top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

LỜI PHÁN GIỮA NGỤC TÙ

Đã cập nhật: 18 thg 3




LỜI PHÁN GIỮA NGỤC TÙ

Công vụ 23:1-11

 

Nhẫn nhập:

 

Sau chuyến truyền giáo lần thứ ba: Phao-lô đi từ An-ti-ốt trải dài đến A-then, và sau đó trở về Giê-ru-sa-lem. Trên đường về, Phao-lô ghé lại thành Sê-sa-rê, ghé thăm Hội thánh tại nhà của chấp sự Phi-líp, tại đó Phi-líp nói tiên tri “Phao-lô sẽ bị bắt bớ tại Giê-ru-sa-lem” (Cv. 21:11), nhưng Phao-lô cương quyết tiếp tục về Giê-ru-sa-lem. Thế là, Hội thánh tại đây phải nói “ý Chúa được nên.”

 

Thật ra, mọi người lúc bấy giờ không hiểu được rằng, Phao-lô đã có một khải tượng phải đến Rô-ma bằng con đường đi ngan qua Giê-ru-sa-lem (con đường thương khó mà Chúa Giê-su đã đi qua.)

 

Ứng dụng: Có những sứ mạng, nếu chúng ta muốn thực hiện phải đi ngang qua “Giê-ru-sa-lem-con đường khổ nạn” mà Chúa đã từng đi qua. 

 

Đúng như lời tiên tri của chấp sự Phi-líp, khi đến Giê-ru-sa-lem thì người Giu-đa gồm: Các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, thầy tế lễ thượng phẩm, họ đã chờ đợi Phao-lô xuất hiện là họ kéo đến vây đánh ngay. Vì sự rối loạn xảy ra, người Quản cơ đã đến giải vây cho Phao-lô mang về đồn. 

 

1.     Bức tường tô trắng là gì?

 

Đến đoạn 23 này, là lúc mà viên Quản cơ cho phép Phao-lô tự biện hộ trước các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, và thầy tế lễ thượng phẩm. (Chúng ta phải hiểu rằng, lúc bấy giờ có viên Quản cơ đang ở đó chứng kiến sự kiện tụng của người Giu-đa và Phao-lô.) Khi Phao-lô vừa mở miệng ra, chưa nói được hết câu thì thầy tế lễ thượng phẩm A-na-nia biểu người vả miệng Phao-lô. (Ông ta dùng chiêu trấn áp tâm lý.)

 

Phao-lô đã phản ứng như thế nào? Phao-lô nói rằng: Hỡi bức tường tô trắng kia, Đức Chúa Trời sẽ đánh ông; ông ngồi để xử-đoán tôi theo luật-pháp, mà lại không kể luật-pháp, biểu người đánh tôi!”

 

Phao-lô muốn nói gì khi gọi thầy tế lễ A-na-nia là “bức tường tô trắng?” Thật ra, đây là một câu nói lóng để gọi một ai đó là một người giả hình, đạo đức giả. Vì chữ “tường tô trắng” là nói đến một tấm bia mộ của một người chết. Người ta sơn phết bên ngoài trắng-đẹp nhưng đằng sau nó là hài cốt hôi thối. 

 

Chính Chúa Giê-su cũng đã từng dùng câu này để gọi những người pha-ri-si và thầy thông giáo, nhưng Ngài nói rõ hơn Phao-lô nữa, Ngài nói họ là “mồ mả tô trắng” (Ma-thi-ơ 23:27.)

 

Ví dụ: Có những người giảng rất hay, chức vụ rất cao, nhiều người cho rằng họ rất được ơn, nhưng khi biết rõ những gì mà họ làm bên ngoài tòa giảng rồi thì chúng ta không thể nào nghe được một lời nào của họ nữa. 

 

Ứng dụng: Liệu ngày hôm nay có ai gọi chúng ta là “bức tường tô trắng” hay không? Những người đứng trên tòa giảng có nhìn vào “gương” trước khi bước lên đó không? Những người đứng trước Chúa mỗi tuần ca ngợi Ngài, nếu những người bên cạnh nhìn vào đời sống chúng ta thì họ có thấy chúng ta chỉ là “bức tường tô trắng” hay không? Hãy xem lại đời sống của chúng ta, quý anh-chi-em ơi!

 

2.     Có phải Phao-lô đã nói dối?

 

Sau khi Phao-lô gọi thầy tế lễ A-na-nia là “bức tường tô trắng” thì những người có mặt ở đó đã bắt lỗi Phao-lô: “Ngươi nhiếc-móc thầy cả thượng-phẩm của Đức Chúa Trời sao!” (câu 4)

 

Phao-lô trả lời: “Hỡi anh em, tôi chẳng biết là thầy cả thượng-phẩm; vì có chép rằng: Chớ sỉ-nhục người cai-trị dân-mình.” (câu 5)

 

Tại sao Phao-lô lại nói “tôi chẳng biết là thầy cả thượng phẩm? Có nhiều người giải thích rằng: Phao-lô đã nói dối để khỏi phiền phức; có người thì nói rằng, Phao-lô không nói dối nhưng vì mắt của ông bị mờ không thấy rõ đó là A-na-nia; có người khác thì lại cho rằng, Phao-lô từng ở trong tòa công luận, nhưng lúc đó A-na-nia chưa làm thầy cả thượng phẩm nên Phao-lô không biết.

 

Tôi không đồng ý với tất cả những cách giải thích ở trên. Bởi vì, Phao-lô hoàn toàn biết rõ A-na-nia là ai, cho nên ông mới nói: “ông ngồi để xử-đoán tôi theo luật-pháp, mà lại không kể luật-pháp..” (câu 2) Sau đó Phao-lô còn trích một câu “Chớ sỉ-nhục người cai-trị dân-mình. (câu 5) Như vậy, thử hỏi: Phao-lô đã trích câu này là để tự lên án chính ông hay sao?

 

Câu trả lời tất nhiên là, không! Nhưng ngược lại, Phao-lô trích câu nói này là để lên án chính thầy cả thượng phẩm A-na-nia. Tại sao như vậy? Tại vì, Phao-lô muốn nói với mọi người lúc đó rằng: Ông không cần biết An-na-nia là ai, những ông ta đã vi phạm luật pháp vì đã xem thường vị Quản cơ là người đang có thẩm quyền dân sự cao nhất tại đó. 

 

Rõ ràng là mọi người tại đó kể cả A-na-nia đã hiểu câu “trích dẫn” của Phao-lô là đang lên án họ, chính vì thế họ không tiếp tục bắt lỗi Phao-lô vì đã mắng thầy cả thượng phẩm A-na-nia nữa. 

 

Ứng dụng: Ngày nay nhiều người thường hay dựa vào chức vụ để làm những điều tổn hại đến danh dự, tinh thần, và thể xác của người khác, nhưng khi có ai phản ứng thì họ dùng câu “người của Chúa” hay “người được xức dầu” để bịt miệng người khác.

 

Tôi cho rằng, những người biết lời Chúa càng nhiều, chức vụ càng cao mà làm điều sai trái, vi phạm lời Chúa thì cũng cần được nhắc họ là coi chừng “Chúa đánh” đấy! Hoặc nói cho họ biết họ là “bức tường tô trắng” để họ xem lại mình. Nhưng, nếu có ai đó nói tôi như vậy thì tôi sẽ cảm ơn Chúa, vì đó là cơ hội để tôi xét lại đời sống của mình.

 

3.     Tranh cãi thần học có ích lợi gì chăng?

 

Sau khi Phao-lô làm cho A-na-nia và người Giu-đa phải câm miệng thì ông bắt đầu nói về đức tin của mình vào Chúa Giê-su Phục sinh. Thế là, một cuộc tranh luận “thần học” đã diễn ra giữa hai trường phái Pha-ri-si và Sa-đu-sê về sự sống lại.

 

“Vì chưng người Sa-đu-sê quyết rằng không có sự sống lại, cũng không có thiên-sứ, thần chi hết, còn người Pha-ri-si lại nhận cả hai điều tin ấy.” (câu 8)

 

Ví dụ: Tôi có xem một người là giáo sư của một viện thần học giảng, ông lên án những người theo phái Ân-tứ là tà giáo và kiêu ngạo. Sau đó, một người giáo sư thuộc phái Ân-tứ đăng đàn FaceBook kết án, những trường thần học chống ân-tứ Thánh Linh là đi xuống địa ngục.

 

Ứng dụng: Tranh luận, phê phán nhau về thần học có ích lợi gì không? Trong quá khứ của lịch sử Hội thánh đã xảy ra không biết bao nhiêu là nan đề cũng vì tranh luận thần học. Nó chỉ làm lợi cho ma quỷ khi tạo thêm sự chia rẽ và đánh mất sự yêu thương trong thân thể của Chúa. 

 

Trong Hội thánh, ngày nay cũng nhiều người hay đứng về phe này chống phe kia, tranh cải với nhau về những việc không đáng. Có nên làm vậy không?

 

Người Sa-đu-sê không tin sự sống lại, người Pha-ri-si tin sự sống lại, nhưng họ lại không tin sự Phục sinh của Đấng Christ thì cũng như không.

 

Phao-lô không tranh luận thần học, ông chỉ công bố lẽ thật về sự sống lại của Chúa Giê-su Christ mà thôi. Chúng ta không cần tranh luận thần học, chúng ta chỉ công bố Lẽ thật trong Đấng Christ như Phao-lô đã làm. 

 

4.     Có phải Phao-lô cô-đơn một mình?

 

Trong lúc, các “nhà thần học” của hai phái Sa-đu-sê và Pha-ri-si đang căm tức nhau mặc dầu phải đúng chung một chiến tuyến. A-na-nia thì tức tối vì bị mất mặt giữa tòa công luận. Và họ đã bàn mưu tính kế với nhau, và kết quả là họ lên kế hoạch để giết Phao-lô. Trong khi đó thì Phao-lô đang một mình bị giam trong khám.

 

Có phải là Phao-lô phải chiến đấu cô đơn không? Có phải chỉ có một mình Phao-lô phải đương đầu với sự chống đối, bắt bớ không? Câu trả lời là, không! Bởi vì:

 

“Qua đêm sau, Chúa hiện đến cùng người mà phán rằng: Hãy giục lòng mạnh-mẽ, ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng phải làm chứng cho ta tại thành Rô-ma thể ấy.” (câu 11)

 

Ứng dụng: Trong lúc đó, có thể là Phao-lô đã cảm thấy mệt mõi cả về thể xác lẫn tinh thần, nhưng Chúa đã hiện đến với ông, Ngài đã khích lệ Phao-lô, “Hãy giục lòng mạnh-mẽ.”

 

Chúng ta có bị bắt bớ vô cớ không? Chúng ta có bị “vả miệng” vô cớ không? Chúng ta có bị tấn công từ mọi người không? Chúng ta có mệt mỏi không?

 

Chúa nhìn thấy hết, và chúng ta không đứng một mình, chúng ta có Ngài là nguồn khích lệ lớn nhất và duy nhất cho chúng ta. Chúa nói với tôi và quý vị là những ai đang mệt mỏi vì phải đối diện với những sự thử thách rằng, “hãy giục lòng mạnh mẽ.”

 

Ứng dụng: Trong lúc mọi người đang lên kế hoạch làm điều ác vì mặt mũi, vì thành kiến, vì truyền thống; có những người thì đang đỏ mặt tía tai vì lo bảo vệ quan điểm thần học.

 

Trong khi Phao-lô thì ôm một khải tượng chinh phục thủ đô Rô-ma cho Chúa, và Ngài đã đến để xác tín khải tượng đó cho Phao-lô, “Ngươi đã làm chứng cho ta tại thành Giê-ru-sa-lem thể nào, thì cũng hãy làm chứng cho ta tại thành Rô-ma.” Tại đây, đã giải thích tại sao Phao-lô quyết tâm về Giê-ru-se-lem: Là vì ông muốn về đó để làm chứng cho giới công quyền và giới tư tế về sự chết và sự sống lại của Chúa Giê-su Christ.

 

Ai muốn làm điều ác, ai muốn tranh luận hơn thua mặc kệ họ, quan trọng là chúng ta phải có một khải tượng cho công việc nhà Chúa; quan trọng là sự đam mê làm chứng nhân cho Chúa tại những nơi mà Tin lành chưa được rao giảng.

 

Ứng dụng: Trong lúc mọi người được tự do bên ngoài để làm theo ý riêng và đang bị “tù” trong những cái tôi của họ; còn Phao-lô đang ở trong tù nhưng ông lại hoàn toàn được "tự do" trong ý Chúa và được nghe lời phán trực tiếp từ Chúa.

 

Giữa thế giới đầy những tiếng nói của xác thịt, kiêu ngạo, danh-lợi-quyền này, chúng ta không dự phần với họ, chúng ta có một nơi mà tại đó chúng ta có thể nghe được tiếng của Chúa. Nơi đó, Ngài khích lệ chúng ta, Ngài xác nhận những hoài bảo và khải tượng của chúng ta.

 

Kết luận:


Có những lúc, chúng ta phải quyết tâm đi qua “Giê-ru-sa-lem” để đạt được mục tiêu và khải tượng của mình.

 

Có những lúc phải nói thẳng với những “bức tường tô trắng” rằng, coi chừng “Chúa đánh quý vị!” Nhưng cũng phải luôn xét mình và đừng trở nên “bức tường tô trắng.”

 

Tranh luận, bảo vệ quan điểm thần học là điều không nên làm, điều cần làm là công bố chân lý của Đấng Christ, Đấng đã chết và phục sinh.

 

Ai đứng với ai, ai cộng tác với ai để chống đối với chúng ta đều không quan tâm. Quan trọng là, tôi có Đấng Christ đứng với tôi. Ngài khích lệ và xác nhận những gì tôi đang làm và sẽ làm. 

 

Amen!

 

Hội thánh Olympia (Chúa nhật 17/03/2024)

 

 

 

45 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page