánh không cho phép trong sự thờ phượng Đức Chúa Trời.

 

3.    Mọi thứ thay đổi theo thời gian, nhưng lời Chúa không thay đổi

 

Từ đời Môi-se đến đời vua Đa-vít là chừng 480 năm. Trong suốt trong thời gian của các Quan xét đến đời vua Đa-vít thì Hòm Giao-ước đã ở một chỗ tại Mi-lô và nhà A-bi-na-đáp là 440 năm. Như vậy, suốt trong thời gian dài này, người ta không có di chuyển Hòm Giao-ước như trong thời gian 40 năm trong đồng vắng. 

 

Có phải vì thời gian khá dài, hơn 4 thế kỷ đi qua, người Y-sơ-ra-ên nghĩ rằng luật lệ của Chúa có thể thay đổi được. Vì suy nghĩ như vậy, mà những thầy Tế-lễ và người Lê-vi cho phép những người không phải chi phái Lê-vi lo việc di chuyển Hòm, và cho phép dùng phương tiện thay thế đôi vai của các thầy Tế-lễ. 

 

Và, phải chăng họ nghĩ rằng qua nhiều thế hệ rồi nên lời Chúa đã thay đổi. Vì thế, U-xa nghĩ rằng anh ta có thể đụng vào Hòm của Chúa mà không chết. Trong khi lời Chúa đã phán rằng: 

 

khi dời trại-quân đi, thì các con-cháu Kê-hát phải đến đặng khiêng các đồ-đạc đó; họ chẳng nên đụng vào những vật thánh, e phải chết chăng. (Dân số Ký 4:15)

 

Chúng ta phải luôn nhớ rằng:

 

cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời! (Ê-sai 40:8)

 

Trời đất sẽ qua, song lời ta nói sẽ không qua đâu. (Lu-ca 21:23)

 

Ví dụ: Trong tiếng Anh có câu: God said what He meant, He means what He said. Tạm dịch: Chúa nói những gì Ngài làm, Ngài làm những gì Ngài nói.

 

Ứng dụng: Cái chết của U-xa là một minh chúng rõ ràng nhất về sự bất biến của lời Chúa. Mọi thứ đều có thể thay đổi theo thời gian: Lòng con người, môi trường, luật pháp, hiến pháp…, nhưng lời Chúa không bao giờ thay đổi. Ai vâng giữ thì được sự sống, ân-điển, được phước; ai xem thường, chối bỏ, và vi phạm thì trật phần ân-điển, mất phước, và hư mất.

 

Kết luận:

 

Cơ-đốc nhân ngày nay chính là những thầy Tế-lễ, người Lê-vi, chúng ta có trách nhiệm làm bổn phận của chúng ta đó là “khiêng Hòm Giao-ước.” Nghĩa là chúng ta phải là những người lo việc thờ phượng và hướng dẫn người khác thờ phượng Đức Chúa Trời.

 

Chúng ta có trách nhiệm phải hiểu biết như thế nào là thờ phượng đúng với lời Chúa dạy để hướng dẫn người khác khi họ làm sai, nếu không thì trách nhiệm sẽ thuộc về chúng ta.

 

Chúa muốn chúng ta phải quỳ xuống, đưa đôi vai vào, và mang Hòm của Chúa trên vai chúng ta. Không thể nào thay thế tấm lòng và sự hiện diện của chúng ta bằng bất cứ phương tiện (xe bò) nào khác.

 

Chúng ta phải thờ phượng Chúa như Hội thánh ban đầu, và Hội Thánh của ngày sau rốt cũng phải như vậy. Chúng ta không thể nào xem thường lời Chúa hay bẻ cong lời lời Chúa để pha trộn với thế gian. Hội thánh có thể đổi người, đổi tên, nhưng Lẽ thật không thể thay đổi.

 

Nếu chúng ta có làm sai thì phải học nơi vua Đa-vít là biết sửa lại cho đúng:

 

Khi ấy Đa-vít bèn nói rằng: Ngoại trừ người Lê-vi, chẳng ai xứng-đáng khiêng hòm của Đức Chúa Trời; vì Đức Giê-hô-va đã chọn chúng đặng khiêng hòm của Đức Chúa Trời, và hầu-việc Ngài luôn luôn. (I Sử ký 15:2)

 

Các ngươi là tộc-trưởng của chi-phái Lê-vi; vậy, hãy cùng anh em các ngươi dọn mình cho thánh-sạch, rồi khiêng hòm của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên đến nơi mà ta đã sắm sẵn cho hòm. Vì tại lần trước các ngươi không có khiêng hòm, và chúng ta không theo lệ đã định mà cầu-vấn Đức Giê-hô-va; nên Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng ta đã hành-hại chúng ta. (I Sử ký 15:12-13)

 

Amen! 

 

Hội thánh Olympia (Chúa nhật 24/3/2024)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

99 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page