top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

HỦY PHÁ GIÊ-RI-CÔ

Đề mục: Phá Đổ Mọi Đồn Lũy

Kinh thánh: (Giô-suê 6)

 

Dẫn nhập: 

 

Ngày hôm nay, nếu có một Cơ-đốc nhân nào du lịch đến nước Do-thái và ghé thăm thành Giê-ri-cô thì sẽ rất ngạc nhiên. Bởi vì, người ta sẽ đưa cho chúng ta một tờ giấy giới thiệu về lịch sử của thành Giê-ri-cô có nội dung là, “Dựa trên bằng chứng khoa học thì câu chuyện của Kinh thánh viết về sự sụp đổ của thành Giê-ri-cô có liên hệ với quân đội của Giô-suê là không đúng sự thật.”

 

Có lẽ chúng ta sẽ hỏi: Tại sao lại như vậy? Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta phải dài dòng một chút để ôn lại tiến trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học trong thế kỷ 20 vừa qua. 

 

Vào đầu thế kỷ 20, có Ernst Selling là một nhà khảo cổ học đã đến đây nghiên cứu, sau đó ít lâu có Carl Watzinger cũng là một nhà khảo cổ học, và đến giữa thế kỷ 20 thì có một nhà khảo cổ học khác tên là John Garston cũng đã đến. Cả ba nhà khảo cổ học này đều đưa ra một kết quả giống nhau là: Thành Giê-ri-cô bị thiêu hủy cùng thời gian với sự tiến công vào đất hứa của Giô-suê và quân đội của ông vào khoảng năm 1400 BC. 

 

Sau đó, có Kathreen Kenyan cũng là một nhà khảo cổ học đã đến đây nghiên cứu vì bà nghi ngờ vào các báo cáo của ba nhà khảo cổ học trước đó. Kết quả, bà Kathreen đưa là thời điểm sự sụp đổ của Giê-ri-cô là vào những năm 1500 BC. Nghĩa là, nó đã sụp đổ 100 năm trước khi quân đội của Giô-suê đến Ca-na-an. 

 

Cuối cùng, vào cuối thế kỷ 20 có nhà khảo cổ học tên Lorenzo Nigro đã đến nghiên cứu với những kỹ thuật tiên tiến hơn, và ông đã đưa ra kết quả đồng thuận với các nhà khảo cổ học trước đó gồm các điểm như sau: 


  1. Thời điểm thành Giê-ri-cô sụp đổ là 1400 BC. cùng thời điểm Giô-suê và dân Y-sơ-ra-ên vào đất hứa. 

  2. Thứ hai, trong các trầm tích của nền Giê-ri-cô có một lớp do hỏa hoạn lớn gây ra.

  3. Thứ ba, thời điểm bị sụp đổ có thể là vào mùa gặt như Kinh thánh đã nói trong (Giê-suê 3:15), vì người ta tìm thấy rất nhiều kho chứa lúa vẫn còn nguyên nhưng bị cháy bên trong. 

  4. Thứ tư, thành bị ngã từ ngoài vào, như có một lực rất mạnh đã tác động vào tường thành.

  5. Thứ năm, tường thành (phía tây-bắc) còn lại một phần, có thể là nhà của kỵ nữ Ra-háp tại đó.

  6. Thứ sáu, Giê-ri-cô là một thành kiên cố và lâu đời nhất, vì các nhà khảo cổ đã tìm thấy tất cả là 23 trầm tích cổ vật. Nghĩa là có 23 thời đại lịch sử khác nhau đã từng sinh sống tại Giê-ri-cô. 

 

Như vậy, tại sao ngày nay người ta lại cho rằng sự sụp đổ của Giê-ri-cô là không liên quan đến Kinh thánh? Bởi vì, ngày nay thành Giê-ri-cô thuộc về khu vực gọi là West-Bank, mà West-Bank thì thuộc lãnh thổ của người Pha-lét-tin sinh sống. Vì thế, người Pha-lét-tin không muốn vùng đất của họ quản lý có liên hệ đến người Do-thái. Điều dễ hiểu là tại sao họ đã dùng kết quả nghiên cứu của bà Kathreen để tuyên truyền cho du khách, đồng thời cấm các hoạt động khai quật di tích, và hủy đi mọi chứng cứ đã tìm thấy trước đó.

 

Cần nói thêm, lý do mà bà Kathreen đưa ra kết quả khác với các nhà khảo cổ học khác về thời gian là vì hai lý do: Thứ nhất, bà Kathreen là người chống Cơ-đốc giáo. Thứ hai, bà đã dùng phương pháp Cacbon 14 để định tuổi một chiếc bình thuộc một trầm tính cổ hơn so với trầm tích bị cháy trong thời của Giô-suê.

 

Dàn bài: Qua phân đoạn Kinh thánh này, chúng ta sẽ tìm hiểu ba bài học như sau: Nhận diện đồn lũy của kẻ thù, Người lãnh đạo thực sự, và Chiến thuật để công phá đồn lũy

 

1.     Giê-ri-cô-đồn lũy phải bị công phá

 

Thứ nhất: Tên Giê-ri-cô có nghĩa là: a place of fragrance (nơi của hương thơm). 

 

Ví dụ: Saigon trước đây được gọi "Hòn Ngọc Viễn Đông," không có nghĩa là Sài gòn là một hòn ngọc theo nghĩa đen. Nhưng phải hiểu “hòn ngọc” là muốn nói đến sự xinh đẹp, giàu có của Saigon lúc đó.

 

Cũng vậy, từ "hương thơm" trong tên gọi (Giê-ri-cô) ở đây không phải là hiểu theo nghĩa đen, mà nó nói lên sự hào nhoáng, tráng lệ, nổi tiếng về ăn chơi của thành này. Một thành phố mà ngay cổng thành đã có nhà của kỵ nữ (Ra-háp) ở đó thì chúng ta cũng hiểu "hương thơm" của nó là gì rồi phải không!

 

Ứng dụng: Có những thứ được xem là "hương thơm" đối với nhiều người thì nó lại chính là những "đồn lũy" mà các Cơ-đốc nhân phải chiến thắng. 

 

Ví dụ: Có người nói: Sống ở Mỹ mà chưa đến Las vegas thì coi như chưa đến Mỹ. Ý họ muốn nói rằng phải đến đó hưởng thụ những lạc thú của sòng bài, quán bar, vũ trường. (Tôi không nói những người du lịch vì thắng cảnh tại đây.) 

 

Ví dụ: Tôi thấy rất nhiều mục sư tại Việt Nam được làm “người trung bảo” giữa chính quyền và Hội thánh với tên gọi là “đại diện Tin Lành,” có người khác thì làm việc (ngầm) cho cả ủy ban mặt trận tổ quốc, ban tôn giáo chính phủ, có người đứng chụp hình dưới tượng các lãnh tụ, những người này xem đó như là thứ rất “thơm!”

 

Ứng dụng: Đối với tôi, thì những thứ “thơm” đó chính là những đồn lũy mà ma quỷ đã xây dựng trong lòng của họ. Người hầu việc Chúa chân chính chỉ có một mình danh Chúa Giê-su Christ là niềm vinh dự của mình mà thôi.

 

Thứ hai: Dựa trên sự nghiên cứu của các nhà khảo cổ học mà chúng ta đã nói ở trên, Giê-ri-cô là một thành phố lâu đời nhất, và kiên cố nhất so với các thành khác trong vùng đất Ca-na-an lúc bấy giờ.

 

Ứng dụng: Có những "đồn lũy" lâu đời mà ma quỷ đã xây dựng mà Cơ-đốc nhân phải chiến thắng. 

 

Ví dụ: Cái văn hóa năm ngàn năm nào là: "con rồng cháu tiên," mười hai con giáp (kỵ tuổi), ngày tốt ngày xấu, xông đất đầu năm... đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người. 

 

Ứng dụng: Cũng có những đồn lũy mà ma quỷ gieo vào đời sống chúng ta 20, 40, 70 năm, thậm chí là tin Chúa rồi chúng ta vẫn còn để nó tồn tại trong đời sống của mình.

 

Ví dụ: Những ngày mới qua Mỹ tôi rất ngạc nhiên khi thấy một nhóm người đứng hút thuốc trước cổng nhà thờ. Càng ngạc nhiên hơn khi một mục sư mời tôi ăn tối có chai rượu XO. Chưa dừng lại ở đó, khi nói chuyện về uống rượu bia, có một ông chấp sự nói một câu xanh dờn, "qua Mỹ mà không được uống bia thì chết còn sướng hơn." 

 

Nhưng đâu phải chỉ có ở Mỹ mới có những tệ nạn này! Khi tiếp xúc càng nhiều với nhiều người là những mục sư, Cơ-đốc nhân ở Việt nam tôi thấy họ nói dối và xem đó như là một lối sống khôn ngoan. Họ xem hối lộ như là sự "quan hệ" rộng. Họ chụp hình dưới hình tượng mà người ta tôn thờ như thần thánh mà cảm thấy vinh hạnh.

 

Nói ra những điều này là tôi đang lên án cho chính mình nếu như tôi cũng làm những điều này hoặc những điều thậm tệ hơn. Và đó là những đồn lũy mà tôi phải nhận ra để phá hủy chúng.

 

Đó là chưa nói đến những thói quen hàng ngày tại nơi mà chúng ta tiếp xúc với người thân, bạn hữu, hoặc là nơi riêng tư thì vẫn còn những đồn lũy Giê-ri-cô tại đó. 

 

Ứng dụng: Buổi sáng hôm nay, để chuẩn bị bước vào một năm mới, chúng ta phải công bố mọi đồn lũy "hương thơm" và “lâu năm” đó phải bị sụp đổ trong danh của Tướng Đạo Binh Đức Giê-hô-va. Amen!

 

2.     Tướng Đạo Binh Đức Giê-hô-va-Người lãnh đạo thật sự

 

Hôm tuần trước, chúng ta có học về sự chiến đấu của dân Y-sơ-ra-ên với dân A-ma-léc do Giô-suê lãnh đạo. Nhưng thực chất chiến thắng là đến từ sức mạnh của Chúa mà Môi-sẽ đã chuyển tải đến qua sự “cầu nguyện.”

 

Hôm nay, chúng ta nói về chiến thắng thành Giê-ri-cô của dân Y-sơ-ra-ên thì có phải là do tài năng lãnh đạo của Giô-suê hay không? Để trả lời câu hỏi này thì chúng ta trở lại trước đó một đoạn (đoạn 5.)

 

Kinh thánh nói rằng, khi Giô-suê đã tiến đến gần thành Giê-ri-cô, trong lúc ông đang suy nghĩ xem phải tấn công thành Giê-ri-cô như thế nào, thì có một người hiện ra, tay cầm gươm trần, Giô-suê rất bất ngờ và hỏi: "Ngươi là người của chúng ta hay là người của kẻ thù-nghịch chúng ta?" (Giô-suê 5:13)


Và Người đó đã trả lời với Giô-suê: "Người đáp: không, bây giờ ta đến làm tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va. Giô-suê bèn sấp mặt xuống đất, lạy và hỏi rằng: Chúa truyền cho tôi-tớ Chúa điều gì? Tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va nói cùng Giô-suê rằng: Hãy lột giày khỏi chân ngươi, vì nơi ngươi đứng là thánh. Giô-suê bèn làm như vậy." (Giô-suê 5:14-15)

 

Thứ nhất: Đặc điểm của người hiện ra cùng Giô-suê này là có cầm thanh gươm trần. Điều này hoàn toàn giống với Đấng đã phán cùng sứ đồ Giăng, vì Đấng đó cũng có thanh gươm hai lưỡi nơi tay (tất nhiên là gươm trần thì Giăng mới thấy rõ đó là thanh gươm bén cả hai bề.)


"Cũng hãy viết cho thiên-sứ của hội-thánh Bẹt-găm rằng: Nầy là lời phán của Đấng có thanh gươm nhọn hai lưỡi:" (Khải huyền 2:12)

 

Như vậy, người hiện ra cùng Giô-suê không ai khác hơn chính là Chúa Giê-su (tiền giáng-sinh.)

 

Thứ hai: Một điều quan trọng khác là, Kinh thánh không gọi Người này là thiên sứ. Nhưng khi Giô-suê được người đó trả lời rồi thì ông nói: "Chúa truyền cho tôi tớ Chúa điều gì?" Chữ "Chúa" mà Giô-suê dùng trong câu này thì trong nguyên văn Hê-bơ-rơ là "Yah-weh" (Đức Chúa Trời/Đức Giê-hô-va.)

 

Thứ ba: Một đặc điểm khác của Người này là bảo Giô-suê phải cởi giày ra. Nói đến điều này thì chúng ta nhớ đến Đấng đã phán cùng Môi-se trong bụi gai cháy. Và Đấng đó chính là Đức Giê-hô-va đã hiện ra để sai phái Môi-se.

 

Như vậy, Người cầm gươm trần đó muốn nói cho Giô-suê biết rằng, Ngài là "Tướng đạo binh Đức Giê-hô-va" nhưng kỳ thực danh Ngài là Đức Giê-hô-va. Như vậy, khi đối chiếu với Tân Ước thì chính Đức Chúa Giê-su Christ mới có danh hiệu và địa vị như vậy mà thôi. Bởi vì, Ngài vừa là Con, nhưng cũng có danh hiệu và địa vị là Cha.

 

Ví dụ: Nói đến đây thì tôi nhớ lại, khi Chúa Giêsu còn trên đất, Ngài đã nói với các môn đồ rằng Ngài sẽ đi về cùng Cha, và Phi-líp mới hỏi Ngài rằng: "Lạy Chúa, xin chỉ Cha cho chúng tôi, thì đủ rồi." (Giăng 14:8)

 

Chúa Giêsu đã trả lời cho Phi-líp: "Hỡi Phi-líp, ta ở cùng các ngươi đã lâu thay, mà ngươi chưa biết ta! Ai đã thấy ta, tức là đã thấy Cha." (Giăng 14:9)

 

Như vậy, Người cầm gươm trần chính là Chúa Giê-su, và Ngài là tướng đạo binh của Đức Giê-hô-va. Ngài là người trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến hủy phá đồn lũy Giê-ri-cô cùng với Giê-suê.

 

Ứng dụng: Những đồn lũy trong chúng ta, và xung quanh chúng ta là gì? Dù cho chúng có "thơm" hay "lâu đời" cách mấy cũng sẽ sụp đổ nếu chúng ta nhận ra "Người cầm gươm trần" đang đứng trước mặt chúng ta hiện giờ.

 

Nếu khi xưa Chúa Giê-su làm cho Giê-ri-cô sụp đổ, thì ngày nay cũng không có đồn lũy nào đứng vững trước mặt Ngài. Nếu khi xưa Chúa Giê-su đứng với Giô-suê thì ngày nay Ngài cũng đứng với chúng ta trong mọi trận tuyến.

 

Ví dụ: Tháng 3, 2023 vừa qua, khi tôi quyết định đi về Việt-nam tổ chức Hội thảo của CBTS thì nhiều người lo sợ đủ thứ (tôi biết ơn những ý tốt đó.) Kết quả thì mọi người đã chứng kiến: Những người “đồng nghiệp” của tôi chỉ có thể ập vào khi tôi vừa tuyên bố bế mạc Hội thảo.

 

Ứng dụng: Tôi muốn nói rằng, có những thứ được gọi là “đồn lũy của sự sợ hãi” cần phải bị phá đổ trong chúng ta. Sợ thất bại, sợ mang tiếng, sợ bắt bớ, sợ không có tiền…! Nếu chúng ta biết Tướng Đạo Binh của Đức Giê-hô-va đang đứng cùng chúng ta với “gươm trần” (tư thế sẵn sàng chiến đấu.) thì tại sao phải sợ?

 

3.     Chiến thuật để công phá đồn lũy


Sau khi Giô-suê hỏi (Chúa Giê-su) rằng: "Chúa truyền cho tôi-tớ Chúa điều gì?" Thì Kinh thánh không nói là Ngài có chỉ cách đánh như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, Chúa để cho Giô-suê vận dụng khả năng lãnh đạo của ông, còn Ngài thì đồng hành cùng với Giô-suê trong mọi hành động đó. Và, chúng ta đã thấy Giô-suê hướng dẫn cho dân sự chiến thuật hủy phá thành như sau:

 

Thứ nhất: Những người cầm binh khí đi trước thổi kèn, các thầy tế lễ đi kế kếp và khiêng hòm Giao ước, rồi cuối cùng là dân sự đi theo sau. 

 

Chúng ta biết rằng, đây là cách công phá thành có một không hai trong lịch sử chiến tranh, bởi vì nó rất nguy hiểm: Trong tay họ không cầm khiên và binh khí mà lại cầm kèn để thổi, một khi kẻ thù bắn tên từ trên xuống sẽ không thể tránh được. Vì thế, trong chiến thuật này đòi hỏi dân sự phải có một sự vâng phục người lãnh đạo tuyệt đối.

 

Ứng dụng: Ngày hôm nay chúng ta có muốn các đồn lũy phải sụp đổ không? Điều kiện đầu tiên là chúng ta phải vâng phục Đức Thánh Linh 100%. Nếu Ngài nói những lĩnh vực đó là tội thì chúng ta phải đồng ý với Ngài. Nếu Ngài nói phải từ bỏ hoặc thay đổi thì chúng ta phải vâng phục và làm theo.


Nếu nói vâng phục mà không có đức tin thì không thể nào đưa đến hành động. Trong lúc này dân sự hoàn toàn tin tưởng vào Giô-suê vì họ biết rằng Chúa đang hướng dẫn Giô-suê. 

 

Như trong thư Hê-bơ-rơ bình giải như sau: "Bởi đức-tin, các tường thành Giê-ri-cô đổ xuống, sau khi người ta đi vòng quanh bảy ngày." (Hê-bơ-rơ 11:30)

 

Ứng dụng: Cái thất bại của nhiều người là họ không trực tiếp thấy Tướng Đạo Binh của Đức Giê-hô-va, mà họ cũng không chịu tin những "Giô-suê" mà Chúa đặt để làm người lãnh đạo họ. Trong khi có những con người tầm thường thì có thể làm những việc phi thường bởi vì họ có đức tin và lòng vâng phục.

 

Thứ hai: Một điểm quan trọng trong chiến thuật mà Giô-suê đã hướng dẫn cho dân sự là trong khi đi vòng quanh thành họ không được nói chuyện. Tôi tự hỏi tại sao phải làm như vậy?

 

Chúng ta còn nhớ, trước đó 40 năm, khi chính Giô-suê cùng Ca-lép và 10 người thám tử khác đã bước chân vào Ca-na-an để do thám xứ. Kết quả là 10 người kia đã làm cho dân sự lầm bầm. Hậu quả là phải quay lại đồng vắng 40 năm, bằng với số 40  ngày mà họ đã ở trong Ca-na-an, và cuối cùng là thế hệ đó chết hết trong đồng vắng. 

 

Chúng ta thử nghĩ xem, nếu trong lúc đi chung quanh thành Giê-ri-cô mà cho phép họ nói thì sẽ như thế nào? Tôi tin rằng người ta sẽ bắt đầu nói những lời tiêu cực nhiều hơn là tích cực. "Ổng lãnh đạo kiểu gì vậy?" hay "chúng ta đang làm bia cho người ta bắn sao?."

 

Phải chăng, để tránh bài học của quá khứ, Giô-suê đã ra lệnh cho dân sự phải yên lặng và chỉ nghe tiếng thổi kèn mà thôi.

 

Ứng dụng: Chúng ta phải biết học lấy những bài học thất bại trong quá khứ và tránh để lịch sử lập lại. Ngoài ra, "im lặng" ở đây trong ý nghĩa là đừng nói lời tiêu cực. Hãy tránh cơ hội để nói lời tiêu cực. Thay thế vào đó là "thổi kèn" nghĩa là tôn vinh Chúa. Khi chúng ta không nói tiêu cực thành lời nói, hoặc là sự suy nghĩ trong lòng mình thì phân nữa đồn lũy của ma quỷ sẽ bị sụp đổ rồi. Và nếu chúng ta thay thế nó bằng sự ngợi khen Chúa nữa thì nền móng của mọi đồn lũy đó sẽ phải rúng động và không thể đứng vững được.

 

Thứ ba: Trong chiến thuật này, dân sự phải đi một vòng quanh thành trong sáu ngày, nhưng ngày thứ bảy thì phải đi bảy vòng và la lên trong ngày thứ bảy đó.

 

Kinh thánh không nói là ngày thứ bảy ở đây là ngày Sa-bát. Nhưng cũng không có nghĩa là không thể đó chính là ngày Sa-bát. 

 

Ứng dụng: Tôi có thể ứng dụng ở đây là: Sáu ngày trong tuần (Thứ hai đến Thứ bảy) chúng ta phải đi trọn vẹn một vòng quanh thành. Nghĩa là, chúng ta dầu bận rộn công việc gì thì cũng phải hoàn tất một vòng "thuộc linh" là cầu nguyện, đọc suy gẫm lời Chúa. Rồi đến ngày thứ bảy (Chúa nhật) thì phải làm công tác thuộc linh nhiều gấp bảy lần hơn ngày thường, bởi vì ngày đó chúng ta không có làm công việc thể xác.

 

Và tất nhiên, ngày thứ bảy (Chúa nhật) là ngày mà chúng ta phải chứng kiến những đồn lũy sụp đổ. Đó là khi mà mỗi chúng ta bước đến phòng nhóm này thì đã đi được sáu vòng thuộc linh, đến đây chúng ta chỉ đi vòng cuối và la lên mà thôi. Nên nhớ, “la lên” chính là tiếng thét của lòng tin vào sự chiến thắng!

 

Tiếc thay, ngày nay nhiều người khi đến đây mà trước đó không xét mình, cầu nguyện, cầu thay, chuẩn bị tấm lòng, tài vật…, cho nên, thay vì chúng ta chứng kiến đồn lũy của ma quỷ sụp đổ thì đồn lũy lại được dựng lên thêm, đó là những sự cay đắng, giận hờn, hơn thua.

 

Chúng ta phải nhớ và áp dụng “bảy vòng” trong ngày thứ bảy này. Tôi tin là chúng ta sẽ chứng kiến mọi đồn lũy của ma quỷ sẽ sụp đỗ mỗi khi chúng ta nhóm lại tại đây.

 

Kết luận: 

 

Những đồn lũy của mỗi người chúng ta là gì? Nó “thơm” đến độ nào? Nó “lâu đời” đến độ nào? Những đồn lũy đó phải được gọi ra từng tên.

 

Chúng ta không cô đơn, không chiến đấu một mình. Tuớng đạo binh Đức Giê-hô-va hứa rằng: “Ta sẽ ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.” Ngài đã đứng trước mặt Giô-suê năm xưa, Ngài củng đang đứng trước mặt chúng ta hôm nay.

 

Những đồn lũy phải bị sụp đổ khi mà chúng ta biết: Lấy đức tin mà vâng phục Chúa, yên lặng và chỉ “la lên” khi đúng thời điểm, và biết áp dụng chiến thuật 6/1+1/7.

 

Ví dụ: Khi các nhà khảo cổ học đến Giê-ri-cô thì họ thật ngạc nhiên, vì còn một đoạn tường thành chưa sụp hoàn toàn. Họ cho rằng không phải ngẫu nhiên, mà có thể đó chính là nơi mà gia đình của Ra-háp đã được cứu thoát.

 

Kết quả của việc đồn lũy của ma quỷ sụp đổ chính là phục hưng. Hay nói cách khác là những gia đình Ra-háp sẽ được thêm vào Hội thánh của Đấng Christ! Khi đồn lũy của ma quỷ sụp đổ thì đời sống chúng ta phục hưng, khi Hội thánh phục hưng thì kết quả sẽ là Hội thánh tăng trưởng.

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia vào Chúa nhật 28/01/2024.

35 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page