Đề tài: Chiếm Lấy Phước
Kinh thánh: (Sáng-thế Ký 27:36)
Ê-sau liền nói rằng: Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng? Nó đã chiếm quyền trưởng-nam tôi, và lại bây giờ còn chiếm sự phước lành của tôi nữa. Tiếp rằng: Cha chẳng có dành sự chúc phước chi cho tôi sao? (Sáng-thế Ký 27:36)
Dẫn nhập: Trong ngày đầu năm thì người ta thường nói đến các từ: “Cầu phước, tìm phước, làm phước, chúc phước, gặp phước..” Nhưng sáng hôm nay tôi muốn nói với mọi người là chúng ta phải “chiếm lấy phước.”
Nhiều người trong chúng ta đã biết câu chuyện Kinh thánh về hai anh em sinh đôi Ê-sau và Gia-cốp tranh giành sự chúc phước của cha mình là Gia-cốp, đã được chép trong sách Sáng-thế Ký đoạn 27.
Trước đây không lâu, tôi cũng đã có giảng phân đoạn Kinh thánh này, nhưng với một chủ đề khác. Và tôi đã giải thích tại sao Rê-bê-ca lại chủ động giúp cho Gia-cốp tranh lấy sự chúc phước của Ê-sau. Bởi vì, từ khi mới cấn thai thì Rê-bê-ca đã được Chúa cho biết là Ngài chọn Gia-cốp và bỏ Ê-sau. Bài học ứng dụng của chúng ta trong bài giảng đó là: Khi đã biết được ý muốn của Chúa thì chúng ta phải hành động dầu có phải đối diện với khó khăn, nguy hiểm, và thậm chí là bị người thân hiểu lầm.
Sáng hôm nay, cùng với câu chuyện này nhưng chúng ta sẽ học biết một bài học khác, và sẽ giữ nó để làm phương châm cho chúng ta trong năm mới 2024 này.
Khi nói “chiếm lấy phước” thì trong tâm trí chúng ta sẽ đặt câu hỏi là: Chiếm phước của ai? Làm cách nào để chiếm lấy phước? và ý-nghĩa của cái phước đó là gì? Bây giờ chúng ta sẽ đi tìm câu trả lời cho ba câu hỏi này.
1. Chiếm lấy phước từ ai?
Khi nói “chiếm lấy” có nghĩa là chúng ta đang có một đối thủ, và chúng ta phải chiến thắng để chiếm được điều mà chúng ta cần. Cho nên, điều đầu tiên mà chúng ta sẽ học là: “Thánh Linh phải thắng hơn xác thịt” hay “con người mới phải thắng hơn đời sống cũ.”
Ví dụ: Tôi tự hỏi, tại sao trong khi Trung quốc ở thập niên 90 đang rất nghèo đói và lạc hậu thì Mỹ lại bỏ quy chế “tối huệ quốc,” nghĩa là cất mọi rào cản giao thương kinh tế với Trung quốc, và ba thập niên sau Trung quốc phát triển trở thành một “cường quốc” như hiện tại để cạnh tranh với Mỹ? Câu trả lời là vì, khối liên bang Xô-viết đã sụp đỗ, Mỹ không còn đối thủ cạnh tranh, nhưng muốn luôn là một cường quốc thì Mỹ phải luôn có đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, triết-lý chính trị này cũng rất nguy hiểm, nó giống như việc nuôi một con sư tử con trong nhà vậy.
Tôi tự hỏi: Tại sao Chúa đã chọn Gia-cốp từ trong lòng mẹ và bỏ Ê-sau, vậy tại sao Ngài lại cho Ê-sau ra đời làm gì? Tất nhiên, Đức Chúa Trời có lý do của Ngài, chúng ta là ai mà dám hỏi Ngài như thế? Nhưng khi đặt ra vấn đề như thế để chúng ta tìm ra một bài học thuộc linh mà Ngài muốn dạy chúng ta từ vấn đề này.
Ê-sau và Gia-cốp đều phải sinh ra. Bởi vì Ê-su sẽ là đối thủ cạnh tranh của Gia-cốp và Gia-cốp phải thắng hơn Ê-sau để hoàn tất sứ mạng và sự kêu gọi của Chúa trên đời sống của ông.
Ứng dụng: Quý vị và tôi là “Gia-cốp,” những người được Chúa Jêsus chọn lựa, và mỗi đời sống chúng ta đều mang một sứ mạng phải hoàn tất. Nhưng đừng quên bên cạnh chúng ta luôn có một “Ê-sau,” và Ê-sau này chính là bản ngã, xác thịt của chúng ta, những chúng ta phải đắc thắng “thằng anh Ê-sau” này của chúng ta.
Nếu Ê-sau là anh của Gia-cốp thì có nghĩa là “con người trước đây, con người cũ của chúng ta;” Gia-cốp là em vì sinh ra sau, nghĩa là con người mới được tái sinh của chúng ta. Và Chúa muốn con người mới đó phải đắc thắng con người cũ.
Ví dụ: Có một người phụ nữ trung niên vừa mới đi sửa sắc đẹp về, cô ta vào xưng tội với ông Linh mục, “thưa cha, xin tha cho con tội kiêu ngạo.” ông Linh mục hỏi: “Con nói rõ hơn xem nào!” Người phụ nữ nói tiếp: “Dạ, mỗi khi bước vào nhà thờ là con luôn có cảm giác mình đẹp hơn các chị em khác.” Ông linh mục tò mò, vén cái rèm che ra xem thử..! Ông đưa tay bụm miệng cố nén tiếng cười và nói, “tội con nhẹ lắm, vì là tội lầm lẫn thôi.”
Ứng dụng: Chúng ta đừng “lầm lẫn như người phụ nữ kia,” không phải là sự thay đổi bề ngoài, mà là con người bề trong của chúng ta. Mỗi ngày chúng ta phải tự hỏi: có thật sự là con người cũ của chúng ta đã chết rồi không? Mọi người xung quanh có nhận ra chúng ta là một người được đổi mới hay không?
2. Phương cách để chiếm phước là gì?
Vấn đề thứ hai là chúng ta phải biết được “điều mà Cha sở thích/yêu thích” là gì? Và đáp ứng bằng việc thực hiện nó một cách mau chóng.
I-sác đã đưa ra một yêu cầu là muốn được ăn một món ăn thịt rừng mà ông yêu thích. Biết được ý muốn đó của chồng, Rê-bê-ca đã giúp đỡ Gia-cốp thực hiện điều đó bằng một cách mau chóng nhất. (Chúng ta không phân tích mặt ‘đạo đức’ ở đây vì tôi đã nói trong một bài giảng trước đây rồi.)
Ví dụ: Một lần kia khi Chúa Jêsus từ Giê-ru-sa-lem trở về xứ Ga-li-lê thì Ngài quyết định đi ngang qua xứ Sa-ma-ri (lộ trình mà người Giu-đa luôn tránh) để tìm và “làm chứng” cho một người đàn bà có một đời sống quá khứ và hiện tại nhiều tai tiếng. Khi các môn đồ đi mua đồ ăn và trở lại hối thúc Chúa Jêsus ăn thì Ngài trả lời rằng:
Đức Chúa Jêsus phán rằng: Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài. (Giăng 4:34)
Dựa vào văn mạch thì chúng ta có thể hiểu Chúa Jêsus nói rằng: Thức ăn mà Ngài yêu thích chính là mang những con người tội lỗi như người phụ nữ kia trở lại cùng Đức Chúa Trời, và đó là ý muốn của Cha Ngài.
Ví dụ: Năm 30 tuổi thì Alexander đại đế đã chiếm được 1/3 diện tích của thế giới, nhưng năm 323 BC. Thì qua đời lúc mới 32 tuổi. Trước khi qua đời ông đã yêu cầu để ông vào một cái quan tài với hai cái lỗ hai bên và để hai bàn tay không của ông ra ngoài quan tài. Trước khi chết ông đã trở thành một triết gia để dạy cho hậu thế là “dầu chiếm được cả thiên hạ thì khi chết cũng chỉ là hai bàn tay trắng.”
Người nào nếu được cả thiên-hạ mà mất linh-hồn mình, thì có ích chi? (Mác 8:36)
Ứng dụng: I-sác đại diện cho hình ảnh của Chúa, và ông “yêu thích một món ăn.” Đối chiếu với Tân ước, Chúa Jêsus cho biết “món ăn Ngài yêu thích là tìm và cứu những con người hư mất.” Như vậy, điều quan trọng nhất chính là làm chứng tin lành cho mọi người để đem họ trở lại cùng Đức Chúa Trời.
Trong năm mới này, nếu mỗi người quyết tâm cầu nguyện và thực hiện việc đem một người thân, bạn hữu của mình trở lại với Chúa, thì có phải là Hội thánh sẽ tăng lên gấp đôi không?
3. Thực chất của cái phước đó là gì?
Chúng ta phải tìm hiểu xem, sau khi chiếm được phước của anh mình là Ê-sau rồi thì cuộc đời của Gia-cốp như thế nào, và từ đó chúng ta tìm ra ý nghĩa thật sự của chữ phước là gì?
Sau khi được cha chúc phúc thì Gia-cốp phải bỏ trốn qua xứ Pha-đan A-ram. Khi đến được nhà cậu mình là La-ban rồi thì phải làm công không trong 14 năm dài. Đến khi trở về lại Ca-na-an thì được một ít gia nhân và một đàn chiên, và bò chừng vài trăm con.
Trong khi Ê-sau lúc bấy giờ thì hình như đã trở thành một đại gia tộc hùng mạnh. Bằng chứng là khi ông đến đón Gia-cốp thì mang theo bên mình 400 người cưỡi ngựa (Sáng-thế Ký 33:1.)
Ví dụ: Năm rồi, khi về Việt nam tôi có dịp gặp lại thằng bạn “nối khố,” trước đây tôi nó cũng khổ như tôi, và tôi cũng đã làm chứng cho nó và gia đình nó tin Chúa, nhưng bây giờ thì nó không còn tin Chúa nữa. Nó lấy xe hơi riêng đưa tôi đi thăm các bạn cũ. Đến căn nhà của nó tại Saigon thì thấy mình không bằng một phần của nó. Nếu nói về vật chất thì tôi thấy mình không bằng, nhưng tôi vẫn tin rằng mình là người được phước!
Ứng dụng: Về mặt vật chất thì rõ ràng là Ê-sau giàu hơn Gia-cốp, nhưng Gia-cốp thì là người được Chúa ban phước. Cho nên, được phước ở đây không có nghĩa là đánh giá bằng giá trị vật chất.
Như vậy, ý nghĩa được phước thật sự là gì?
Trên đường chạy trốn bơ vơ lo lắng, Chúa đã hiện ra với Gia-cốp trong chiêm bao tại Bê-tên và hứa ban phước cho ông và dòng dõi ông sẽ như cát trên bãi biển vậy (Sáng-thế Ký 28:14.)
Khi Gia-cốp quyết định trở về Ca-an-an, thì cha vợ là La-ban đem gia đinh đuổi theo bắt lại, Chúa đã hiện ra và cấm La-ban không được đụng đến Gia-cốp (Sáng-thế Ký 31:24.)
Trên đường về, Gia-cốp hay tin Sau-lơ đến tìm mình trả thù thì lo sợ, nhưng Chúa đã hiện ra cùng Gia-cốp tại rạch Gia-bốc ban phước và đổi tên mới cho ông (Sáng-thế Ký 32:28.)
Ứng dụng: Tuy Gia-cốp không được giàu có về vật chất như Ê-sau, còn phải chịu nhiều thử thách, gian truân. Nhưng Gia-cốp có những thứ mà Ê-sau không thể có, đó là được Chúa can thiệp vào cuộc đời và dẫn dắt ông trong mọi sự.
Cái phước mà chúng ta phải chiếm lấy không phải là vật chất, mà là sự kinh nghiệm rằng có sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta trong mọi khó khăn, thử thách, đau buồn, Ngài hiện ra an ủi, nâng đỡ, bảo vệ, bênh vực chúng ta.
Tên Gia-cốp trong nghĩa đen của nó là “heel holder” nghĩa là kẻ nắm gót chân. Mà một người được gợi là Kẻ năm gót chân có nghĩa là một người “gian manh.” Đó là lý do tại sao Ê-sau nói: “Có phải vì người ta gọi nó là Gia-cốp mà nó hai lần chiếm lấy vị tôi rồi chăng?” Ý của Ê-sau nói rằng: Vì tên của nó là thằng gian manh cho nên “năm lần bảy lược” tranh giành phước của ta.
Nhưng mà tại rạch Gia-bốc thì Chúa đã đổi tên cho Gia-cốp thành Israel. Chúng ta thấy chữ Israel, nghĩa là Isra-el (El ra từ Elohim-nghĩa là Đức Chúa Trời.) Cho nên, tên mới của Gia-cốp có nghĩa là “Được Đức Chúa Trời ưu-đãi.” Chúng ta thấy, vị thiên sứ tại rạch Gia-bốc nói rằng ông “vật lộn với con người và Đức Chúa Trời đều được thắng” (Sáng-thế Ký 32:28.) Ý nói rằng, Chúa ưu-đãi nên ban cho ông sự đắc thắng luôn luôn.
Ứng dụng: Chúng ta cũng vậy, từng là một con người gian-dối, tội lỗi, nhưng Chúa đã đổi tên của chúng ta từ “Gia-cốp” thành “Israel” Cái phước thật sự là được Chúa ở trong đời sống, và được Ngài biến đổi đời sống chúng ta.
Kết luận:
Đừng trù trừ, dụ dự để cho xác thịt phá hỏng chương trình của Chúa trên đời sống chúng ta. Phải biết rõ rằng chúng ta là người được lựa chọn, phải mạnh dạn chiếm hữu lấy nguồn phước từ Cha trước khi kẻ thù làm hỏng nó. Phải thắng hơn, nhanh hơn, khôn ngoan hơn, mạnh hơn con người “Ê-sau” trong chúng ta.
Món ăn mà Cha chúng ta là Chúa Jêsus Christ “sở thích” đó là làm cánh tay của Ngài, làm môi miệng của Ngài để nói về tình yêu cứu rỗi của Ngài cho nhiều người hư mất. Hãy bắt đầu chinh phục thế giới này bằng việc cứu lấy một linh hồn trong năm nay.
Phải kinh nghiệm càng hơn nguồn phước thật sự đó là được Chúa can thiệp, dẫn dắt trong năm mới này. Và được Ngài gọi bằng một tên mới, tức là đón nhận một con người mới trong năm nay.
Tuy Gia-cốp không giàu bằng Ê-sau, nhưng ông cũng có hàng trăm con chiên, bò lạc đà để tặng cho Ê-sau. Đối với người khác chúng ta không giàu có bằng, nhưng bảo đảm một điều là chúng ta luôn dư dật để ban phát cho người khác, vì đó là một phần trong nguồn phước mà Chúa ban.
Amen!
Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng đã giảng cho Hội thánh Olympia vào Chúa nhật đầu năm 01/07/2024.
Comments