(Sáng-thế Ký 40)
Nhiều người đã đặt vấn đề rằng: Trong khi, những kinh thư của các tôn giáo khác thì chỉ nói những triết lý cao siêu, thánh thiện. Còn Kinh Thánh, đã gọi là “Kinh Thánh”, nhưng lại ghi chép nhiều câu chuyện hoàn toàn không thánh chút nào. Ví dụ như: Cha chồng ăn ở với nàng dâu, con trai với mẹ kế, con gái với cha, anh trai với em gái; rồi nào là chuyện con trai truy sát cha, anh giết hại em, em lừa gạt anh, các anh hùa nhau hãm hại một đứa em vô tội, và còn nhiều những câu chuyện “không thánh” khác nữa.
Làm sao để chúng ta trả lời những câu hỏi như thế? Chúng ta thử suy nghĩ, nếu như lịch sử của một quốc gia nào đó ghi lại một giai đoạn lịch sử của một vị vua hay một triều đại nào đó mà toàn là những điều tốt đẹp. Vậy thì những trang lịch sử đó là không đáng tin cậy. Bởi vì, bất cứ một thể chế nào dù có tốt đẹp đến mấy thì cũng có những bất công vì có thể sung sướng cho nhóm người này mà gây đau khổ cho nhóm người khác. Chỉ có những vị vua hay những nhà lãnh đạo độc tài mới ép các sử quan ghi lại những chuyện tốt đẹp của họ và che đậy những việc tàn bạo, xấu xa đồi bài khác của họ.
Cũng vậy, nếu một quyển kinh sách chỉ ghi lại toàn những chuyện cao siêu, thánh thiện mà thậm chí chính người viết cũng không thực hiện được thì đó chẳng qua là đạo đức giả để mị lòng độc-giả mà thôi. Nhưng Kinh Thánh là Chân lý từ Đức Chúa Trời được bày tỏ cho con người với hai phần: Thứ nhất là ghi chép lại tất cả mọi sự thật trong thế giới của con người; thứ hai là thể hiện ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con người. Cho nên, nếu hỏi tại sao Kinh Thánh ghi lại những sự kiện “không thánh?” Bởi vì những điều đó là sự thật đã xảy ra, đang xảy ra, và tiếp tục xảy ra trong lòng và trong thế giới của con người. Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy những điều không thánh thuộc về con người trong Kinh Thánh mà không thấy những điều cực thánh thuộc về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, thì cũng giống như một người khăng khăng tin rằng đồng tiền chỉ có một mặt mà thôi.
Trong tuần trước, tôi có nói về việc ăn hạt điều tươi, khi nướng chính nó lên thì phải nướng cho cái vỏ bên ngoài cháy đen toàn bộ; nếu một người chưa từng ăn thì sẽ không bao giờ cho rằng đó là một món ăn khoái khẩu mà ngược lại, họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ăn thử nó. Nhưng họ đâu biết rằng, khi đập cái vỏ đen thui ấy ra thì bên trong là một cái nhân hạt điều vừa nóng vừa thơm ngon và bổ dưỡng. Cho nên, ẩn chứa bên trong những giai thoại trong Kinh Thánh có vẻ như không thánh thiện ấy là những nguyên tắc thuộc linh quan trọng. Chúng có khả năng quyết định sự sống và sự chết của con người mà Đức Chúa Trời muốn gửi đến cho chúng ta.
Qua phân đoạn Kinh Thánh trong sách Sáng-thế Ký đoạn 40 này, Đức Chúa Trời muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện của hai vị quan Tửu-chánh và quan Thượng-Thiện? Đặc biệt là trong hai giấc mơ của họ?
Kinh Thánh ghi nhận rất nhiều người đã thấy những giấc mơ, và mỗi giấc mơ của họ đều có những bài học thuộc linh riêng. Ví dụ: Giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa , của Gia-cốp, của Giô-sép, của Pha-ra-ôn, của Xa-cha-ri, của Giô-sép (chồng Ma-ri), của vợ Phi-lát…, và đặc biệt là giấc mơ của hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện trong đoạn Kinh Thánh này.
Chúa cho tôi rút ra được ba bài học rất quan trọng trong hai giấc mơ của quan Tửu-chánh và quan Thượng-Thiện. Những bài học này chính là những nguyên tắc thuộc linh quyết định đến sự sống và chết cho tâm linh của chúng ta.
Trước tiên, để có thể hiểu được những bài học từ phân đoạn Kinh Thánh này, tôi sẽ đưa ra một số ứng dụng như sau: Vua Pha-ra-ôn là Đức Chúa Trời, hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện là chúng ta (con người), Giô-sép là Chúa Giê-su, và hai giấc mơ của hai vị quan này chính là sứ điệp-lời Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-su mang đến cho họ.
Có lẽ nhiều người sẽ lo ngại là ứng dụng như vậy có hợp lý hay không? Xin thưa, nó hoàn toàn hợp lý, bởi vì ứng dụng khác với giải nghĩa. Hơn nữa, vị Pha-ra-ôn này có những đặc tính tốt như: Khôn ngoan, thành thật, tử tế (không phải là một vị vua gian ác). Hoặc có lẽ chúng ta lo ngại là Giô-sép trong câu chuyện này là người phải phục vụ cho hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện; ứng dụng là Chúa Giê-su có ổn hay không? Xin thưa, Chúa Giê-su đã xác định “Vì Con người đã đến không phải người người ta hầu việc mình, sống để hầu người người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mác 10:45) Hơn thế nữa, hoàn cảnh của Giô-sép ở tù trong khi ông hoàn toàn vô tội nhưng lại bị con người phản bội, và đối xử bất công; những điều này hoàn toàn ứng hợp với Chúa Giê-su. Ngài là Đấng vô tội đến để cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài lại bị con người khi chê, phản bội và chối bỏ.
Bài học đầu tiên của chúng ta là Đấng Thánh ở Cùng Tội Nhân.
Trong câu chuyện này, hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện không biết đã phạm tội gì? Nhiều người cho rằng họ dính vào một vụ ám sát nhà vua qua thực phẩm bất thành. Và ai là người thật sự có tội? Quan Tửu-chánh, hay quan Thượng-Thiện? Hay là cả hai người? Chúng ta hoàn toàn không biết. Những điều mà chúng ta biết là cả hai đều đã phạm tội dưới luật pháp của nhà vua. Ví thế, thân phận của hai vị quan này chính là hình ảnh của con người chúng ta. Vì Kinh thánh nói rằng “vì mọi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma: 3:23a)
Ví dụ: Có một cuộc thi xem ai đã từng nói dối nhiều và tinh vi nhất. Trong số những người tham dự cuộc thi có một người lớn tuổi nhất, đang giữa cuộc thi thì ông đứng lên và nói: Tôi xin rút lui, vì thật sự tôi chưa bao giờ nói dối cả. Khi nghe ông tuyên bố như vậy thì ban giám khảo quyết định dừng cuộc thi, và tuyên bố họ đã tìm được người trúng giải. Kinh Thánh nói rằng, “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:8)
Tiếp theo, chúng ta thấy hai vị quan (tội nhân) này đã sống chung một phòng và được phục vụ bởi một người trai trẻ tên Giô-sép. Như đã nói ở trên, Giô-sép bị đưa vào ngục tù phải sống chung và phục vụ hai vị tội-quan này là vì bị oan ức, do ông bỏ chạy để không phạm tội tà dâm cùng một người phụ nữ đã có chồng. Cũng vậy, Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Thánh Khiết nhưng đã đến thế gian này để sống chung và phục vụ những tội nhân như chúng ta. (Mác 10:45)
Tuy nhiên, trong lúc hai vị quan này sống chung và được Giô-sép phục vụ, có lẽ họ chẳng xem Giô-sép ra gì, và họ đâu biết rằng chính Giô-sép sẽ đưa ra cho họ những lời phán mà những lời đó sẽ đưa đến sự sống và sự chết của họ. Cũng vậy, nhiều người cho rằng Chúa Giê-su không phải là siêu nhân, triết gia, thông thái như điều họ mong đợi, nhưng Ngài đến để bị người ta khinh chê, chán bỏ như Kinh thánh nói rằng “Người đã bị người ta khinh-dễ và chán bỏ…” (Ê-sai 53:3a) Thế nhưng, người ta không biết rằng chính Chúa Giê-su, và chỉ có duy nhất một mình Ngài đã đến để ban cho chúng ta những lời của Chân lý sẽ đưa đến quyết định sự sống và sự chết cho cõi đời đời của chúng ta. Như Phi-e-rơ đã được mặc khải khi ông xác nhận rằng “Chúa có lời của sự sống.” (Giăng 6:68b)
Tóm lại, cũng như hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện kia, cho dù chúng ta là ai, chức vụ gì? Có chuyên môn gì? Giàu hay nghèo? Già hay trẻ? Tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là tất cả chúng ta là những “tội-quan.” Khi nói điều này thì tôi muốn nói luôn cho chính tôi và tất cả những người được gọi là mục sư, chấp sự, tín hữu đang ngồi trong các nhà thờ. Mặc dầu ngày nay chúng ta được gọi là thánh đồ nhưng chúng ta vẫn là những con người tội lỗi. Nói điều này để chúng ta biết thân phận của mình mà đừng kiêu ngạo, hợm mình, hay tự làm nên những “vị thánh sống”, nhưng chúng ta phải biết hết lòng cảm tạ và tôn kính Chúa Giê-su là Đấng Thánh đầy ân điển đang ở cùng chúng ta và sẽ ở với chúng ta trong cõi đời đời.
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến hai giấc mới của hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện. Có lẽ nhiều người cảm thấy xa lạ với từ ngữ quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện. Thật ra đó là tên gọi cho hai vị (hoan) quan lo việc ăn và uống của nhà vua: Tửu-chánh (cupbearer) là lo về thức uống, và Thượng-Thiện (baker) là lo về làm bánh (thức ăn). Nhưng trước tiên chúng ta hãy nói về giấc mơ của vị quan Tửu-chánh.
Gốc Nho Thánh chính là bài học thứ hai của chung từ giấc mơ của quan Tửu-chánh.
Một buổi sáng nọ, Giô-sép quan sát thì thấy nét mặt của cả hai vị tội-quan này rất lo lắng khác thường. Hỏi ra thì mới biết là cả hai cùng có một cơn ác-mộng vào tối hôm qua. Tôi nhớ có lần đã nghe qua một ai đó đã kể: Có một người đàn ông trung niên cứ mỗi khi nhắm mắt lại là thấy trong giấc mơ mình thắt cổ tự tử. Điều đó khiến cho ông ta khổ sở không chịu nỗi. Cuối cùng ông bị trầm cảm, mất ngủ và kết thúc cuộc đời bằng một sợi dây thừng. Các giấc mơ trong Kinh Thánh thường hàm ý về một số phận hay một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của một ai đó.
Giô-sép nghe hai vị tội-quan này nói vậy thì Giô-sép đã trả lời rằng, “sự bàn chiêm bao há chẳng phải do nơi Đức Chúa Trời ư?” (câu 8) Nếu nói chiêm bao là tượng trưng cho số phận hay định mệnh của một ai đó, thì quả thật là chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được số phận của mỗi người chúng ta mà thôi. Giô-sép là người đã giải chiêm bao cho hai vị tội-quan này. Như đã nói ở trên, chúng ta đã ứng dụng Giô-sép là Chúa Giê-su, thì chỉ có Chúa Giê-su mới có thể giải thích về số phận đời này và đời đời của con người chúng ta cách rõ ràng mà thôi.
Bây giờ chúng ta bàn đến giấc mơ của vị quan Tửu-chánh. Ông ta nhìn thấy một gốc nho, và gốc nho này có ba nhánh nảy chồi, trổ bông. Khi nói đến gốc nho tôi nhớ ngay đến Chúa Giê-su từng phán rằng “Ta là gốc nho thật.” (Giăng 15:1) Không gì gần ngại để ứng dụng rằng gốc nho trong giấc mơ của vị quan này chính là hình ảnh Gốc Nho Thật mà Chúa Giê-su đã ví sánh là Ngài. Ngoài ra, gốc nho trong giấc mơ của vị quan này có ba nhánh sinh bông trái. Rõ ràng đó là hình ảnh sau ba ngày trong mồ mả Chúa Giê-su đã sống lại. Nhưng, điểm quan trọng trong giấc mơ này là hành động của vị quan Tửu-chánh; ấy là khi thấy các nhành nho ra trái thì ông lập tức hái trái nho và ép lấy nước để dâng cho vua. Như chúng ta đã biết, chính những tính chất đặc biệt của giấc mơ này đã đưa đến sự sống cho vị quan Tửu-chánh.
Cho nên, được đối diện với Góc Nho Thánh là Chúa Giê-su thì có lẽ nhiều người từng có cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta có lập tức hành động như vị quan Tửu-chánh trong giấc mơ của ông là “hái trái nho”, nghĩa là tiếp nhận lấy Ngài vào đời sống, rồi ép lấy nước dâng cho Pha-ra-ôn, nghĩa là sau khi tiếp nhận Chúa Giê-su vào đời sống thì có lập tức phục vụ Vua là Đức Chúa Trời hay không?
Tóm lại, số phận đời đời của chúng ta không ai trên đời này có thể “bàn luận” cho chúng ta ngoại trừ Chúa Giê-su. Và số phận của chúng ta được quyết định bởi việc chúng ta có hành động ngay lập tức là “tiếp nhận lấy sự sống của Gốc nho” và “dạn dĩ bước vào phục vụ Vua.” Khi nói điều này, khiến tôi suy nghĩ phải chăng có nhiều người đã gặp Chúa Giê-su nhưng họ không hành động gì hết. Có người thì tiếp nhận Chúa Giê-su, nhưng họ không phục vụ Đức Chúa Trời là Vua của mình. Hãy là quan Tửu-chánh ngay hôm nay. Bước ra khỏi khám ngục, giam cầm của tội lỗi, địa vị tội nhân được thay đổi làm thánh đồ, ra mắt Đức Chúa Trời với với huyết của Chúa Giê-su trên tay.
Những Con Chim-Sứ Giả Của Sự Chết. Đó là bài học thứ ba từ giấc mơ của vị quan Thượng-Thiện
Sau khi quan Tửu-chánh được Giô-sép giải chiêm bao cho rồi, thì quan Thượng-Thiện cũng nóng lòng chờ đợi đến lượt mình. Giấc mơ của ông ta có những nét tương đồng với giấc mơ của quan Tửu-chánh. Nhưng nó lại có những nét dị biết rất quan trọng. Ông thấy mình đội ba giỏi bánh trắng trên đầu. Khi nói đến bánh thì tôi liên tưởng ngay đến có lần Chúa Giê-su từng phán “Ta là bánh của sự sống.” (Giăng 6:48) Như vậy, điểm tương đồng ở đây là trong giấc mơ vị quan Thượng-Thiện cũng đã gặp (đối diện) với Chúa Giê-su.
Như vậy điểm khác biệt là gì? Tôi suy nghĩ tại sao trong giấc mơ đó ông ta không thấy mình ôm giỏ bánh trước ngực mà lại đội trên đầu? Tôi tin rằng đây chính là bài học mà Chúa muốn dạy cho những ai khi đối diện với “bánh” là chân lý, là lời của Đức Chúa Trời thay vì bỏ vào lòng thì họ chỉ bỏ trên đầu nghĩa là chỉ dùng lý trí mà suy xét. Cũng chính từ điểm này đã dẫn đến một vấn đề quan trọng khác là vì bánh ở trên đầu nên đã tạo cơ hội tốt cho chim đáp xuống và ăn mất bánh. Khi nói đến chim thì tôi lại nhớ đến Chúa Giê-su cũng đã có lần nói đến một loại chim ăn các hạt giống trên đường (Mác 4:4) Và Chúa Giê-su đã giải thích loại “chim” đó chính là quỷ sa-tan. Lưu ý, trong bảng Tiếng Việt thì chỉ nói là chim mà không nói số nhiều hay số ít, nhưng trong nguyên văn thì từ chim trong (câu 17) là ở dạng số nhiều, nghĩa là hơn một con chim. Nghĩa là, ma quỷ, sa-tan không phải chỉ một con mà là rất nhiều con đến ăn cắp lời của Chúa trong tâm trí chúng ta.
Tóm lại, bài học của chúng ta đã rất sáng tỏ tại đây: Có những người được gặp, nghe biết về Chúa Giê-su (bánh) và lời Ngài, nhưng họ không để vào lòng mà chỉ để trong lý trí. Vì thế, ma quỷ, sa-tan đã đến cướp lấy đức tin của họ. Lẽ tất nhiên, số phận của những người như vậy cũng chính là số phận của vị quan Thượng-Thiện. Chúng ta “đừng chỉ lấy nghe làm đủ” sau bài học này. Hãy mở lòng ra để lời Ngài đi vào lòng chúng ta. Đừng dùng lý trí để nhận biết Chân lý và sự sống của Chúa Giê-su. Hãy cẩn thận với loài chim là sứ giả của sự chết. Nếu ai đó đang dùng sự khôn ngoan riêng và lý trí hạn hẹp của mình để phán đoán và nghi ngờ về tình yêu của Chúa Giê-su và chân lý của Ngài thì hãy mau thay đổi, để Đức Thánh Linh hành động trong lòng khiêm nhường của chúng ta.
Kết luận: Ai trong chúng ta cũng phải chờ đợi một ngày đứng trước sự phán xét của nhà Vua. Nhưng số phận của chúng ta có được thay đổi từ sự chết qua sự sống hay không là tùy thuộc vào giấc mơ của mỗi chúng ta hôm nay. Trong giấc mơ đó thái độ vào hành động của chúng ta như thế nào thì sẽ quyết định kết quả nhứ thể ấy khi được Vua gọi vào để gặp Ngài. Hãy đưa tay ra hái (nhận lấy) trái nho từ gốc Nho-thánh. Hãy mang nho đó trên tay mà ra mắt Vua.
Amen!
Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia ngày 29/10/2023.
Mọi người có thể sử dụng để giảng dạy hoặc làm tư liệu nhưng phải tôn trọng tác quyền!
Comments