top of page
Ảnh của tác giảAdmin

QUYẾT KHÔNG NGÃ LÒNG

Đã cập nhật: 8 thg 1

Quyết Không Ngã Lòng

II Cô-rinh-tô 4:16-18

 

 Dẫn nhập:

 

Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư-nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn (Câu 16.)

 

Bắt đầu câu 16, Phao-lô đã dùng từ “vậy nên,” trong các bảng tiếng Anh đa số là dùng trạng từ “therefore.” Đây là một trạng từ dùng để chuyển tiếp những điều đã xảy ra trước đó, mà chúng ta thường gọi là “thượng văn.” Như vậy những ý tưởng trước câu 16 này là gì?

 

Trong cả đoạn 4 này, Phao-lô nói rằng: Ông đã giảng Phúc-âm một cách chân thật như những gì mà ông đã nhận từ nơi Chúa. Cho nên, nếu ai không hiểu những điều ông giảng dạy là vì họ bị sự tối tăm làm cho mù lòng mà thôi. 

 

Mặc dầu, Phao-lô hầu việc Chúa một cách chân thật và hết lòng như vậy, nhưng ông cũng vẫn bị sự bắt bớ từ nhiều phía. Tuy nhiên, Phao-lô đã tin quyết rằng: Chúa Giê-su đã sống lại thì một ngày nào đó ông cùng những người mà ông đã và đang phục vụ sẽ ứng hầu trước mặt Chúa. Còn những thử thách xảy ra với chức vụ của ông thì điều đó sẽ làm cho danh Chúa được vinh hiển. 

 

Ví thế, mở đầu câu 16, Phao-lô đã nói “vậy nên” chúng ta (Phao-lô) chẳng ngã lòng. 

 

Trong đoạn 4 này Phao-lô đã hai lần dùng từ “chẳng ngã lòng” (câu 1 & 16) như một lời tự khích lệ mình, và khích lệ Hội thánh Cô-rinh-tô.

 

Ví dụ: Khi Đa-vít bị vua Sau-lơ rượt đuổi, phải trốn trong dân Phi-li-tin và nương nhờ vua A-kích, nhưng đám quần thần của vua A-kích không tin Đa-vít, kết quả là Đa-vít bị đuổi ra khỏi quân đội của dân Phi-li-tin. Trong lúc đang thất chí trở về thì dân A-ma-léc kéo lại đến bao vây trại quân ở nhà và bắt hết thảy hai vợ và các con của Đa-vít và của những người đi theo ông. Vì lý do đó, những người theo Đa-vít quay lại chửi bới và đòi ném đá ông. Trong lúc “tứ bề thọ địch” như thế thì Đa-vít đã làm gì? Kinh thánh nói rằng: “Ông được sức mạnh từ nơi Đức Giê-hô-va.” Khi tôi tra trong các bảng tiếng Anh thì nói rằng: “But, David encouraged himself,” nghĩa là Đa-vít đã “tự khích lệ mình.” (I Sa-mu-ên 30:6)

 

Ứng dụng: Trong một năm qua, tôi tin rằng, có những lúc chúng ta giống như Phao-lô hay là Đa-vít, hết lòng hầu việc Chúa, phục vụ anh em mình, nhưng vẫn bị hiểu lầm, tấn công, chê trách, lại còn phải gặp nhiều thử thách trong gia đình, công việc làm, sức khỏe... v. v. Nói tóm lại, chúng ta cảm thấy cô đơn, mệt mỏi, không có ai hiểu và khích lệ chúng ta. Nhưng trong những lúc như thế, chúng ta phải biết tự khích lệ mình, tự mình tìm lấy sức mạnh từ nơi Chúa để chúng ta tiếp tục bước tới phía trước và không ngã lòng.

 

Để làm được điều đó, Phao-lô đã đưa ra cho chúng ta ba quy tắc rất quan trọng. Áp dụng những quy tắc này sẽ giúp chúng ta vững tiến bước vào năm mới.

 

·      Tỷ lệ nghịch giữa thể xác và tâm linh

·      Tỷ lệ thuận giữa thử thách và vinh hiển

·      Tỷ lệ nghịch giữa thế-tạm và cõi đời đời

 

dầu người bề ngoài hư-nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn (Câu 16.)

 

1.     Quy tắc tỷ lệ nghịch giữa thể xác và tâm linh

 

“Người bề ngoài” ở đây là Phao-lô muốn nói đế thân xác của chúng ta, còn “người bề trong” chính là tâm linh của chúng ta. Nhưng Phao-lô đã cho chúng ta thấy có một tỷ lệ nghịch với nhau là, thân xác này ngày càng hư hoại thì tâm linh của chúng ta phải càng được trưởng thành hơn.

 

Ví dụ: Vua Tần Thủy Hoàng không muốn rời bỏ quyền lực nên đã chuyên tâm tìm thuốc trường sinh bất tử. Kết quả là ông ta đã chết lúc mới 49 tuổi. Cùng với ý tưởng đó, ngày nay người ta nghiên cứu stem cells “tế bào gốc” để tạo ra những cơ-phận thay thế cho người bệnh. Hoặc là người ta nghiên cứu cloning “nhân bản con người” để một người có thể chết về “nguyên bản” nhưng vẫn tiếp tục sống trong “bản copy.” Nhưng dù làm thế nào đi nữa thì con người cũng bị lão hóa và chết.

 

Kinh thánh đã nói con người chỉ sống đến 120 năm (Sáng Thế Ký 6:3), và đến thời Môi-se thì là 80 năm (Thi Thiên 90:10), nhưng cuối cùng là “phải chết một lần và chịu đoán xét.” (Hê-bơ-rơ 9:27)

 

Ví dụ: FaceBook cứ gửi lại những tấm hình tôi chụp vào mỗi dịp Giáng sinh, nhờ vậy mà tôi có hình từ 10 năm trước để so sánh với hình hiện tại thì thấy mình đã già đi rất nhiều. 

 

Ứng dụng: Một chân lý không thể thay đổi là thể xác chúng ta ngày một hư nát, nhưng vấn đề quan trọng là phần tâm linh của chúng ta có tăng trưởng hơn hay không? Bởi vì, khi thể xác già nua hơn năm trước, có nghĩa là chúng ta đã sống lâu hơn trong đức tin nơi Chúa vậy thì tâm linh chúng ta phải trưởng thành hơn mới đúng.  

 

Trong thực tế, có những người thể xác già đi trong Chúa, nhưng tâm linh thì vẫn như cũ. Tệ hơn, có người thì còn thụt lùi-nhỏ lại hơn so với những ngày đầu mới tin Chúa. Vì thế mà Phao-lô cũng đã từng nói về “những con đỏ trong Đấng Christ” (I Cô-rinh-tô 3:1.) Không phải Phao-lô nói những “con đỏ” này là mới sinh ra trong đức tin, nhưng họ không chịu lớn lên dù đã lâu năm trong Chúa.

 

Vì vậy, chúng ta phải ghi nhớ quy tắc tỷ lệ nghịch này: Nếu năm nay thể xác tôi đã già đi một phần thì tâm linh tôi phải tăng trưởng thêm một phần. Chúng ta phải tập luyện cho tâm linh của mình mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm tăng trưởng và đổi mới càng hơn ra. 

 

Hay nói cụ thể là: Tôi sẽ không phạm phải sai lầm của ngày hôm qua. Tôi sẽ làm những điều mà năm trước tôi đã bỏ qua. Tôi phải hiểu biết Chúa nhiều hơn. Tôi tập sống bằng đức tin. Tôi thay đổi tâm tánh và hành vi của mình.

 

Ví dụ: Để xuống được 10 lbs thì tôi phải bỏ ra 20 phút mỗi ngày để tập thể dục trong 6 tháng. Ngoài ra, tôi còn phải tránh không ăn đường, chất béo, và giảm tinh bột.

 

Ứng dụng: Muốn tăng trưởng đức tin thì chúng ta cũng phải rèn tập. Học biết thêm lời Chúa, kỷ luật tâm linh, loại bỏ những điều chống lại với linh hồn mình.

 

Vì sự hoạn-nạn nhẹ và tạm của chúng ta sanh cho chúng ta sự vinh-hiển cao-trọng đời đời, vô-lượng vô-biên (Câu 17.)

 

2.     Quy tắc tỷ lệ thuận giữa thử thách và vinh hiển

 

Trong câu 17 này Phao-lô nói rằng, “sự hoạn-nạn nhẹ và tạm,” nghĩa là, những hoạn-nạn thử thách mà chúng ta đối diện là không quá sức của chúng ta và cũng không có thử thách nào lâu dài quá sức chịu đựng của chúng ta. Phao-lô cũng đã nói điều này trong (I Cô-rinh-tô 10:13.) Nhưng ngược lại, sự vinh-hiển cao-trọng mà Chúa sẽ ban cho chúng ta trong cõi đời đời thì “vô-lượng vô biên”, nghĩa là không thể cân-đo được. 

 

Ứng dụng: Chúng ta phải ghi nhớ tỉ lệ nghịch ngày mỗi khi đối diện với những thử thách. Vì đó là lý do tại sao Chúa Giê-su từng phán rằng:

 

Phước cho các ngươi khi vì cớ Con người, thiên-hạ sẽ ghét, đuổi, mắng-nhiếc các ngươi, bỏ tên các ngươi như đồ ô-uế! Ngày đó, hãy vui-vẻ, nhảy-nhót và mừng-rỡ, vì phần thưởng các ngươi trên trời sẽ lớn lắm: Bởi tổ-phụ họ cũng đối-đãi các đấng tiên-tri dường ấy. (Lu-ca 6:22-23)

 

Và Sứ đồ Phi-e-rơ cũng đã dạy cho chúng ta chân lý này như sau:

 

Nhưng anh em có phần trong sự thương-khó của Đấng Christ bao nhiêu, thì hãy vui-mừng bấy nhiêu, hầu cho đến ngày vinh-hiển của Ngài hiện ra, thì anh em cũng được vui-mừng nhảy-nhót. (I Phi-e-rơ 4:13)

 

Ví dụ: Có một người kể lại: Khi ông cùng các chiến hữu chiếm lại được một ngọn đồi quan trọng tại Bình Long trong Mùa Hè Đỏ Lửa mà không tốn một viên đạn. Thật ra trước đó pháo binh đã làm cho quân thù thương vong nặng nên rút lui từ trước. Những người chỉ huy của ông thì lại muốn lập công với báo chí nên ông đã không cảm thấy vinh dự chút nào. 

 

Như có câu nói: “Cuộc chiến không cam go thì chiến thắng không vinh quang.”

 

Ứng dụng: Ở đây không phải chúng ta muốn tìm kiếm những sự bắt bớ và thử thách để được vinh quang. Nhưng Chúa hứa rằng, dù là một thử thách nhẹ và tạm mà chúng ta phải đối diện trong cuộc chiến thuộc linh này thì Ngài vẫn biết và phần thưởng của chúng ta là không thể đo-đếm được. 

 

Đồng thời, chúng ta cũng được nhắc nhở rằng, Chúa là Đấng ban thưởng cho chúng ta chứ không phải con người, và phần thưởng của chúng ta là sự vinh-hiển trên thiên đàng chứ không phải là vật chất trần gian.

 

bởi chúng ta chẳng chăm sự thấy được, nhưng chăm sự không thấy được; vì những sự thấy được chỉ là tạm-thời, mà sự không thấy được là đời đời không cùng vậy (Câu 18)

 

3.     Quy tắc tỷ lệ nghịch giữa thế-tạm và cõi đời đời

 

Phao-lô đã đưa ra hai phạm trù “thấy được” và “không thấy được,” như vậy chúng phải hiểu những gì thấy được chính là vật chất như: Nhà, xe, tiền bạc, đất đai, kể cả quần áo, thực phẩm…; còn những gì không thấy được ví dụ như: Tinh thần, tình thương-yêu, đức tin, linh hồn, và kể cả Chúa, và thiên đàng…! Phao-lô đã đưa ra một tỷ lệ nghịch: Cái gì thấy được thì tạm thời; cái gì không thấy được là vĩnh cửu. Phao-lô cũng khuyên chúng ta là nên đầu tư vào những thứ mang lại lợi ích đời đời.

 

Có lẽ, nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là tại sao những gì thấy được là tạm thời?

 

Ví dụ: Có một số ngân hàng tại Việt Nam chưa đóng cửa nhưng những người gửi tiền cho các ngân hàng này không thể thu hồi tiền của mình (video từ các nạn nhân trên YouTube.)

 

Ví dụ trên đây cũng không phải là trường hợp duy nhất. Tôi tin rằng, trong một tương lai gần, những ngân hàng tại Hoa Kỳ cũng sẽ bị như vậy. Đó là khi mà anti-Christ sẽ dồn chúng ta vào việc chấp nhận bị đóng dấu của chúng (666) để tiếp tục được sử dụng hệ thống tiền điện tử, hoặc là chúng ta sẽ bị loại ra khỏi xã hội, bởi vì tiền mặt lúc đó sẽ bị thu hồi và không còn giá trị vì lý do an-ninh (có một dịp khác tôi sẽ trình bày vấn đề này rõ hơn.)

 

Nói như thế để thấy rằng, vật chất là tạm thời, nay còn nay mất không ai biết được. Cho nên, thứ nhất, về bản chất thì “vật chất” không tồn tại lâu dài mà sẽ bị hư hoại theo thời gian. Kể cả kim loại cũng sẽ bị ô-xi hóa mà ten-rét. Thứ hai, vật chất có thể bị những thế lực bên ngoài như: Chính quyền, kẻ ác, kẻ gian, kẻ trộm, kẻ thù chiếm đoạt. Chúa Giê-su cũng đã từng phán rằng: 

 

“Các ngươi chớ chứa của-cải ở dưới đất, là nơi có sâu-mối, ten-rét làm hư, và kẻ trộm đào ngạch khoét vách mà lấy;” (Ma-thi-ơ 6:19) 

 

Nhưng quan trọng hơn hết là, ngay chính những sở hữu chủ của những vật chất đó cũng không thể sống đời để quản lý chúng. Nói cách khác, dầu những vật chất đó vẫn còn tồn tại thì chúng ta cũng không thể tồn tại lâu dài để quản lý chúng. 

 

Ví dụ: Chúa Giê-su từng kể một câu chuyện về một người nhà giàu muốn nghỉ ngơi để hưởng thụ những của cải vật chất mà anh ta đã thâu góp được, nhưng có một điều anh ta không ngờ đến là ông ta đưa ra quyết định quan trọng đó trong ngày cuối cùng của mình trên cuộc đời này. Thay vì thụ hưởng thì anh ta phải bỏ lại mọi của cải, vật chất mà anh ta đã khó nhọc làm ra.

 

Song Đức Chúa Trời phán cùng người rằng: Hỡi kẻ dại! Chính đêm nay linh-hồn ngươi sẽ bị đòi lại; vậy những của-cải ngươi đã sắm-sẵn sẽ thuộc về ai? (Lu-ca 12:20)

 

Ứng dụng: Nói như vậy không có nghĩa là tất cả những gì thuộc vật chất (thấy được) đều là không có giá trị. Kinh thánh không có nói như vậy. Như đã phân tích ở trên, chúng ta phải đồng ý với Kinh thánh rằng giá trị của chúng chỉ là tạm thời. 

 

Vì vậy, chúng ta phải khôn ngoan hơn những người không có sự hiểu biết về chân lý của Kinh thánh, nghĩa là chúng sẽ không dồn hết thời gian và năng lực để đầu tư vào những gì chỉ đem lại lợi ích tạm thời. Nói cách khác, chúng ta vẫn phải làm việc để tạo ra vật chất cho sự sinh tồn và nhu cầu thụ hưởng, nhưng đồng thời chúng ta phải biết đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực sẽ mang lại giá trị đời đời.

 

Nói đến đây nhiều người sẽ hỏi rằng, những thứ không thấy được sẽ mang lại lợi ích vĩnh cửu đó là gì?

 

Có quá nhiều thứ được coi là không thấy được và tồn tại đời đời như đã nói ở phần trên. Ví dụ: Linh hồn chúng ta là bất tử. Tình yêu thương thì “không hề hư mất.” Những ngụ ý mà Phao-lô muốn nói về sự không thấy được trong câu Kinh thánh này chính là thiên đàng-nơi chúng ta sẽ ở cùng Chúa đời đời không cùng.

 

Ví dụ: Có nhiều người làm chứng trên các mạng xã hội rằng họ đã trải qua sự chết và kinh nghiệm được thấy nước thiên đàng. Thậm chí có nhiều người làm giàu vì viết sách để bán về những trải nghiệm đó của họ.

 

Đối với tôi, không phải tôi nghi ngờ về tính chân thật trong lời chứng của những người này, nhưng những kinh nghiệm của họ không làm cho tôi có đức tin hơn về thiên đàng, mà chính là Kinh thánh là bằng chứng vững chắc cho niềm tin của tôi về một thiên đàng là nơi tôi sẽ đến đó. Bởi vì chính Chúa Giê-su đã phán rằng: 

 

Trong nhà Cha ta có nhiều chỗ ở; bằng chẳng vậy, ta đã nói cho các ngươi rồi. Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó (Giăng 14:2-3.)

 

Ví dụ: Thư Hê-bơ-rơ 11 đã đưa ra một danh sách dài những anh hùng đức tin từ A-bên đến những thánh đồ vô danh của Hội thánh Tân Ước, họ đều đã xem nhẹ những gì thấy được để tìm kiếm một điều không thấy được chính là Thiên quốc.

 

Trước giả đã kết thúc đoạn 11 rằng, “Vì Đức Chúa Trời có sắm sẵn điều tốt hơn cho chúng ta” (Hê-bơ-rơ 11:40.) Trước giả thư Hê-bơ-rơ nói “điều tốt hơn” ở đây cũng chính là điều mà Sứ đồ Phao-lô đang nói trong câu 18 này: Thiên đàng không thấy được nhưng tốt hơn mọi thứ thấy được trên thế gian này.

 

Ví dụ: Tháng 5 vừa qua vợ chồng chúng tôi có đi Đức quốc để dự hội thảo của Viện CBTS. Chúng tôi bị delay chuyến bay tại London, Anh quốc một ngày. Điện thoại của chúng tôi bị hết pin mà đồ charge mang theo từ Hoa kỳ thì không dùng được. Chúng tôi hỏi ra mới biết là ổ cắm điện của Anh quốc khác với Hoa kỳ và khác với khối Âu-châu, trong đó có Đức quốc là nơi chúng tôi sẽ ở lại một tuần. Giá thì cũng khá mắc nên tôi quyết định là không mua vì chỉ dùng có một ngày rồi bỏ, chứ biết bao giờ chúng tôi sẽ trở lại Anh quốc.

 

Ứng dụng: Lý do tôi kể câu chuyện này để thấy rằng, chúng ta sẽ không mua sắm hay đầu tư vào một nơi mà chúng ta chỉ sống tạm thời. Vì thế, xin Chúa giúp chúng ta phải sống thế nào để những người xung quanh thấy rằng, chúng ta thực sự tin rằng chúng ta đang chờ đợi để đi định cư ở Thiên quốc. Chúng ta sẽ không xem nặng việc được-mất hơn-thua ở trần gian này, nhưng sẽ không đánh đổi bất cứ điều gì cho chuyến đi đoàn tụ cùng Cha của chúng ta.

 

Kết luận:

 

Ví dụ: “Thuyết âm mưu” nói rằng: Rồi đây xe điện sẽ bị tê liệt khi điện năng không còn vì lý do bị hacker hoặc do thiên tai. Thậm chí sẽ không thể hoạt động khi không update các phần mềm, và sẽ bị hacker hoặc nhà sản xuất tự khống chế theo ý của họ.

 

Đó là lý do tôi chạy xe hybrid! Xe hybrid có điều rất hay là khi xe đang chạy thì vòng quay của bánh xe đồng thời tạo ra năng lượng để charge vào cục pin của nó. 

 

Tôi không có ý muốn “quảng cáo” cho xe hybrid đâu, nhưng tôi muốn áp dụng rằng, chúng ta phải có khả năng “hybird” tự khích lệ mình để tạo ra năng lực khi đối diện với kẻ thù và thử thách trong cuộc chiến cuối cùng này.

 

Trong khi sử dụng “hybird” thuộc linh này chúng ta phải biết áp dụng ba nguyên lý quan trọng:

 

·      Tỷ lệ nghịch giữa thể xác và tâm linh: Mỗi ngày thể xác chúng ta yếu kém hơn thì tâm linh chúng ta phải đổi mới hơn. Nghĩa là chúng ta phải có một chiến lược và cam kết thực hiện chiến lược đó với sự kiểm định rõ ràng.

 

·      Tỷ lệ thuận giữa thử thách và vinh hiển: Đừng sợ phải đối diện với thử thách, vì thử thách càng lớn thì phần thưởng càng cao trọng hơn. Đừng quên Chúa mới là Đấng sẽ ban thưởng chứ không phải con người, bởi vì phần thưởng mà chúng ta mong đợi là khi chúng ta gặp Ngài.

 

·      Tỷ lệ nghịch giữa thế-tạm và cõi đời đời: Khi nói vật chất là tạm, thiên đàng là đời đời thì ai cũng biết. Nh​ưng vấn đề là chúng ta có thực sự sống với niềm tin đó hay không mới là điều cần quan tâm. Tôi có thể không có gì trên thế gian này, nhưng tôi nhất định phải có thiên đàng. 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng Chúa nhật (cuối năm) của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia vào Chúa nhật (12/31/23.)

90 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

댓글


bottom of page