top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

BÀI HỌC LỊCH SỬ

Đã cập nhật: 12 thg 3




BÀI HỌC LỊCH SỬ

(Các Quan Xét 19:29; I Sa-mu-ên 11:1-7)

 

Dẫn nhập:

 

Nhà văn người Mỹ tên Robert A Heinlein từng nói: “Một thế hệ ngoảnh mặt lại với lịch sử là một thế hệ không có quá khứ – và cũng không có tương lai.”

 

Vua Sa-lô-môn nói lịch sử sẽ được lập lại: “Điều chi đã có, ấy là điều sẽ có; điều gì đã làm, ấy là điều sẽ làm nữa; chẳng có điều gì mới ở dưới mặt trời. (Truyền đạo 1:9)

 

Gióp nói chúng ta phải học lịch sử từ các thế hệ đi trước: “Xin hãy hỏi dòng-dõi đời xưa,” (Gióp 8:8a)

 

Ví dụ: Một người phỏng vấn giới trẻ tại Việt Nam “Quang Trung và Nguyễn Huệ là một người hay hai người” và đa số đều trả lời sai (hai người.)

 

Ví dụ: Giới trẻ tại Hoa Kỳ trong nhiều thập niên qua đã bị triết lý “Phê Phán Chủng Tộc” của Cánh tả xóa bỏ “lịch sử tin kính Đức Chúa Trời” ra khỏi dòng lịch sử Hoa Kỳ.

 

Hôm nay chúng ta sẽ học về một bài học quan trọng trong lịch sử của Tuyển dân Y-sơ-ra-ên, và cũng là bài học thuộc linh quan trọng cho Hội thánh chúng ta.

 

1.     Cái giá cho sự thỏa hiệp

 

Giai đoạn đen tối của lịch sử Y-sơ-ra-ên

 

Từ sau khi Giô-suê qua đời, dân Y-sơ-ra-ên không còn có người lãnh đạo, tinh thần chiến đấu chiếm đất không còn, và đức tin thì sa sút thờ lạy thần tượng. Các dân tộc trong xứ cường thành hơn và cai trị họ. 

 

Đến thời của các con trai thầy tế lễ Hê-li là sa sút nhất, nhưng Chúa đã dấy lên tiên tri Sa-mu-ên. Đến khi Sa-mu-ên đã già, mà các con trai ông thì được lòng dân vì không có đời sống tốt. Thế là dân, Y-sơ-ra-ên đòi Sa-mu-ên cho họ một vị vua, lúc đó Sau-lơ là người được Chúa chọn và cũng là người được lòng dân sự. 

 

Sau khi được tiên tri Sa-mu-ên xức dầu để làm vua (đoạn 9-10) nhưng Sau-lơ vẫn chưa thực sự là một vị vua vì cũng chưa có một công trạng gì đáng nói. Đến phân đoạn 11 này, chúng ta thấy Sau-lơ vẫn còn làm công việc thường nhật là cày ruộng cùng với những con bò.

 

Một biến cố tồn-vong

 

Một biến cố xảy ra, dân Am-môn kéo đến vây thành xứ Ga-la-át của chi phía Bên-gia-min, trong đó có thành Ghi-bê-a là nơi sinh quán của Sau-lơ. Các trưởng lão của Bên-gia-min xin được hàng và phục vụ cho dân Am-môn.

 

Kết quả là dân Am-môn nói rằng: Muốn quy hàng thì mọi người trong chi phái Bên-gia-min phải chịu mù một mắt phải để sỉ nhục tất cả các chi phái còn lại của Y-sơ-ra-ên.

 

Chúng ta biết rằng, dân Am-môn là hậu tự của Lót cùng với hai đứa con gái của ông. Đó là hệ quả còn lại từ tội lỗi của thành Sô-đôm. Vì thế, dân Am-môn là tượng trưng cho thế gian và tội lỗi. Còn hậu tự của Áp-ra-ham là tượng trưng cho Hội thánh Chúa ngày nay.

 

Bài học nào cho Hội thánh

 

Như trong phân đoạn Kinh thánh này chúng ta thấy dân sự của Chúa muốn được làm tôi cho dân Am-môn, và họ bị sỉ nhục bằng việc tự chọc mù con mắt phải của mình. Điều này có ý nghĩa gì cho Hội thánh hôm nay?

 

Ví dụ: Một nhà thờ Methodist có một ban nhạc hát những bài ca ngợi đồng tính, mục sư giảng yêu thương người đồng tính. Tôi tự hỏi, tại sao nhiều người mục sư Việt nam vẫn còn tiếp tục ở trong những giáo hội chấp nhận hôn nhân đồng tính?

 

Ví dụ: Một Hội thánh tại Việt nam, một nữ mục sư đứng trên bục giảng và dưới thập giá giảng ca ngợi ông Hồ chí Minh. Tôi tự hỏi: Ai đã cho phép dùng bục giảng thánh khiết-nơi công bố Lời Đức Chúa Trời để ca ngợi một kẻ tội lỗi?

 

Ví dụ: Vấn đề lớn hơn, là có rất nhiều người Tin lành "comment" bênh vực người nữ "cán bộ mục sư" đó; cũng giống như có rất nhiều Christians comment ca ngợi tinh thần "yêu thương" của vị mục sư tại hội thánh Methodist tại Mỹ kia. 

 

Ứng dụng: Nếu dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa. muốn thuận phục dân Am-môn thì phải bị mù theo nghĩa đen. Ngày nay, khi Hội thánh thỏa hiệp với thế gian, chúng ta cũng sẽ phải bị mù lòa tâm linh, và chúng ta sẽ không còn nhận ra đâu là thánh đâu là tà, đâu là Lẽ thật đâu là sự giả dối cua ma quỷ.

 

2.     Bài học lịch đau thương từ lịch sử

 

Sau-lơ, người mang trong lòng bài học lịch sử

 

Khi nghe tin dân sự của mình bị sỉ nhục, Kinh thánh nói rằng, Sau-lơ được Thần của Chúa cảm động, ông giết chết cặp bò của mình sẽ ra từng miếng và gửi đi cho các chi phái trong dân Y-sơ-ra-ên (câu 6-7).

 

Tôi dừng lại ở đây để hỏi rằng, hành động của Sau-lơ mang ý nghĩa gì? Hay nói cách khác, tại sao Sau-lơ lại hành động "giết bò và gửi cho các chi phái?" Để hiểu hành động của Sau-lơ, chúng ta phải quay lại với bối cảnh của Các-quan Xét 19.

 

Một người Lê-vi có vợ bé ngoại tình rồi về quê nhà, người Lê-vi (không biết tên) về đón vợ, kết quả là vợ bé bị người trong thành Ghi-bê-a hãm hiếp cho đến chết. Người Lê-vi này sẽ vợ bé của mình thành 12 phần và gửi cho 12 chi phái. Kết quả là cuộc nội chiến xảy ra, dân Bên-gia-min bị diệt vong chỉ còn lại 600 người chạy trốn. 

 

Có nghĩa là, Sau-lơ là hậu tự của một trong số 600 người Bên-gia-min còn sống sót đó. Và tội ác đó đã xảy ra ngay tại thành Ghi-bê-a nơi mà Sau-lơ đang sinh sống. Có thể nói, đó là một bài học lịch sử mà Sau-lơ hay bất cứ người Bên-gia-min nào cũng không thể quên. 

 

Sau-lơ, người thay đổi lịch sử

 

Và bây giờ, dân tộc Bên-gia-min lại đang đối diện với một nguy cơ bị tiêu diệt, Sau-lơ đã làm lại hành động của người Lê-vi năm xưa, nhưng không phải là gửi "thịt người" mà là thịt bò. Sau-lơ muốn nói với toàn thể các chi phái rằng: Ngày xưa quý vị đã hiệp lại để tiêu diệt chính anh em mình, ngày nay quý vị có muốn ngồi đó để xem anh em mình bị diệt vong một lần nữa hay không?

 

Ví dụ: Video cảnh các Hội thánh tại Hà nội, Sài-gòn chia làm hai phe đánh nhau tranh giành quyền hành và tài sản. Tại Mỹ đưa nhau ra tòa và tiếp tục đưa nhau lên mạng.

 

Ứng dụng: Nếu ngày xưa 11 chi phái tiêu diệt chi phái Bên-gia-min vì nguyên nhân của tội lỗi. Thì ngày nay, lịch sử Hội thánh cũng không có gì tốt đẹp khi mà "anh-em" chỉ biết tiêu diệt lẫn nhau.

 

Ứng dụng: Chúng ta muốn lịch sử tái diễn hay chúng ta muốn thay đổi lịch sử? Muốn làm điều đó thì chúng ta không phải gửi đến nhau "xác thịt" mà phải gửi cho nhau "Thịt Chiên Con" đã chết vì mỗi chúng ta. 

 

Ví dụ: Ngày nay, có rất nhiều người Lê-vi thích gửi cho anh-em mình những gói “xác-thịt” họ muốn người khác hiệp nhất với họ để đánh-giết chính anh-em mình. Đừng hiệp nhất lại với họ nếu đó là một món quà “xác-thịt.”

 

Sau-lơ về sau là một người bị Chúa bỏ, nhưng ngay tại thời điểm này, ông đã làm được một đại công là đem dân sự đến sự hiệp một để chiến đấu với kẻ thù. Ông đã đổi sự nô lệ thành tự do, đã đổi sự sỉ nhục thành vinh hiển. 

 

Muốn Hội thánh được phục hưng, hiệp nhất chiến đấu với ma quỷ, Chúa cần những con người được "Thần Chúa cảm động", dám hành động quyết đoán và hiểu biết lịch sử.

 

Ứng dụng: Lịch sử cá nhân của mỗi chúng ta như thế nào? Chúa muốn mỗi chúng ta phải biết học nơi chính lịch sử của đời sống mình, hãy thay đổi trang lịch sử thất bại đau buồn thành đắc thắng vui mừng.

 

Lịch sử Hội thánh chúng ta thế nào? Có phải đã từng gửi cho nhau những món quà “xác thịt-cái tôi” hay không? Phải học từ những bài học lịch sử đau buồn này!

 

Kết luận:

 

Hãy nhớ rằng, thỏa hiệp với thế gian phải trả một cái giá rất đắt, đỏ là bị kẻ thù làm cho mù lòa tâm linh, sống một đời sống tăm tối và sỉ nhục. 

 

Đừng gửi cho nhau những miếng "xác thịt" hãy gửi cho nhau "Huyết của Chiên Con" để nhắc nhớ nhau lòng hiệp nhất và tinh thần chiến đấu chống lại ma quỷ. 

 

Hãy nói rằng: Tôi quyết không làm người Lê-vi vô danh gửi đi những bằng chứng tội lỗi để anh-em đấu đá lẫn nhau; tôi phải làm Sau-lơ gửi đi bằng chứng của sự tha thứ trong Huyết Đấng Christ đề đem đến sự hiệp nhất chiến đấu với thế gian và ma quỷ.

 

Amen!

 

Mục sư Phạm Ngọc Hùng, Hội thánh Olympia, Chúa nhật 10/03/24.

 

132 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page