Đề Tài: Nguyên Tắc Để Được Ban Phước
(Sáng-thế Ký 27:1-40)
Trong quyển Bí Quyết Đắc Thắng Tội Lỗi của Mục sư Ock Soo Park có kể câu chuyện về một số nông dân tại Hàn Quốc đã kiện chính phủ vì lúa của họ không trổ bông. Mới nghe qua câu chuyện này có lẽ sẽ rất buồn cười, nhưng sự việc đã xảy ra là khi chính phủ Hàn Quốc cho xây dựng một hệ thống đèn cao áp từ sân bay đến nơi tổ chức đại hội thể thao Châu-á (Seagame), và đèn được thắp sáng suốt đêm nên những cánh đồng lúa bị chiếu sáng như thế cứ lớn cao hơn những nơi khác mà không ra bông lúa. Những người nông dân biết là lúa của họ không ra bông là có liên quan đến các bóng đèn, tuy nhiên học không biết lý do tại sao. Chính phủ Hàn Quốc đã cho các chuyên gia nông nghiệp đến hiện trường nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho biết là vì ánh sáng đèn đả khiến các tế bào của cây lúa không ngủ vào ban đên đã thay đổi chu kỳ tự nhiên của nó.
Chúng ta không thể phủ nhận, trong cõi tự nhiên này, Đức Chúa Trời đã thiết lập các quy luật tự nhiên trên không trung cho đến biển, sông, hồ và cây cỏ. Một khi các quy luật tự nhiên bị thay đổi thì sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường. Cũng vậy, trong thế giới thuộc về tâm linh, Đức Chúa Trời cũng thiết lập những quy luật không thể thay đổi. Trong phân đoạn Kinh Thánh này tôi sẽ đưa ra những nguyên tắc hay cũng có thể gọi là những quy luật để được Đức Chúa Trời ban phước.
Rất nhiều người phê bình và lên án rằng Kinh Thánh khó hiểu và ghi chép những điều vô lý. Như phần Kinh Thánh trong Sáng-thế Ký 27 này cũng vậy, nhiều người cho rằng tại sao Kinh Thánh mà lại ghi chép một sự việc trái đạo đức gia đình là khi mà người cha thì thương con trai cả, người mẹ thì thương con trai út; đây là một sự thiếu công bình trong gia đình. Ngoài ra, người mẹ còn giúp đỡ đứa con út để tranh giành phước của người anh; đây là một hình ảnh không hay chút nào trong mối quan hệ gia đình. Bằng những lời phê bình đại loại như vậy, và nhiều người không muốn đọc Kinh Thánh.
Không biết quý vị có biết cách ăn một hạt điều khi nó còn tươi hay không? Phải bỏ nó vào lửa nướng, và khi trong lửa nó sẽ bắn ra những tia lửa rất đáng sợ, phải đợi cho đến khi nó hết bắn ra những tia lửa như vậy thì mới lấy nó ra khỏi lửa trong khi nó cháy đen như một cục than đen. Tôi nhớ có lần dì tôi ở Sài-gòn lên vùng Kinh Tế Mới nơi chúng tôi sinh sống, bà chưa từng ăn hạt điều tươi nướng bao giờ, vì thế khi thấy một hạt điều nướng đen thui như thế bà nói làm sao mà ăn được. Nhưng quý vị biết không? Khi tôi đập các vỏ đen thui ấy ra thì một hạt điều bên trong vàng ươm thơm phức, khi bỏ vào miệng nhai thì nó vừa ngọt vừa béo tuyệt vời.
Tôi muốn nói rằng, nếu chúng ta chỉ hiểu Kinh Thánh theo “nghĩa đen” như cách nhìn bề ngoài đen thui của một hạt điều nướng rồi phán xét, phê bình thì chúng ta đã lầm. Vì chúng ta không biết đến sự ngọt ngào huyền nhiệm của ý nghĩa thuộc linh bên trong của Kinh Thánh.
Có nhiều người đã tách Kinh Thánh ra khỏi văn mạch, vì thế họ không thể hiểu được điều mà chúng ta gọi là Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh. Trong phân đoạn Kinh Thánh này nói rằng bà Rê-bê-ca đã thiên vị và giúp cho đứa con trai út là Gia-cốp cướp đi lời chúc phước của người cha cho anh mình là Ê-sau. Nhưng chúng ta phải hỏi tại sao bà Rê-bê-ca phải làm như thế? Và từ đó chúng ta trở lại ngữ cảnh của Kinh Thánh sẽ thấy trong đọa 25 (hai đoạn trước đoạn này) nói rằng, “hai thứ dân sẽ đo lòng người mà ra; dân này mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ.” (Sáng-thế Ký 25:23b) Như vậy, chúng ta đã hiểu tại sao bà Rê-bê-ca phải làm như thế, vì bà không muốn chồng bà là I-sác chúc phước cho đứa lớn là Ê-sau cai trị đứa nhỏ, vì đó là điều không đúng với ý muốn của Chúa đã bày tỏ cho bà.
Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng: Tại sao I-sác phải rủa sả Ê-sau? Nếu như I-sác không chúc phước cho Ê-sau đứa con mình yêu thương thì thôi nhưng tại sao lại phải rủa sả nó. Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi này là bởi vì, đây chính là cách mà Kinh Thánh dạy chúng ta biết rằng, trong các quy luật thuộc linh thì Đức Chúa Trời đã ấn định thì, một là chúng ta được chúc phước hoặc là chúng ta bị rủa sả, không có một tình trạng khác. Cũng vậy, một là chúng ta được cứu rỗi hoặc là bị hư mất, không có một chọn lựa thứ ba.
Vậy thì những hành động của Gia-cốp trong câu truyện này có những ý nghĩa thuộc linh gì? Có ba quy luật thuộc linh quan trọng mà chúng ta cần lưu ý và áp dụng. Trước khi đưa ra ba quy luật đó thì tôi muốn đưa ra áp dụng như sau để chúng ta dễ hiểu những quy luật này. Thứ nhất, I-sác là hình ảnh Đức Chúa Trời, Rê-bê-ca là hình ảnh Đức Thánh Linh, con dê con bị làm thịt là Đấng Christ, Gia-cốp là hình ảnh Cơ-đốc nhân, và Ê-sau là hình ảnh dân ngoại hoặc những Cơ-đốc nhân dựa vào việc làm công đức.
Thứ nhất, khi Rê-bê-ca bảo Gia-cốp hãy bắt hai con dê con để bà làm một món ăn rồi Gia-cốp đưa vào cho cha là I-sác ăn để cha chúc phước cho, thì Gia-cốp đã biện luận với mẹ mình, không thể nào được mẹ à! Ê-sau anh con có lông còn con thì không, nếu cha nhận ra thì con sẽ bị rủa sả thay vì được chúc phước. Nhưng Rê-bê-ca nói con cứ việc làm theo mẹ bảo, nếu có vấn đề gì thì mẹ sẽ chịu trách nhiệm. Kinh Thánh nói sau khi nghe mẹ nói như vậy thì Gia-cốp vâng phục lập tức đi ra thực hiện điều mẹ mình đã nói. Quy luật thuộc linh đầu tiên chúng ta rút ra từ sự việc vâng phục mẹ của Gia-cốp đó là Cơ-đốc nhân phải biết vâng phục Đức Thánh Linh. Nhiều người đi nơi này nơi kia, hội đồng này hội thảo kia để tìm kiếm sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nhưng họ lại không quan tâm đến sự học biết để vâng phục Đức Thánh Linh trong đời sống của họ. Khi nói về sự vâng phục Đức Thánh Linh thì rất rộng, nhưng cụ thể là chúng ta phải hỏi: Tôi có vâng phục Đức Thánh Linh để bỏ đi những thói quen tội lỗi trong đời sống của chúng ta hay không? Tại sao tôi vẫn còn hút thuốc, uống rượu, tình dục bất chính, nói hành, nóng giận, không tha thứ, tham lam…! Tôi có vâng phục Đức Thánh Linh để từ bỏ những thứ đó trong đời sống tôi hay không? Khi chúng ta chấp nhận vâng phục Đức Thánh Linh để thay đổi thì chúng ta đã nắm bắt một quy luật để được ban phước. Những nếu chúng ta làm ngược lại (không vâng phục) thì chúng ta lại rơi vào tình trạng bị rủa sả. Ví dụ: Trường hợp của A-đam và Ê-va khi họ không vâng phục thì họ đang ở trong tình trạng được phước lập tức chuyển qua tình trạng bị rủa sả.
Thứ hai, khi Rê-bê-ca dạy Gia-cốp phải mang thịt dê mà bà đã nấu để gặp I-sác cha mình, điều này có nghĩa là Gia-cốp không thể nào vào gặp cha để được chúc phước mà không có một món ăn trong tay vì đó là quy định (yêu cầu) mà cha đã đưa ra. Thay vì Ê-sau mãi lo dùng tài săn bắn của mình để tìm một con thú bên ngoài để săn về làm thịt, thì Rê-bê-ca đã làm thịt một con dê con thay thế cho Gia-cốp mang vào cho cha. Hình ảnh con dê con bị giết chính là hình ảnh Chúa Giê-su Christ đã chết để thay thế cho mọi nỗ lực vô vọng của con người tìm cách được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay không ai có thể đến ra mắt Đức Chúa Trời mà không có Chúa Giê-su Christ trong lòng mình. Tại sao nhiều người cảm thấy một tiếng đồng hồ thờ phượng Chúa sao buồn chán? Vì họ chưa thật sự có Chúa Giê-su trong lòng. Tại sao nhiều người không thể đến với Chúa cầu nguyện cách ngọt ngào? Vì tội lỗi trong lòng vẫn chưa được huyết của Chúa Giê-su Christ thanh tẩy. Nói cách khác, Chúa ta phải tin và có Chúa Giê-su Christ trong lòng và tội lỗi được thanh tẩy bởi huyết của Đấng Christ thì mới có thể đến gần Đức Chúa Trời.
Thứ ba, sự lo ngại của Gia-cốp vì mình không có lông như Ê-sau thì Rê-bê-ca đã có giải pháp là dùng áo của Ê-sau mặc cho Gia-cốp và dùng lông dê để che cánh tay và cổ cho Gia-cốp. Đây là một quy luật tâm linh rất quan trọng, một khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời thì phải bao phủ cánh tay của mình lại. Nói một cách rõ hơn là chúng ta phải biết dấu đi những việc làm của mình. Phải để cha sờ thấy lông con dê chứ không phải là cánh tay trần của chúng ta. Nói cách khác là phải để Đức Chúa Cha cảm nhận được chúng ta được bao phủ bởi Chúa Giê-su chứ không phải là những việc làm của mình. Đừng ai kiêu ngạo về những việc làm của tay mình khi đến gần Đức Chúa Cha. Nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào quy luật bị rủa sả. Chúa ta đang bị rủa sả khi nói rằng “sao không thấy ai biết đến những việc làm của tôi?” hay là, “Không phải Hội thánh này không có tôi thì không thể hoạt động sao?” Chúa Giê-su đã dạy trong Ma-thi-ơ đoạn 5 rằng: Khi kiên ăn phải kín-nhiệm, khi cầu nguyện phải kin-nhiệm, khi bố thí phải Kín-nhiệm. Chúng ta hầu việc Chúa: Nấu ăn, dạy thiếu nhi, quét dọn, dạy trường Chúa nhật, giảng dạy, thăm viếng… là những điều tốt, nhưng phải biết dấu mình trong Chúa Giê-su.
Sau cùng, Ê-sau phải nỗ lực tìm kiếm để săn một con thú rừng bằng tài săn bắn của mình; đây chính là bài học về quy luật bị rủa sả. Nếu một ai đó cố gắng dùng sức riêng để tạo lập công đức thì người đó rơi vào định luật bị rủa sả, hay nói rõ hơn là bị hư mất. Nhưng người gọi là Cơ-đốc nhân mà không nhờ vào công nghĩa của Chúa Giê-su mà nhờ vào giữ điều răn, điều lệ của giáo hội loài người thì người đó đang bị rủa sả và trật phần ân điển.
Tin cậy và làm theo những gì Đức Thánh Linh đang thôi thúc trong lòng qua lời Kinh Thánh là một quy luật tâm linh quan trọng trước tiên để đưa chúng ta đến bí quyết được phước. Thường thường thú nhận mình là một tội nhân không xứng đáng đến gần Đức Chúa Trời, nhưng nhờ nơi huyết của Chúa Giê-su chúng ta mạnh dạn đến gần ngôi ơn phước của Đức Chúa Trời. Xin Chúa giúp chúng ta biết loại bỏ mọi sự kiêu ngạo trong tròng dầu chúng ta có làm một công việc lớn hay nhỏ nào đó cho công việc Chúa. Xin Chúa giúp để chúng ta biết làm mọi việc tốt lành trong sự “kín-nhiệm.”
Amen!
Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia vào sáng Chúa nhật 22/10/2023.
Mọi người có thể sử dụng bài giảng này nhưng phải nói rõ tên tác giả (để tôn trọng quyền tác giả).
Comments