top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

DANH GIÊ-HÔ-VA NIS-SI

ĐỀ MỤC: DANH ĐẮC THẮNG

Xuất Ê-díp-tô Ký 17:8-16

 

Tuần trước chúng ta đã học về Ba Cấp Độ của Cuộc Chiến Thuộc Linh từ bài học của vua Ba-lác và tiên tri Ba-la-am. Hôm nay chúng ta tiếp tục học về chủ đề trận chiến thuộc linh này.

 

Phần thượng văn từ câu 1-7 chúng ta thấy có một nan đề đến từ bên trong dân Y-sơ-ra-ên đó là dân sự than phiền vì không có nước uống. Chúa đã giải quyết bằng cách cho nước ra từ một hòn đá.

 

Ứng dụng: Nước tượng trưng cho Đức Thánh Linh, vì thế những nan đề từ bên trong Hội thánh thì cần phải có sự tuôn chảy Đức Thánh Linh từ Chúa Giêsu là Vầng Đá thì dân sự mới có thể được đã khát (thỏa lòng.)

 

Trong câu số 8 nói, "Vả, khi đó..." có nghĩa là vừa mới giải quyết nan đề nước uống thì một nan đề khác đến là dân A-ma-léc tấn công.

 

Ứng dụng: Hội thánh ngày nay cũng như vậy, hết nan đề từ bên trong lại đến sự tấn công từ bên ngoài. Nan đề từ bên trong thì cần có "nước", nhưng sự tấn công từ bên ngoài thì chúng ta cần có gì? Chúng ta cần có Danh Đắc Tháng (Gê-hô-va Nis-si.)

 

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần tìm hiểu ba vấn đề: Kẻ thù A-ma-léc là ai? Môi-se đã làm cách nào để đối phó với kẻ thù? Kết quả của cuộc chiến này là gì?

 

1.     Kẻ thù A-ma-léc-người anh em “chú bác” của Y-sơ-ra-ên 

 

Vả, khi đó, dân A-ma-léc đến khiêu chiến cùng Y-sơ-ra-ên tại Rê-phi-đim. (Câu 8)

 

Ê-sau là anh của Gia-cốp có một đứa cháu nội tên là A-ma-léc. Đứa cháu này trở thành một trưởng tộc, và về sau hậu tự của A-ma-léc lớn mạnh thành một dân tộc lấy tên là A-ma-léc. 

 

Thim-na, vợ lẽ Ê-li-pha, con trai của Ê-sau, sanh A-ma-léc cho người. Đó là cháu của A-đa, vợ Ê-sau. (Sáng 36:12)

 

Dân A-ma-léc đã sống bên cạnh và tranh chiến với dân Y-sơ-ra-ên cho đến thời của vua Sau-lơ. Chúa bảo vua Sau-lơ phải tận diệt A-ma-léc vì tội tấn công dân Y-sơ-ra-ên khi vừa ra khỏi A-cập như trong đoạn Kinh thánh chúng ta đang học đây.

 

Ví dụ: Ngày 27/10/2023 vừa qua, quân khủng bố Hamas bất ngờ tấn công người Do-thái, giết chết 1,200 người và bắt làm con tin 240 người. Hiện giờ còn 9 người Mỹ vẫn chưa có tông tích.

 

Dân Do-thái chỉ lo sợ Iran, Iraq và coi thường Hamas nhỏ bé bên cạnh mình, nhưng để rồi Hamas tấn công vào thời điểm mà họ không ngờ đến.

 

Ứng dụng: Kẻ thù A-ma-léc của chúng ta ngày nay cũng không ai xa lạ mà chính là những người "anh-em" rất gần với chúng ta là: Xác thịt, anh-em giả dối, và thế gian.

 

·      Xác thịt là người anh em mà chúng ta phải sống chung, nhưng nó chính là kẻ thù A-ma-léc của chúng ta.

 

Ví dụ: Có người nói rằng: Bên trong con người chúng ta là một bãi chiến trường giữa thuộc linh và xác thịt.

 

Vì xác-thịt có những điều ưa-muốn trái với những điều của Thánh-Linh, Thánh-Linh có những điều ưa-muốn trái với của xác-thịt; hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn làm. Ga-la-ti 5:17)

 

·      Những anh-em giả dối là những người mà chúng ta phải sống chung, đó chính là những người mà Phao-lô đã nói rằng ông phải đối đầu với họ thường xuyên. 

 

Lại nhiều lần tôi đi đường, nguy trên sông-bến, nguy với trộm-cướp, nguy với giữa dân mình, nguy với dân ngoại, nguy trong các thành, nguy trong các đồng vắng, nguy trên biển, nguy với anh em giả-dối; (II Cô-rinh-tô 11:26)

 

Ví dụ: Nếu chúng ta bị một người ngoại tấn công thì có thể "nhảy nhót vui mừng" như Chúa Giê-su đã nói, nhưng nếu chúng ta bị người anh em giả dối tấn công thì phải nằm một chỗ đôi ba ngày mới ngồi dậy được. (Tôi đã kinh nghiệm rồi.)

 

·      Thế gian-ma quỷ chính là kẻ thù mà chúng ta phải sống chung. Nhiều người vào tu viện thì nơi đó nó còn nhiều hơn nữa. 

 

Chúa Giê-su đã xác nhận điều này khi Ngài cầu nguyện: 

 

Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi điều ác. (Giăng 17:15)


Vậy chúng ta phải làm cách nào để đối phó với kẻ thù A-ma-léc của chúng ta?

 

2.     Đồng-công (teamwork) để chiến thắng

 

Môi-se bèn nói cùng Giô-suê rằng: Hãy chọn lấy tráng-sĩ cho chúng ta, ra chiến-đấu cùng dân A-ma-léc; ngày mai ta sẽ đứng nơi đầu nổng, cầm gậy của Đức Chúa Trời trong tay. Giô-suê bèn làm y như lời Môi-se nói, để cự-chiến dân A-ma-léc; còn Môi-se, A-rôn và Hu-rơ lên trên đầu nổng. (Câu 9-10)

 

Môi-se là lãnh tụ tối cao lúc bấy giờ. Giô-suê lúc bấy giờ chưa có một thành tụ nào. Có lẽ dân sự sẽ hăng hái chiến đấu hơn nếu như do chính Môi-se trực tiếp lãnh đạo. Nhưng Môi-se đã không làm như thế. Ông ra lệnh cho Giô-suê trực tiếp chiến đấu, còn ông cùng A-rôn và Hu-rơ thì lên núi đứng phía sau cuộc chiến.

 

Vả, hễ đương khi Môi-se giơ tay lên, thì dân Y-sơ-ra-ên thắng hơn; nhưng khi người xụi tay xuống, dân A-ma-léc lại thắng hơn. (Câu 11)

 

Khi nào Môi-se đưa cây gậy lên thì Giô-suê và quân đội của ông thắng lơn, khi Môi-se hạ cây gậy xuống thì kẻ thù lại tiến công.

 

Ứng dụng: Ngày nay chúng ta cần có những người trực tiếp chiến đấu như Giô-suê để lãnh đạo, giảng dạy, chứng đạo, giải quyết nan đề.., nhưng không thể thiếu những người như Môi-se đứng phía sau cầu nguyện yểm trợ. 

 

·      Có nhiều người không làm được công việc như Giô-suê, hãy đứng vào đội của Môi-se!

 

·      Trong phương diện cá nhân, mỗi người chúng ta phải có cả Giô-suê và Môi-se. Nếu thiếu một trong hai thì chúng ta sẽ thất bại.

 

Ứng dụng: Đằng sau dân A-ma-léc là một thế lực khác, Giô-suê không thể thắng nếu không có một thế lực mạnh hơn ra từ Môi-se. Nói rõ hơn là ma quỷ đứng đằng sau mọi sự, chúng ta cần có năng lực từ Chúa mới có thể chiến thắng. 

 

Tay Môi-se mỏi, A-rôn và Hu-rơ bèn lấy đá kê cho người ngồi, rồi ở hai bên đỡ tay người lên; tay người chẳng lay-động cho đến khi mặt trời lặn. (Câu 12)

 

Môi-se không đủ sức để đưa cây gậy lên trong nhiều giờ, và A-rôn và Hu-rơ đã nâng tay Môi-se lên đồng thời tạo một chỗ cho Môi-se ngồi như vậy cho đến lúc trời tối mới kết thúc.

 

Ứng dụng: Môi-se không đủ sức để đưa cây gậy lên trong nhiều giờ. Điều này cho chúng ta biết có những công việc nặng nhọc khác nhưng lại dễ thực hiện hơn là cầu nguyện. Chúng ta cần có người tiếp sức như A-rôn và Hu-rơ. Cầu thay cho nhau, hiệp chung cầu nguyện với nhau là điều rất quan trọng và rất cần trong Hội thánh.

 

Với cái nhìn toàn cảnh của cuộc chiến cho chúng ta một bài học về sự đồng-công chiến đấu. Giô-suê cần có Môi-se, nhưng Môi-se cần có A-rôn và Hu-rơ.

 

Ứng dụng: Đừng có một ai nghĩ rằng mình không quan trọng, hoặc đứng bên ngoài cuộc chiến.

 

Kết quả của cuộc chiến này là dân A-ma-léc bị tiêu diệt, dân Y-sơ-ra-ên chiến thắng. Nhưng có một vấn đề quan trọng mà chúng ta thấy ở đây là, sự chiến thắng này không thuộc về Giô-suê hay Môi-se, mà thuộc về Danh Đức Giê-hô-va Cờ-xí.

 

3.     Dâng sự chiến thắng (vinh hiển) cho Chúa

 

Môi-se lập lên một bàn-thờ, đặt tên là “Giê-hô-va cờ-xí của tôi” (Câu 15)

 

Giô-suê có thể tự hào nói rằng, "tôi là người tạo ra sự chiến thắng này!" Hay Môi-se có thể nói, "không có ta thì ngươi chỉ có thất bại!" Trong khi A-rôn và Hu-rơ có thể nói, "nếu không có chúng tôi thì quý vị sẽ làm được gì?"

 

Ứng dụng: Có phải chúng ta thấy cách nói và suy nghĩ như trên rất phổ biến trong Hội thánh ngày nay không? Ai cũng cho là mình quan trọng, và tranh giành vinh hiển với nhau, hoặc phủ nhận công lao của nhau.

 

Ở đây, tất cả dân sự từ Môi-se đến Giô-suê, A-rôn, Hu-rơ đều làm một điều là dâng một của lễ và công bố sự vinh hiển thuộc về Đức Giê-hô-va Cờ-xí (Đức Chúa Trời Đắc Thắng.)

 

Kết luận:

 

Hãy nhận diện kẻ thù, nó không phải là con quỷ ba đầu sáu tay, nó là người “anh-em chú-bác” sống rất gần bên chúng ta: Trong chúng ta, trong Hội thánh, trong thế gian.

 

Muốn thắng A-ma-léc phải hiệp nhất với nhau, hiệp nhất với Chúa để chiến đấu. Bất cứ ai chiến đấu một mình và bằng sức riêng sẽ thất bại.

 

Danh của Chúa Giê-su Christ là Đáng Cờ-xí, vì Ngài đã đắc thắng ma quỷ, sự chết. Nghe đến danh Ngài thì mọi đầu gối phải quỳ xuống. Hãy dâng sự vinh hiển cho Đấng Christ về mọi thành quả mà chúng ta đạt được. 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia vào Chúa nhật 21/01/2024.

34 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả
bottom of page