top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

SỰ CỨU RỖI ĐẦY TRỌN

Đã cập nhật: 8 thg 1

ĐỀ MỤC: SỰ CỨU RỖI ĐẦY TRỌN TRONG CHÚA GIÊ-SU CHRIST

KINH THÁNH (LU-CA 10:30-35)


Trong các lần trước tôi đã có nói về “một cái hạt điều thơm ngon và bổ dưỡng nằm bên trong một cái vỏ đen thui xấu xí.” Cũng vậy, bên trong những câu Kinh thánh hay những câu chuyện khó hiểu trong Kinh thánh là những bài học thuộc linh rất quan trọng. 


Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về câu chuyện ẩn dụ mà Chúa Giê-su đã kể trong khi đối đáp với một thầy dạy luật về sự cứu rỗi. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên về những điều kỳ diệu mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta trong câu chuyện ẩn dụ này. 


Trước tiên, tôi xin kể lại câu chuyện mà Ms. Ock Park đã kể trong quyển Bí Quyết Được Tái Sanh như sau: Vào cuối thế kỷ 18 tại Anh quốc, có một chàng thanh niên rất nghèo. Anh ta làm công việc khuân vác hành lý cho những người hành khách xuống tàu để đi đến Tân Thế Giới (Hoa Kỳ.) Trong lúc làm việc, anh ta đã nghe nhiều người thảo luận về cơ hội làm giàu tại vùng đất mới. Từ đó anh ta anh cố gắng để dành tiền cho đến khi vừa đủ tiền để mua một cái vé tàu, nhưng anh ta suy nghĩ: Như vậy làm sao có tiền để ăn uống trong suốt bảy ngày dài trên tàu. Nhưng nếu mình không quyết định ngay thì phải đợi đến vài tháng sau mới có một chuyến tàu khác (Thời đó không có tàu đi lại thường xuyên như bây giờ.) Thế là, anh ta quyết định lấy hết số tiền có được để mua một cái vé tàu và quyết định sẽ cố gắng nhịn đói trong bảy ngày đường, khi đến được vùng đất hứa rồi sẽ tính sau. 


Trong suốt năm ngày liền trên tàu anh ta nhịn đói, nhưng anh ta cũng đã làm quen được rất nhiều người trên con tàu đó và đàm đạo với họ về kế hoạch khi đến được Hoa Kỳ. Thế nhưng, nhưng người bạn của anh ấy rất lấy làm khó hiểu, bởi vì cứ đến giờ ăn là chàng thanh niên ấy sẽ nói đau bụng và trở về phòng. Thế rồi, đến ngày thứ sáu, anh ta gần như kiệt sức không thể rời khỏi phòng. Ngay lúc đó, anh ta lại nghe tiếng loa của thuyền trưởng thông báo “chúng ta sẽ đến nơi chậm hơn dự kiến năm ngày vì thời tiết không cho phép tàu chạy nhanh hơn.” Khi nghe bản tin sét đánh đó khiến anh ta hoàn toàn thất vọng. Nhưng ngay lúc đó có một tia sáng lóe lên trong đầu “trước khi chết mình phải ăn, không thể làm con ma đói.” 


Thế là anh ta đã xuống phòng ăn và yêu cầu rất nhiều thức ăn. Sau khi ăn no nê, anh ta gọi cô phục vụ đến và thú thật sự tình là mình không có tiền và đã nhịn ăn sáu ngày qua. Cô phục vụ cười thật tươi với gương mặt đầy thương cảm và nói “thật là tội nghiệp cho anh, cái vé mà anh mua đã trả luôn tiền ăn cho toàn bộ chuyến đi này.”


Có ai trong chúng ta giống như anh chàng thanh niên trong câu chuyện này không? Đang nắm chiếc vé cứu rỗi trong tay, nhưng lại đang sống như một người hư mất. Trong nội dung bài giảng này tôi muốn chia sẻ với mọi người một chân lý mà chính Chúa Giê-su đã bày tỏ cho chúng ta đó là, Ngài trả một cái giá đầy trọn cho sự cứu rỗi của chúng ta. 


Để hiểu được chân lý này cách rõ ràng thì chúng ta cần phải chấp nhận một số ý nghĩa mặc định trong câu chuyện ẩn dụ này như sau: Thầy tế lễ là đại điện cho tôn giáo (sự thờ phượng.) Người Lê-vi là đại diện cho công việc làm (công đức.) Người Sa-ma-ri chính là Chúa Giê-su. Người bị hại chính là mỗi chúng ta (nhân loại.) Tất nhiên, kẻ cướp chính là ma quỷ (sa-tan.)


1.  Con đường chung của nhân loại (Châm ngôn 14:12)


Nếu tra xem bản đồ chúng ta sẽ thấy thành Giê-ri-cô ở hướng đông bắc của thành Giê-ru-sa-lem (cách nhau chừng 40 Km.) Như vậy, đúng ra phải nói là người bị hại này từ thành Giê-ru-sa-lem đi lên thành Giê-ri-cô mới đúng, nhưng Chúa Giê-su đã nói là anh ta đi xuống thành Giê-ri-cô. Có phải là Chúa Giê-su đã dùng từ sai không? Tất nhiên là không. Như tôi đã nói, mỗi từ, mỗi chữ của Kinh Thánh được dùng đều không phải ngẫu nhiên, nhưng chúng có mục đích và ẩn chứa một bài học nào đó cho chúng ta.


Trong nguyên văn Hy-lạp chữ “đi xuống” này là chữ καταβαίνω, nó còn có nghĩa là “tình trạng bị rơi từ trên cao xuống,” trong tiếng anh là (descend). Đây chính là tình trạng của con người, vì chúng ta đã được tạo dựng nên “giống như hình ảnh Đức Chúa Trời,” nhưng từ khi biết phạm tội thì lập tức chúng ta bị (rơi) cách xa Đức Chúa Trời và đi vào con đường dẫn đến sự hư mất. Bài học ở đây chính là tình trạng tâm linh của nhân loại chỉ có thể đi xuống và rồi sẽ lâm vào đường cùng của sự hư vong như tình trạng của người bị hại trong ẩn dụ này.


Ví dụ: Con người ngày càng văn minh tiến bộ thì tội lỗi ngày càng tăng và tinh vi hơn như: Mổ sống người để lấy nội tạng, phẫu thuật thân thể do Chúa ban cho để chuyển đổi giới tính, cắt thịt đứa bé trong bụng đã chín tháng tuổi gần đến ngày sinh…


2.  Kẻ thù chung của nhân loại (Giăng 10:10)


Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: Ma đưa lối quỷ đưa đường, (thế gian) lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Chúa Giê-su không nói rõ người bị hại này đang đi đến đâu ở Giê-ri-cô? Mục đích của chuyến đi là gì? Anh ta là ai? Bởi vì, anh ta đại diện cho con người chúng ta. Điều quan trọng mà Chúa Giê-su đã nói là trên con đường anh ta đi thì có bọn cướp đã chực sẵn mà anh ta không hề hay biết. 


Cũng vậy, trên “chốn đoạn trường” của trần gian này sa-tan luôn rình rập và chờ đợi chúng ta bước vào lãnh địa của chúng là lập tức tấn công chúng ta bằng mọi cách. 


Ví dụ: Ngày xưa trong vườn Ê-đen Đức Chúa Trời phán dặn A-đam và vợ ông là Ê-va không được ăn trái (cấm) của cây “giữa vườn.” Như vậy là có một lãnh địa (giữa vườn) mà Adam không nên lui tới, nhưng họ đã không ý thức được điều đó nên đã đến gần cây biết điều thiện và điều ác đó. Cũng có nghĩa là A-đam và Ê-va đến nơi mà con rắn (satan) đang có mặt ở đó chờ đợi họ. Để rồi sa-tan cám dỗ họ phạm tội và biến họ thành nô lệ ở dưới ách thống trị của nó. 


Cơ-đốc nhân cần phải hiểu biết những “lãnh địa” nào của sa-tan mà xa lánh, nếu không chúng ta sẽ rơi vào những cạm bẫy cám dỗ của nó.


Thế nhưng, Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ có một người ra từ “dòng dõi người nữ” sẽ đạp đầu con rắn (sa-tan). Chúng ta cần hiểu động từ “đạp đầu” mà Kinh thánh dùng ở đây mang ý nghĩa là Một người đắc thắng, một người thống trị trên kẻ thù của mình. Còn kẻ bị đạp đầu là một kẻ bại trận và bị trị. Chúa Giê-su Christ chính là “dòng dõi của người nữ,” Ngài đã đến để “đạp đầu” sa-tan. Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể giải phóng con người ra khỏi quyền lực của sa-tan mà thôi.


3.  Sự thất bại chung của nhân loại (Ê-phê-sô 2:8-9)


Hầu hết các tôn giáo đề dạy rằng con người cần phải thể hiện sự tôn kính trong các nghi lễ tôn giáo, và phải gắng sức việc làm lành để phước trên đời này và hy vọng tìm thấy sự giải thoát ở đời sau. Tuy nhiên, qua ẩn dụ này của Chúa Giê-su thì cho chúng ta biết rằng cả hai thứ đó đều vô ích, vì chúng không đem đến dự giải thoát chúng ta khỏi sự chết.


·  Thứ nhất: Tôn giáo không cứu được nhân loại 


Trong ẩn dụ này, Chúa Giê-su đã đề cập đến hai nhân vật (người qua đường) là thầy tế lễ và người Lê-vi. Có thể là họ đã đi ngược chiều với người bị hại, vì họ đang đi đến thành Giê-ru-sa-lem là nơi có đền thờ Giê-ru-sa-lem để làm công tác tế tự của họ. Chúng ta biết rằng, thầy tế lễ là người đại diện cho con người để dâng các của tế lễ lên Đức Chúa Trời. Cho nên, anh ta phải giữ mình cho thanh sạch không được đụng vào xác chết, nếu đụng đến sẽ bị ô uế theo luật của Cựu Ước (Lê-vi ký 11:24). Vì thế, anh ta có lý do chính đáng để đi luôn mà không cứu giúp người bị nạn. 


Đây chính là điều Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng, các nghi thức thờ phượng, dù đó là thuộc về đức tin của tôn giáo nào cũng không thể cứu được con người ra khỏi sự hư mất. 


Ví dụ: Có một cậu thiếu niên ngồi bên một vị sư già (phật giáo) trên một chuyến xe đò. Cậu thiếu niên hỏi nhà sư: Con xin hỏi là sư đi tu từ khi nào? Từ khi ta 7 tuổi. Vậy bây giờ sư bao nhiêu tuổi? Ta đã 70 tuổi. Vậy khi sư mới đi tu so với bây giờ thì sư cảm thấy lúc nào lòng sư thanh thản hơn? Nhà sư suy nghĩ một hồi rồi trả lời: Sau gần 70 năm tu trì lạy Phật, nhưng ta biết “nghiệp” của ta bây giờ chắc phải nhiều hơn ngày ta mới đi tu. 


Kinh nghiệm của nhà sư này không phải là một trường hợp cá biệt. Chính sứ đồ Phao-lô cũng đã từng trải-nghiệm như nhà sư này. Đến nỗi Phao-lô phải kêu lên rằng “khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này?” (Rô-ma 7:24) Tất nhiên, đó cũng là kinh nghiệm của tất cả chúng ta. Vì chúng ta biết rõ ràng rằng những nghi thức tôn giáo không cứu được một ai hết.


·  Thứ hai: Công đức và việc làm lành không cứu được nhân loại (Ê-sai 64:6)


Vậy còn người Lê-vi thì sao? Anh ta là người phụ giúp thầy tế lễ trong cuộc thờ phượng và dâng tế lễ. Thông thường thì anh ta phải có mặt tại đền thờ trước khi thầy tế lễ đến nơi. Nhưng trong câu chuyện này thì anh ta lại là người đi sau thầy tế lễ, vậy phải chăng hôm đó anh ta đã đi trễ? Có lẽ vì lý do đi trễ nên anh ta chỉ ghé lại xem thử mà không cứu giúp cho người bị hại. Bởi vì, anh ta có lý do chính đáng. Anh ta phải đi cho mau đến đền thờ để thực hiện những công việc thiêng liêng đang chờ đợi anh ta. 


Những người theo chủ nghĩa làm việc thiện để mong được thần linh thương xót cứu giúp sẽ rất ngạc nhiên khi biết một sự thật từ Kinh Thánh về điều này: Kinh Thánh nói rằng, “người Ê-thi-ô-bi (Phi-châu) có thể thay đổi da (đen) của mình, hay là con beo đổi được vằn (trên da) nó chăng? Nếu được thì các ngươi (nhân loại) là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23) 


Sứ đồ Phao-lô cũng đã nói: Khi ông làm điều lành thì điều dữ dính-dấp theo tôi (Rô-ma 7:21). 


Có lẽ nhiều người sẽ không đồng ý, nhưng có một thông kê cho thấy những người có đời sống khá tốt một chút thì ít làm những việc công đức. Trong khi những người hối lộ, buôn bán gian trá, tham lam, lừa gạt nhiều người vô tội thì thường là những “mạnh thường quân” trong các tôn giáo.


Cho nên, người Lê-vi là hình ảnh đại diện cho việc làm (công đức) không thể cứu người bị hại (nhân loại). Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng: Cả hai, sự thờ phượng của tôn giáo và việc làm lành đều không cứu được chúng ta khỏi sự hư mất.


4.  Sự cứu rỗi chung cho nhân loại (Công vụ 4:12)


Chúng ta đã thấy người bị hại (nhân loại) đã đi trên con đường mà đầy sự nguy hiểm ẩn mình không thấy trước. Bọn cướp (sa-tan) không chỉ cướp lấy vật chất mà còn muốn hủy hoại mạng sống của anh ta. Một thầy tế lễ (tôn giáo) và Người Lê-vi (việc làm) đi qua mà không cứu. Cuối cùng thì người Sa-ma-ri nhân lành (Chúa Giê-su) đã đến và và đưa tay ra cứu giúp người bị hại. 


Bây giờ chúng ta sẽ cùng khám phá những điều thú vị khi mà người Sa-ma-ri nhân lành này đã làm cho người bị hại là như thế nào?


·  Người Sa-ma-ri nhân lành đến với người bị hại (Rô-ma 5:8)


Chúa Giê-su nói rằng, người bị hại này bị bọn cướp đánh cho “nữa sống nửa chết.” Trong tiếng anh là half dead. Còn trong tiếng Latin là chữ “moribund,” chữ này có nghĩa là “đang chết. Hay nói cách khác là người này sẽ chết nếu không được cứu chữa kịp thời. Điều này có nghĩa là người bị hại không thể đến với người Sa-ma-ri nhân lành, mà ngược lại người Sa-ma-ri đã đến với người bị hại.


Tôi suy nghĩ, nếu như bình thường người Sa-ma-ri nhân lành này có đến gần người bị hại lúc anh ta chưa bị cướp thì chưa chắc anh ta cho người Sa-ma-ri đến gần mình. Bởi vì, thời đó người Do-thái rất ghét người Sa-ma-ri. Những bây giờ anh ta không cần biết đó là người Sa-ma-ri hay người Do-thái, điều anh ta cần là cứu giúp anh ta khỏi phải chết. 


Điều thú vị đầu tiên chúng ta tìm thấy ở đây là không phải con người có khả năng đến gần Đức Chúa Trời, mà là Đức Chúa Trời đã đến gần và cứu chuộc con người đang chết mất trong tội lỗi, đang là nạn nhân của ma quỷ.


·  Phương cách cứu chữa đặc biệt của người Sa-ma-ri nhân lành


Chúa Giê-su nói: Người Sa-ma-ri nhân lành đã động lòng thương xót đối với người bị hại. Ông ta tiến đến cứu chữa cho người bị hại bằng cách xức dầu và rượu chỗ bị thương, rồi rịt (băng bó) lại. 


Thông thường thì người ta xức rượu vào vết thương để khử trùng trước rồi sau đó mới bôi dầu (hay thuốc đỏ) để cho vi khuẩn không xâm nhập. Vậy tại sao Chúa Giê-su lại nói người Sa-ma-ri xức dầu lên vết thương của người bị hại trước rồi mới xức rượu? Có phải Chúa Giê-su không hiểu biết về trình tự sơ cứu người bị thương không? Tất nhiên là không! Vì tôi đã có giải thích ở trên, mọi lời và chữ của Kinh Thánh và đặc biệt là lời của Chúa Giê-su thì đều có một giá trị thuộc linh riêng. 


Như vậy dầu ở đây là loại dầu gì? Trong nguyên văn chữ “ἔλαιον, ου, τό” đúng nghĩa của nó là dầu olive. Trong Cựu Ước thì dầu olive là một trong những thứ nguyên liệu làm dầu để xức cho các thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:24), và trong Tân Ước thì sự xức dầu của Cựu Ước cho chức vụ thánh chính là sự đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công vụ 10:38.) Ngoài ra, dầu olive còn dùng để thắp sáng. Nói cách khác, dầu olive là biểu tượng của Đức Thánh Linh. Vậy còn rượu thì sao? Trong Kinh thánh rượu là tượng trưng cho sự vui mừng (Thi Thiên 104:15). Những rượu có đặc tính là mau bay hơi hơn là dầu (olive). 


Cho nên, người Sa-ma-ri xức dầu olive trước có nghĩa là Chúa Giê-su cứu rỗi một người thì Ngài ban Đức Thánh Linh cho họ. Đức Thánh Linh sẽ cứ trú trong đời sống của người được cứu rỗi. Đức Thánh Linh sẽ thắp sáng chân lý của Đức Chúa Trời trong tấm lòng tâm của người được cứu rỗi để đẩy lùi bóng tối của tội lỗi cũ. Và sau đó đó người Sa-ma-ri mới xức rượu, có nghĩa là sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh rồi thì người đó sẽ có một đời sống vui mừng. Chúng ta biết rằng rượu rất dễ bay hơi, cũng vậy sự vui mừng có thể đến rồi đi, nhưng Đức Thánh Linh thì ở với chúng ta đời đời. Khi chúng ta có Ngài thì sự vui mừng cũng sẽ đến sau ngày sau đó. 


Có ai trong chúng ta nói mình đầy dẫy Đức Thánh Linh nhưng lại không có sự vui mừng không? Vâng, có rất nhiều người có sự vui mừng nhưng không có Đức Thánh Linh, nhưng không thể có ai đó đầy dẫy Đức Thánh Linh mà lại không có sự vui mừng.


Một điều thú vị khác đó là người Sa-ma-ri nhân lành đã cho người bị hại ngồi (nằm) trên con thú vật của mình (con lừa dùng để thồ hành lý). Sau khi được Chúa Giê-su cứu chuộc, chúng ta được Ngài ban cho đặc ân ngồi vào vị trí của Ngài. Chúa thay đổi địa vị của chúng ta từ một tội nhân thành con Đức Chúa Trời. 


Ngoài ra, sau khi đưa người bị hại đến nhà quán (khách sạn) và thanh toán mọi phí tổn rồi thì người Sa-ma-ri nhân lành còn hứa sẽ trở lại. Quý vị có biết không? Chúa không chỉ cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời, mà Ngài còn chu cấp mọi nhu cầu cuộc sống cho chúng ta. Tôi chưa từng nghe nói có một ai đó được cứu rỗi trong Chúa Giê-su mà nghèo hơn lúc chưa tin cả. Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài hứa rằng Ngài sẽ trở lại (tái lâm). Hơn bao giờ hết, ngày nay chính là những ngày mà Người Sa-ma-ri Nhân Lành sẽ sớm trở lại. 


Kết luận: Tôi tin rằng người bị hại này sau khi được cứu sống thì anh ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ của mình về người Sa-ma-ri. Đồng thời anh ta cũng sẽ sống với những người chung quanh anh ta bằng chính hành động của người đã cứu sống anh ta. Người Sa-ma-ri Nhân Lành mang tên Giê-su Christ cũng muốn mỗi chúng ta hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình về người khác và hãy hành động giống như Ngài giữa thế giới này. Amen!


Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng. Mọi người có thể sử dụng để giảng dạy cho người khác, nhưng vui lòng tôn trọng tác quyền.

105 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

コメント


bottom of page