top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

NGƯỜI QUẢN GIA TRUNG TÍN

Đã cập nhật: 8 thg 1

Người Quản Gia Trung Tín

 

I Các vua 21:1-4

 

Kính thưa Hội thánh, Thứ năm tới đây sẽ là lễ Tạ-ơn (Đức Chúa Trời.) Nó là một ngày lễ truyền thống tốt đẹp của đất nước chúng ta, tuy rằng ý nghĩa nguyên thủy của nó đã không còn như trước, vì người ta đã biến nó thành một ngày của vui của giới thương mại và những người tiêu thụ. 

 

Chúa nhật tuần sau chúng ta sẽ học về chủ đề Tạ-ơn trong ngày mà chúng ta tổ chức lễ Tạ-ơn truyền thống của Hội thánh chúng ta. Còn hôm nay, chúng ta sẽ học về chủ đề Người Quản Trị (quản lý) của Chúa.

 

Vào đầu tháng 05, 2010 một xóm đạo có tên là Xóm đạo Cồn dầu tại Đà Nẵng, Việt nam đã bị nhà cầm quyền thành phố Đà Nẵng do ông Nguyễn Bá Thanh chỉ đạo bao vây và đàn áp người dân của Xóm Đạo Cồn Dầu một cách dã man. Mục đích của hành động này thì ai cũng biết là vì chính quyền Tp. Đà Nẵng muốn chiếm đoạt phần đất nghĩa trang của giáo xứ Cồn Dầu. Đến nay, sự việc oan ức này đã đi vào quên lãng cũng như vụ Vườn rau Lộc Hưng, dân oan Thủ Thiêm và nhiều vụ cướp đất khác. Tuy nhiên, nếu ai đó chịu tìm hiểu cái mà người đời thường gọi là “nhân quả” (người ta tin có nhân quả, nhưng họ không biết rằng chính Đức Chúa Trời là Đấng thiết lập và thi hành luật thưởng-phạt) thì sẽ thấy: Chỉ năm (5) năm sau thì người chỉ đạo hành vi tội ác này là chủ tịch Tp. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã phải chết một cách oan ức và không minh bạch.

 

Những sự việc oan ức này không chỉ xảy ra tại những nước độc tài, mà nó cũng xảy ra ngay tại đất nước tự do và dân chủ nhất thế giới chính là Hoa Kỳ, đất nước mà chúng ta đang sinh sống.

 

Vào ngày 21, tháng 09, năm 2022 bà chưởng lý bang New York là Letitia James chính thức kiện cựu TT. Trump về tội khai man (thổi phồng) tài sản để mượn tiền các ngân hàng cách không hợp lý. Đây là một vụ kiện tụng chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tố tụng tại Hoa Kỳ, bởi vì một vụ kiện mà chỉ có bị cáo mà không có nạn nhân. Bởi lẽ “nạn nhân” là các chủ ngân hàng đã công bố rằng tài sản của TT. Trump có giá trị gấp nhiều lần hơn so với giá trị thế chấp, và họ không bị thua lỗ gì từ việc làm ăn với công ty Trump. Tất nhiên, ai cũng biết mục đích của sự bất công và phi lý này là vì động cơ chính trị, họ muốn làm xấu đi hình ảnh của TT. Trump, và muốn ép ông đi đến sự phá sản vì những án phí và luật sư phí, hầu ép ông rút khỏi cuộc đua vào tòa Bạch ốc vào năm 2024. Vụ án này vẫn đang tiếp diễn đến ngày hôm nay (19/11/2023), và chúng ta hãy chờ xem cái “nhân quả” sẽ đến với bà chưởng lý bang New York và bộ tư pháp của TT. Biden là gì?

 

Xin đừng vội cho rằng tôi đang nói chuyện chính trị! Lý do tôi đưa ra hai câu chuyện có thật như trên về sự đồi bại và tàn ác của những người lãnh đạo không kính sợ Đức Chúa Trời đã gây ra cho những người dân vô tội của họ, để chúng ta sẽ bước vào một câu chuyện có thật tương tự đã xảy ra cách đây hơn hai ngàn tám trăm năm đã được viết trong Kinh Thánh Cựu Ước.

 

A-háp là một tên vua tội lỗi và gian ác nhất trong số những vị vua của nước Y-sơ-ra-ên (Vương quốc phía bắc). Ông ta cai trị 21 năm (873-851 BC) cùng với bà vợ (hoàng hậu) Giê-sa-bên là con gái của Ết-ba-anh vua của dân Si-đôn (I Các Vua 16:31-32,) họ đã đưa đất nước Y-sơ-ra-ên đến chỗ đói kém, chiến tranh, thờ lạy thần tượng, và gây ra bao nhiêu sự oan ức, đau khổ cho dân sự. Một trong số vụ oan ức mà vua A-háp và người vợ gian ác của ông ta đã gây ra là câu chuyện được chép trong (I Các vua 21:1-24)

 

Đây là một phân đoạn Kinh Thánh khá dài, tôi xin lược thuật như sau: Na-bốt là một dân cư sống tại đồng bằng Gít-rê-ên (nơi có thủ đô Sa-ma-ri;) trong khi mọi người chạy theo sự thờ lạy thần tượng của Ba-anh thì ông là một người kính sợ Đức Chúa Trời. Tổ tiên của Na-bốt đã để lại cho ông một khu vườn nho tọa lạc kế bên dinh thự của vua A-háp. Mỗi ngày vua A-háp đứng nhìn từ dinh thự của mình sang khu vườn nho xanh tốt của Na-bốt mà lòng ganh tức. Kết quả là vua A-háp đã yêu cầu mua lại vườn nho của Na-bốt bằng tiền mặt hoặc là đổi lấy một mảnh đất khác. Nhưng Na-bốt đã trả lời cho vua A-háp rằng, “Nguyện Đức Giê-hô-va giữ lấy tôi, chớ để tôi nhường cho vua cơ-nghiệp của tổ phụ tôi.” Kết quả, hoàng hậu Giê-sa-bên đã bày mưu để vu khống cho Na-bốt phạm tội phỉ báng Đức Chúa Trời và nhà vua để rồi tử hình Na-bốt bằng hình thức ném đá. Và tất nhiên là sau đó họ đã cướp đoạt vườn nho của Na-bốt. 


Vậy, cái “nhân quả” đã xảy ra cho gia đình gian ác của vua A-háp và Giê-sa-bên là gì? Vâng! Chỉ một thời gian ngắn sau tội ác mà họ đã gây ra cho Na-bốt thì hậu quả đã xảy ra để ứng nghiệm như lời của tiên tri Ê-li rằng: Chó sẽ liếm huyết của A-háp (ứng nghiệm I Các vua 22:37-38,) và chó đã ăn thịt Giê-sa-bên và dòng dõi của A-háp đã bị tuyệt diệt (ứng nghiệm II Các vua 9:7-10.)

 

Vậy thì chúng ta sẽ học được gì từ câu chuyện đau thương này của Na-bốt? Trước tiên, để hiểu được ý nghĩa thuộc linh từ câu chuyện này thì chúng ta phải chấp nhận một số ý nghĩa mặc định tượng ứng từ các nhân vật tại đây như: Na-bốt là tương ứng cho Chúa Giê-su và Hội thánh (Cơ-đốc nhân thật), vua A-háp và hoàng hậu Giê-sa-bên là tương ứng với sa-tan và ma quỷ, cũng như vườn nho là tương ứng với gia sản thuộc linh từ Chúa. Khi đồng ý như thế, chúng ta sẽ nhận ra rõ ràng hai bài học thuộc linh quan trọng từ câu chuyện này là: Ma quỷ rất thèm muốn gia sản thuộc linh của chúng ta, và Chúa Giê-su là người Quản gia hình mẫu cho chúng ta.

 

1.     Ma quỷ rất thèm muốn gia sản thuộc linh của chúng ta

 

Trước tiên, chúng ta phải đặt câu hỏi là tại sao vua A-háp lại ham muốn vườn nho của Na-bốt đến độ “tức giận, bỏ ăn” khi bị Na-bốt từ chối thương lượng? Không phải ông ta là vua của một nước hay sao? Thế thì có biết bao nhiêu vườn nho to lớn khác, việc gì phải thèm muốn một vườn nho nhỏ bé của Na-bốt? Có hai vấn đề mấu chốt mà chúng ta tìm thấy ở đây:

 

Thứ nhất, vua A-háp đã cố tình vi phạm điều răn thứ mười của Đức Chúa Trời là “Chớ tham..., vật chi thuộc về kẻ lân cận ngươi.” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:17) Vì thế, vua A-háp chính là hình ảnh của sa-tan là kẻ luôn tìm mọi cách để chà đạp lên luật pháp của Đức Chúa Trời. Cũng như Giê-sa-bên là hoàng hậu của A-háp, bà ta đã xem thường luật pháp của Chúa mà vi phạm điều răn thứ chín “chớ làm chứng dối” và điều răn thứ sáu “chớ giết người” khi bà ta sắp đặt người làm chứng dối chống lại Na-bốt để giết ông ta.


Ứng dụng: Sa-tan đang nói dối với con người trong xã hội ngày hôm nay rằng: Phá thai là hành động nhân bản đối với sự tự do của phụ nữ, để nó và con người vi phạm điều răn thứ sáu (giết người). Nó cũng dùng phim ảnh, trường học để dạy con em của chúng ta xem thường cha mẹ để phạm điều răn hiếu kính cha mẹ của Chúa. Nó dạy giới trẻ rằng quan hệ tình dục không phân biệt giới tính là văn minh để phạm điều răn về tội tà dâm. Và bằng nhiều cách tương tự như vậy để cướp lấy gia sản thuộc linh của nhân loại là chính linh hồn của họ. Cũng không loại trừ, một khi Hội Thánh không nhận ra các mưu kế của kẻ thù, thì satan cũng sẽ cướp đi những ân-tứ, thời gian, tiền bạc, gia đình của chúng ta.

 

Thứ hai, lý do mà vua A-háp muốn vườn nho của Na-bốt là để làm gì? Không phải ông ta cần vườn nho của Na-bốt để tiếp tục trồng nho mà là để “dùng làm vườn rau” (câu 2.) Chúng ta có nhận ra vấn đề ở đây không? Vườn nho trong Cựu ước là hình ảnh dân sự của Đức Chúa Trời (Ê-sai 5:1-7.) Trong Tân ước thì vườn nho chính là hình ảnh Hội Thánh của Đức Chúa Trời (Giăng 15:1.) Thế nhưng, vua A-háp lại muốn biến vườn nho của Na-bốt thành vườn rau. Có phải là một nhà vua như A-háp lại thiếu rau ăn hay sao? Hay là vì ông ta muốn có vườn rau sạch? Câu trả lời là không phải vậy! Như vậy rõ ràng bài học từ A-háp ở đây chính là sa-tan, ma quỷ luôn muốn đánh đổi những sự thiêng liêng của chúng ta trong Chúa thành những thứ phàm tục, tội lỗi của thế gian này.

 

Ứng dụng: Ngày hôm nay nhiều tôi-tớ Chúa không ngại để làm chứng dối, hối lộ, nịnh bợ kẻ quyền thế để đạt được quyền lực trong giáo hội. Họ dùng câu “cứu cánh biện minh cho phương tiện.” Đại loại như: “Phải làm vậy để được tự do thờ phượng.” Nhiều con-cái Chúa, người hầu việc Chúa dùng dùng danh nghĩa Hội Thánh để lên các mạng xã hội tìm kiếm tư lợi. Ôi đau đớn thay khi Chúa Giê-su nhìn thấy Hội Thánh của Ngài để cho thế gian-ma quỷ thay đổi “vườn nho” của Ngài thành “vườn rau” của sa-tan.

 

Cần lắm thay, ngày nay Hội Thánh thật của Chúa phải noi gương Giăng Báp-tít thà bị chém đầu trong ngục vẫn phải ngăn trở vua Hê-rốt vi phạm điều răn của Đức Chúa Trời; như Sứ đồ Phao-lô thà ở tù 2 năm chứ không chịu hối lộ cho Phê-lít (Công vụ 24:26); như Hội thánh đầu tiên chấp nhận vào hang sư tử, bị thiêu sống, bị đóng đinh chứ không chấp nhận gọi Xê-sa (hoàng đế La-mã) là thần và quỳ lạy ông ta. 

 

Hỡi những tôi-tớ thật-người quản gia trung tín của Chúa Giê-su hãy cẩn thận với vườn nho của mình là những ân tứ, tài năng, gia đình, Hội thánh mà Chúa đã giao cho chúng ta, bởi vì sa-tan rất thèm muốn và không từ mọi thủ đoạn để biến những vườn nho thành vườn rau của chúng. Chúng ta phải quyết giữ “vườn nho” không để cho kẻ thù biến nó thành “vườn rau” quý ông bà và anh chị em ơi!

 

Để đào sâu hơn về sự kiên quyết giữ vườn nho của mình thì chúng ta sẽ đi vào phần thứ hai.

 

2.     Chúa Giê-su là người Quản gia hình mẫu cho chúng ta

 

Chúng ta hãy đặt câu hỏi rằng: Tại sao Na-bốt lại không “linh động” thay vì quá cứng nhắc? Nếu Na-bốt không muốn bán vườn nho lấy tiền mặt thì ông có thể “làm giá” để yêu cầu vua A-háp cấp cho ông một mảnh đất khác to hơn và tiếp tục việc trồng nho của gia đình, như vậy cũng đâu có thiệt hại gì, đôi khi còn có lợi hơn. 


Ứng dụng: Đây là cách nghĩ của hầu hết những người Cơ-đốc nhân xác thịt ngày nay. Họ luôn thỏa hiệp với thế gian bằng những lời biện minh rất hữu lý. Nhưng đối với Chúa vấn đề không phải lợi hay hại về phương diện vật chất, mà là vấn đề đức tin để tôn trọng Ngài qua việc tuân giữ điều răn và mạng lệnh của Ngài.

 

Trở lại vấn đề của Na-bốt. Ông trả lời với vua A-háp bắt đầu bằng việc xưng danh của Chúa (Đức Giê-hô-va) và sau đó ông khẳng định rằng vườn nho đó là gia nghiệp của tổ phụ đã nhận từ Chúa và để lại cho ông. Na-bốt muốn nói rằng, ông chỉ là là một người quản gia, đang quản lý phần cơ nghiệp của Đức Giê-hô-va (Lê-vi Ký 25:23.) Và ông không thể trở thành một người quản gia bất trung. Chúng ta biết rằng, Chúa đã dùng Môi-se để ban một đạo luật về quyền sở hữu gia sản mà Chúa đã dùng Giô-suê để ban cho mỗi chi phái, mỗi họ tộc những mảnh đất trong đất hứa; không ai được cướp lấy gia sản của ai, cho dầu khi nghèo túng phải đem đi cầm-bán thì đến năm Hân-hỉ (sau 50 năm) phải trả lại cho nguyên chủ. Hoặc là lúc đó người chủ đã chết thì người anh-em hay là bà con có thể chuộc lại (sách Ru-tơ).

 

Ứng dụng: Ngày hôm nay, chúng ta có nhận ra rằng: Sức khỏe, tiền bạc, công việc, gia đình, ân tứ, chức vụ… đều là gia sản của Chúa, và chúng ta chỉ là người quản gia của Ngài hay không? Và chúng ta có quyết tâm quản lý chúng một cách theo ý của Chủ hay là chúng ta đang hoang phí hay đánh đổi với kẻ thù? Chúng ta có dám đối đầu với vua của thế gian này để rồi có thể nhận một kết quả như Na-bốt là đã bị vu oan, và bị giết chết? Nói đến điều này thì chúng ta thấy hình ảnh của Na-bốt rất giống với Chúa Giê-su của chúng ta. Tại đây chúng ta nhận thấy có những điểm tương đồng giữa Na-bốt và Chúa Giê-su như sau:

 

Nếu Na-bốt là người quản lý vườn nho thì Chúa Giê-su cũng là một người quản trị “vườn nho” là Hội thánh của Đức Chúa Trời. Trong thư Hê-bơ-rơ nói “Nhưng Đấng Christ thì trung tín như con trai quản-trị nhà Chúa; mà nhà Chúa tức là chúng ta.” (Hê-bơ-rơ 3:6)

 

Nếu Na-bốt từng bị vua A-háp thương lượng đánh đổi vườn nho thì Chúa Giê-su cũng từng bị sa-tan cám dỗ để đánh đổi vườn nho của Ngài. “Ví bằng ngươi sấp mình trước mặt ta mà thờ-lạy, thì ta sẽ cho ngươi hết thảy mọi sự này.” Đó là khi sa-tan cám dỗ Chúa Giê-su đánh đổi sứ mạng mua chuộc lại “vườn nho” của Đức Chúa Trời để lấy mọi sự vinh hiển của thế gian. Một lần khác khi Ngài đã “tiến gần” đến thập tự thì sa-tan một lần nữa đã dùng Phi-e-rơ, một môn đệ xuất sắc nhất để ngăn cản Ngài ((Ma-thi-ơ 16:22-23.)

 

Nếu Na-bốt từng bị hoàng hậu Giê-sa-bên và hội đồng các trưởng lão vu khống và xử tử bên ngoài thành thì Chúa Giê-su cũng đã bị các thầy tế lễ và thầy thông giáo vu khống và bị Phi-lát kết tội và đóng đinh bên ngoài thành.

 

Nếu Na-bốt thà chết quyết tâm không thỏa hiệp mà đánh đổi vườn nho của tổ phụ cho A-háp thì Chúa Giê-su cũng đã bước lên thập giá để hoàn thành sứ mạng đổ huyết mua chuộc vườn nho cho Đức Chúa Trời chứ không thỏa hiệp với sa-tan. 

 

Chúa Giê-su chính là một gương hình-mẫu về một người Quản gia trung tin cho chúng ta. Và chúng ta cũng đã được kêu gọi làm người quản gia của Chúa Giê-su.

 

“Anh em đã được kêu gọi đến sự đó, vì Đấng Christ cũng đã chịu khổ cho anh em, để lại một gương, hầu cho anh em noi dấu chân Ngài.” (I Phi-e-rơ 2:21)

 

Kết luận

 

Trong khi cả nước Y-sơ-ra-ên, hầu hết mọi người đều vi phạm điều răn và mạng lệnh của Chúa để sống theo luật pháp (vô luân) của triều đình A-háp, thì Na-bốt đã thể hiện sự kính sợ Đức Chúa Trời; ông quyết không để cho bất cứ ai ép mình phải vi phạm mạng lệnh của Chúa về "luật sở hữu tài sản" của Chúa. Nghĩa là, không ai được phép lấy đi tài sản-đất đai mà chính Chúa đã dùng Giô-suê phân phát cho dân sự. (Lê-vi Ký 25) 

 

Trong số 38 ẩn dụ của Chúa Giê-su thì có đến 16 ẩn dụ Chúa Giê-su dạy về công tác quản lý cho các môn đồ (Hội thánh.) Na-bốt là một người quản gia trung tín. Chính hình ảnh của Na-bốt đã tiên tri về chức vụ của Chúa Giê-su, và Ngài chính là hình mẫu để cho các Cơ-đốc nhân noi gương Ngài.

 

Chúng ta có nhận diện ra “vườn nho” của chúng ta là gì hay không? Tiền bạc, sức khỏe, gia đình, ân tứ, chức vụ, và cả linh hồn chúng ta nữa. Hãy quản trị chúng một cách đúng với ý muốn của Chúa là Chủ nhân thật sự.

 

Chúng ta có biết rằng sa-tan luôn mong muốn biến “vườn nho” của chúng ta thành “vườn rau” không? Hãy mạnh dạn đương đầu và đừng thỏa hiệp. Hãy nhìn xem gương của Na-bốt và trên hết là nhìn xem Chúa Giê-su là một gương hình-mẫu cho chúng ta.

 

Có lẽ Na-bốt đã được nghe Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán với ông rằng, “Hỡi đầy-tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm, ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi coi-sóc nhiều; hãy đến hưởng sự vui mừng của chúa ngươi.:(Ma-thi-ơ 25:23)

 

Còn mỗi chúng ta cũng hãy là người quản gia trung tín để cũng sẽ được nghe Chúa Giê-su phán với chúng ta cùng câu nói đó trong ngày vinh hiển rằng, “Hỡi đầy-tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm!” 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia, Chúa nhật 11/19/23. 

 

Mọi người có thể sử dụng để giảng dạy nhưng vui lòng tôn trọng quyền tác giả (không sửa đổi nội dung và tên tác giả.) 

 

Chân thành cảm ơn!

84 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Kommentare


bottom of page