Tác giả: Tôn Cao Thiên
Mount Rainier là một ngọn núi cao nhất tiểu bang Washington. Ngọn núi này không phải là tài sản của riêng bang Washington, nhưng nó thuộc về khu bảo tồn quốc gia, Hoa Kỳ. Vì Mount Rainier có độ cao là 14,411 feet (4,400 mét), nên ngọn núi này quanh năm có tuyết phủ. Đây là một trong những lý do có nhiều du khách thích đến đây chơi tuyết vào giữa mùa hè nóng bức. Khi tuyết tan sẽ tạo thành những cái hồ nước trong xanh như những viên ngọc cẩm thạch nằm giữa lưng chừng núi ở độ cao đến vài ngàn mét. Chung quanh các bờ hồ thì được bao phủ bởi những rừng thông cao vút. Nơi đây, du khách thường bắt gặp rất nhiều đàn nai đến ăn cỏ và uống nước, và trên không thì rất nhiều những chú chim đại bàng bay lượn. Không dừng lại ở đó, khi tuyết tan chảy tạo thành những thác nước kỳ vĩ. Nước từ những cái thác ấy lại tạo ra những chiếc hồ nước khác ở phía dưới chân núi. Từ những cái hồ nước ấy tạo ra những con suối nhỏ chạy quanh những cánh rừng như những dấu vân tay trên bàn tay.
Một ngày kia, một trong hai cậu thanh niên Đại bàng đầu bạc nói với cụ Rùa nâu đang bơi lội tại một hồ nước dưới chân núi Rainier rằng: Cháu ước gì có thể đưa cụ lên núi, tại đó có một cái hồ đẹp hơn cái hồ này của cụ rất nhiều. Cụ Rùa nâu suy nghĩ một lúc rồi trả lời: Tất nhiên là có thể, nếu như lời của hai cậu nói là thật lòng! Tất nhiên rồi, cụ có cách nào không? Một cậu Đại bàng trả lời cụ Rùa nâu. Có gì khó đâu, hai cậu ngoạm thật chặt vào hai đầu của một nhánh cây, còn tôi thì ngoạm vào giữa nhánh cây đó, thế rồi hai cậu bay lên, như vậy là chúng ta có thể đến cái hồ trên núi đó rồi. Cụ Rùa nâu đưa ra ý kiến.
Thật là tuyệt vời, hai cậu Đại bàng đã đưa cụ Rùa nâu rời khỏi mặt nước và bay qua nhiều cánh rừng thông, các chú nai bên dưới đất nhìn lên khen ngợi hai cậu Đại bàng thật là thông minh. Cụ Rùa nâu bực mình lắm, vì đây chính thật là cao kiến của cụ Rùa nâu chứ không phải là của hai cậu Đại bàng trẻ tuổi kia. Bay được một đoạn nữa, lúc bay qua một cánh rừng khác thì những chú chim Quạ đen bay theo sau và hết lời ca ngợi sự thông minh của hai cậu Đại bàng. Lúc này thì cụ Rùa nâu không thể im lặng được nữa, và cụ đã mở miệng giải thích cho những chú chim Qua đen ngu ngốc kia biết rõ rằng, đó chính là cao kiến của mình. Thế là! Cụ Rủa nâu chưa nói hết câu thì đã phải rơi trở lại một chiếc hồ khác dưới chân núi.
Có những lúc, khi chúng ta còn khiêm nhường, cùng nhau góp ý, góp sức để làm việc mà không so đo thiệt hơn, và đó là những lúc chúng ta kết quả và được Chúa đại dụng. Những đến khi, chúng ta đạt được một vài thành tích nào đó thì chúng ta lại nghĩ đến “cái tôi” hơn là mục tiêu chung. Đó cũng chính là lúc mà chúng ta sẽ rơi một cách tự do, như cụ rùa kia đã kinh nghiệm.
Chớ làm sự chi vì lòng tranh-cạnh hoặc vì hư-vinh, nhưng hãy khiêm-nhường, coi người khác như tôn-trọng hơn mình (Phi-líp 2:2)
Comments