Tên Tôi Trong Sách Sự Sống
(Phi-líp 4:1-3)
Ví dụ: Thưa Hội Thánh, hôm Thứ năm vừa qua, các con của tôi về nhà đầy đủ, nhà tôi (bà Mục sư) làm một món lẩu theo yêu cầu của các cháu. Trước bữa ăn, tôi đã hỏi các con của tôi rằng, các con có điều gì muốn tạ ơn Chúa trong một năm qua không? Đứa thì nói: Cảm ơn Chúa về công việc làm. Đức khác thì nói: Cảm ơn Chúa vì những người thân yêu. Đứa thì nói: Cảm ơn Chúa về sự chu cấp…!
Buổi sáng hôm nay, tôi không nhắc nhở Hội Thánh phải cảm ơn Chúa về những điều thuộc về vật chất mà thôi, nhưng chúng ta phải cảm ơn Chúa về một điều quan trọng hơn, đó là tên của quý ông-bà, anh-chị-em và tôi đã được viết trong sách sự sống của Đức Chúa Trời.
Câu 1: “Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui-mừng và mão triều-thiên cho tôi, kẻ rất yêu-dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa.”
Trong câu 1 này bắt đầu bằng trạng từ “vậy thì” (therefore = for that reason; consequently) có nghĩa là phía trước câu 1 của đoạn 4 này phải có một vấn đề gì đó liên hệ trực tiếp đến phần nội dung mà chúng ta đang đọc. Như vậy, chúng ta phải xem ngữ cảnh của đoạn văn này, hay nói cách rõ hơn là chúng ta phải xem phần thượng văn của nó là phần cuối của đoạn 3.
“Nhưng chúng ta là công-dân trên trời; ấy là từ nơi đó mà chúng ta trông-đợi Cứu-Chúa mình là Đức Chúa Jêsus-Christ, Ngài sẽ biến-hóa thân-thể hèn-mạt chúng ta ra giống như thân-thể vinh-hiển Ngài, y theo quyền-phép Ngài có để phục muôn vật.” (Phi-líp 3:20-21)
Với hai câu cuối của đoạn 3 như trên (nối liền với câu 1 của đoạn 4) thì chúng ta đã thấy rõ vấn đề mà Phao-lô đã nói: Chúng ta là công dân của thiên đàng, và chúng ta đang trông đợi lúc mà thân thể chúng ta sẽ được biến hóa cách vinh hiển trong ngày Chúa Giê-su tái lâm.
“Vậy thì,” qua phân đoạn Kinh Thánh này, Chúa Thánh Linh muốn dạy chúng ta trong lúc chờ đợi giờ phút vinh hiển đó thì chúng ta phải nhận biết và thực hành ba điều quan trọng: Đứng vững trong Chúa, hiệp một ý trong Chúa, và biết rằng tên mình được ghi trong sách sự sống.
1. Đứng vững trong Chúa
Câu 1: “Vậy thì, hỡi anh em rất yêu rất thiết, là sự vui-mừng và mão triều-thiên cho tôi, kẻ rất yêu-dấu ơi, hãy đứng vững trong Chúa.”
Trong câu này, Phao-lô đã kêu gọi Hội Thánh Phi-phíp hãy đứng vững trong Chúa. Hơn bao giờ hết, Hội Thánh ngày nay trong bối cảnh của những ngày cuối cùng đầy những cám dỗ, chúng ta cần phải được nhắc nhở “hãy đứng vững trong Chúa.”
Trong Tân ước cụm từ “đứng vững trong Chúa” được sử dụng 17 lần. Theo từ điển Merriam Webster thì “đứng vững” có nghĩa là “từ chối thay đổi quyết định hoặc vị trí-To refuse to change a decision, position.”
Ví dụ: Chúng ta còn nhớ, khi Môi-se dẫn dân sự ra khỏi Ai-cập là nhà nô lệ, trên đường đi thì Pha-ra-ôn đổi ý, đưa kỵ-binh đuổi theo đoàn dân. Lúc bấy giờ phía trước là Biển đỏ và phía sau là quân đội Ai-cập, dân sự thì lo sợ, kêu ca, khóc lóc, oán trách Môi-se. Có lẽ, họ muốn Môi-se thay đổi ý định và quay lại giải hòa với Pha-ra-ôn để họ khỏi phải chết. Đứng trước áp lực khủng khiếp đó, Môi-se đã không thay đổi quyết định và vị trí lãnh đạo dân sự ra khỏi Ai-cập mà ông đã nhận lãnh từ Chúa. Chúng ta hãy xem Môi-se đã nói gì trong hoàn cảnh đó:
“Môi-se đáp cùng dân-sự rằng: Chớ sợ chi, hãy ở đó, rồi ngày nay xem sự giải-cứu Đức Giê-hô-va sẽ làm cho các ngươi; vì người Ê-díp-tô mà các ngươi ngó thấy ngày nay, thì chẳng bao giờ ngó thấy nữa (Xuất Ê-díp-tô Ký 14:13)
Trong bảng Tiếng việt Truyền thống thì dịch là “hãy ở đó,” nhưng trong các bảng Tiếng anh thì đều dùng chữ “stand firm,” có nghĩa là “đứng vững.” Hay nói cách khác, trong bối cảnh mà dân sự đang mất đức tin vì sợ hãi, Môi-se đã nói với dân sự rằng hãy đứng vững trong đức tin sẽ thấy phép lạ mà Chúa sẽ làm, chứ không có nghĩa là ông kêu mọi người hãy cứ đứng yên ở đó thì phép lạ xảy ra.
Ứng dụng: Đứng vững trong Chúa không có nghĩa là chúng ta chỉ cứ tiếp tục đến nhà thờ, làm các công việc thuộc linh, nhưng đứng vững trong Chúa có nghĩa là chúng ta sẽ không chấp nhận thay đổi những quyết định hay vị trí mà Chúa đang đặt để chúng ta cho dù chúng ta đang phải đối diện với nhiều áp lực, khó khăn, và thử thách.
Những áp lực ngày hôm nay chúng ta đang đối diện là gì? Sức khỏe xuống cấp, các mối quan hệ xấu đi, khó khăn về tài chánh, mất lòng tin vào người lãnh đạo.., cho dù áp lực mà chúng ta đang đối diện là gì, to lớn đến mấy thì cũng không lớn hơn nan đề mà Môi-se đã đối diện là quân đội Ai-cập và Biển đỏ, nhưng nếu chúng ta cứ đứng vững trong đức tin nơi Chúa thì Biển đỏ sẽ phải rẽ ra cho chúng ta.
Tôi rất thích lời của bài hát Chúa Mở Lối “God will make a way, Where there seems to be no way, He works in ways we cannot see, He will make a way for me” (Don Moen.)
2. Hiệp một ý trong Chúa
Câu 2: Tôi khuyên Ê-vô-đi và khuyên Sin-ty-cơ phải hiệp một ý trong Chúa.
Trong bảng dịch Truyền thống của Tiếng việt thì dịch là “hiệp một ý trong Chúa,” nhưng trong hầu hết các bản dịch Tiếng anh thì dùng “same mind in the Lord.” Vì vậy chữ “Ý” trong câu này có nghĩa là “Mind-Tâm trí.” Chúng ta có thể hiệp ý với nhau, nhưng tâm trí thì chưa chắc chúng ta đã đồng ý với nhau. Phao-lô không kêu gọi hai người phụ nữ tên Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ phải hiệp ý cho giống với nhau. Bởi vì người nào sẽ hiệp ý giống với người nào? Ê-vơ-đi từ bỏ ý của mình để hiệp với ý của Sin-ty-cơ hay là ngược lại? Điều đó là không thể nào, bởi vì mỗi người đều sẽ cho rằng ý của mình là đúng hơn.
Vì thế, Phao-lô mới dạy rằng họ phải cùng hiệp một tâm trí giống với tâm trí của Chúa Giê-su. Có thể họ cứ giữ ý kiến riêng của họ, nhưng mà tâm trí của họ phải giống với tâm trí của Chúa Giê-su.
Ứng dụng: Chúa không dạy chúng ta phải luôn luôn có ý kiến giống nhau, những Chúa muốn chúng ta phải có một tâm trí giống với Chúa Giê-su. Một khi chúng ta có một tâm trí giống với Chúa Giê-su thì tự nhiên chúng ta sẽ thấy ý kiến của chúng ta cũng sẽ rất đồng thuận với những người khác là những người cũng có đồng một tâm trí như Chúa Giê-su. Đó là điều mà Kinh Thánh nói “cùng một Thánh Linh” là vậy.
Nhưng vậy tâm trí của Chúa Giê-su là như thế nào để chúng ta có thể học theo? Trong phạm vi của bài chia sẻ này, chúng ta chỉ nói đến một khí cạnh trong vấn đề học biết tâm trí của Chúa Giê-su là như thế nào, và điều này cũng được bày tỏ ngay trong sách Phi-líp này ở đoạn 2.
“Hãy có đồng một tâm-tình như Đấng Christ đã có. Ngài vốn có hình Đức Chúa Trời, song chẳng coi sự bình-đẳng mình với Đức Chúa Trời là sự nên nắm-giữ; chính Ngài đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi-tớ và trở nên giống như loài người;” (Phi-líp 2:5-7)
Chữ “tâm-tình” trong câu này thì trong Tiếng anh là “mindset” có nghĩa là “tâm trí.” Phao-lô đưa ra một mạng lệnh (hãy) có cùng một tâm trí như Chúa Giê-su Christ. Mà tâm trí của Ngài ở đây được thể hiện trong câu 6-7 là Ngài đã khiêm nhường, hạ mình trước Đức Chúa Cha dẫu Ngài cũng là Đức Chúa Trời. Để hiểu rõ hơn về điều này thì chúng ta hãy xem chính Chúa Giê-su đã nói gì về Ngài.
“Ta có lòng nhu-mì, khiêm-nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh-hồn các ngươi sẽ được yên-nghỉ” (Ma-thi-ơ 11:29)
Chúa Giê-su xác nhận rằng tâm trí của Ngài là sự khiêm nhường, và Ngài bảo chúng ta phải học theo điều đó. Và đó là cách mà linh hồn chúng ta sẽ kinh nghiệm được sự yên nghỉ.
Trong Tiếng anh chữ khiêm nhường là “humble”, trong nguyên ngữ Hy-lạp là “tap-i-nos” có nghĩa là “tâm-linh khiêm tốn-lowly in spirit.”
Ứng dụng: Hiệp một ý trong Chúa có nghĩa là tâm trí chúng ta phải giống với tâm trí của Chúa Giê-su. Mà tâm trí của Chúa Giê-su là sự khiêm nhường, hạ mình. Nếu chúng ta biết hạ mình để nhận biết rằng mình là một tội nhân thì đó là khi linh hồn của chúng ta được cứu rỗi. Nếu chúng ta khiêm nhường, hạ mình thì Chúa sẽ nâng chúng ta lên.
Chúng ta đã học qua thế nào là đứng vững trong Chúa và hiệp một ý trong Chúa. Bây giờ chúng ta đi đến một phần quan trọng khác của câu 3.
3. Tên tôi được ghi trong sách sự sống
Câu 3: “Hỡi kẻ đồng-liêu trung-tín, tôi cũng xin anh giúp hai người đàn-bà ấy, nhân hai bà ấy cùng tôi đã vì đạo Tin-lành mà chiến-đấu; Cơ-lê-măng và các bạn khác đồng làm việc với tôi cũng vậy, có tên những người đó biên vào sách sự sống rồi.”
Ví dụ: Tôi còn nhớ cái cảm giác khi được gọi tên cùng với 4 người khác khi đi phỏng vấn để vào trường Cảnh sát Hoa Kỳ. Người cảnh sát trưởng gọi tên của tôi cùng với 4 người nữa bước trở lại phòng phỏng vấn và tuyên bố: Chúc mừng các bạn, vì các bạn là những người được chọn trong số 2% mà chúng tôi lấy cho khóa huấn luyện lần này. Lòng tôi lúc đó rất xúc động và cảm ơn Chúa đã giúp đỡ tôi là một người Việt nam, Tiếng anh không giỏi như người bản xứ, mà tuổi thì đã ngũ tuần.
Có lẽ chúng ta sẽ rất vui khi tên của mình được ghi trong danh sách của một trường học, một công ty, hay một tập thể nào đó mà nó là quan trọng đối với chúng ta. Những chúng ta có biết rằng, cho dù tên chúng ta được ghi trong bất cứ một danh sách nào trên trần gian này cũng không thể bằng việc tên của chúng ta được ghi trong sách sự sống đời đời trên thiên đàng.
· Cụm từ “sách sự sống” được dùng 14 lần trong Kinh Thánh và có 7 lần trong sách Khải Huyền. Chữ này được biết sớm nhất trong Cựu Ước là khi Môi-se đã cầu nguyện khi dân sự phạm tội với Đức Chúa Trời: “nhưng bây giờ xin Chúa tha tội cho họ! Bằng không, hãy xóa tên tôi khỏi sách Ngài đã chép đi” (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:32)
· Trong Tân Ước chữ này được dùng đầu tiên là khi các môn đồ ra đi đuổi quỷ và trở về vui mừng khoe với Chúa Giê-su, và Ngài đã nói với họ: “Dầu vậy, chớ mừng vì các quỷ phục các ngươi; nhưng hãy mừng vì tên các ngươi đã ghi trên thiên-đàng” (Lu-ca 10:20)
· Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh là Khải Huyền thì nói rằng: “Kẻ nào không được biên vào sách sự sống đều bị ném xuống hồ lửa” (Khải Huyền 20:15)
Trong câu 3 nói rằng, Ê-vô-đi và Sin-ty-cơ tuy họ có điều không hiệp ý nhau, nhưng tên của họ cùng với Cơ-lê-măng, và những người khác (bạn đồng lao của Phao-lô) trong Hội Thánh Phi-líp đều có tên trong sách sự sống.
Ứng dụng: Chúng ta có biết tên mình được ghi trong sách sự sống rồi hay chưa? Nếu chúng ta đã nhận biết mình là một tội nhân (Rô-ma 3:23), chúng ta đã ăn năn tội lỗi và tin Chúa Giê-su đã chết thay cho chúng ta (Rô-ma 5:8), và chúng ta tiếp nhận Chúa Giê-su (Giăng 1:12) thì tên của chúng ta đã được ghi vào sách sự sống của Chúa Giê-su.
Kết luận: Chúng ta nên cảm ơn Chúa vì chúng ta là công dân Hoa Kỳ, và chúng ta đang có hoặc đang đạt đến “giấc mơ của người Mỹ.” Nhưng đó không phải là lý do chính mà chúng ta phải cảm tạ Chúa, lý do chính đáng và quan trọng hơn hết là vì chúng ta đã được ghi tên vào sách sự sống đời đời trên thiên đàng. Và thái độ tốt nhất để tạ ơn Chúa về điều đó là hãy luôn “đứng vững trong đức tin nơi Chúa” không để cho hoàn cảnh thay đổi đức tin của chúng ta. Và “hãycó đồng một tâm trí như Chúa Giê-su” trong sự khiêm nhường-một tâm linh luôn biết tuân phục và tôn kính Đức Chúa Trời. Amen!
Đầy là bài giảng của Ms. Phạm Hùng tại Hội Thánh Olympia, Chúa nhật 11/26/2023.
Mọi người có thể sử dụng để giảng dạy và tham khảo nhưng vui lòng tôn trọng tác quyền.
Chân thành cảm ơn!
Comments