top of page
  • Ảnh của tác giảAdmin

CÂY TRỤ TRONG ĐỀN ĐỨC CHÚA TRỜI

Đã cập nhật: 18 thg 2

Đề mục: "Cơ-đốc Nhân là Cây Trụ Trong Đền Đức Chúa Trời"

Kinh thánh: (II Sử Ký 3:1-17; I Các vua 7: 13-22)

 

Dẫn nhập:

 

Như tôi đã thường nói: Tất cả những gì được ghi chép trong Kinh thánh đều có ẩn chứa những bài học thuộc linh cho chúng ta. Từ những gia phổ dài ngoằng, tên các nhân vật khó phát âm, những địa danh nghe xa lạ, những trận ác chiến trái ngược với sự yêu thương, nhưng luật lệ kỳ dị, các phong tục khác lạ, cho đến những cấu trúc của con tàu, đền đài..v.v. 

 

Sáng hôm nay, tôi muốn chia sẻ với Hội thánh một bài học từ một phần nhỏ trong sự xây dựng đền thờ của vua Sa-lô-môn. 

 

Theo sử gia La-mã là Joshepus thì đền thờ Giê-ru-sa-lem của vua Sa-lô-môn xây dựng là vào năm 959 (trước Chúa giáng sinh.) Địa điểm là tại trên núi Mô-ri-a (II Sử ký 3:1.)

 

Theo sự mô tả trong (II Sử ký 3) thì tất cả nội thất bên trong nơi chí thánh đều được dát vàng ròng (với 36 ngàn Kg vàng rồng.) Tuy nhiên, phía trước cửa chính của nơi chí thánh có hai cây trụ rất cao thì được làm bằng đồng nguyên khối đúc thành. 

 

Chúng ta biết rằng, người Do-thái từ xưa đến giờ rất giỏi về nghề kim hoàn, nhưng để làm hai trụ bằng đồng này thì vua Sa-lô-môn phải triệu một người tên là Hi-ram quê ở Ty-rơ đến để đảm trách. Mẹ của ông Hi-ram là một người Do-thái, nhưng cha là một người ngoại. Có lẽ Hi-ram là một nghệ nhân nổi tiếng về lĩnh vực chế tác đồ đồng trong thời bấy giờ (I Sử ký 7:13-14.)

 

Hai cái trụ đồng này, mỗi trụ có ba phần: Thân trụ, đầu trụ, và trên chót của đầu trụ là một cái đài hình hoa huệ. Chiều cao tổng thể của mỗi trụ là 35 thước (theo bản dịch Tiếng việt 1925.) Khi tra cứu trong các bản Tiếng anh thì nói là 35 cubits tính theo đơn vị đo lường của người Do-thái xưa. Mỗi cubit = 1.5 feet, như vậy mỗi trụ có chiều dài là 52.5 feet (16 mét.)

 

Ngoài ra, hai cây trụ này còn có hai tên do chính Hi-ram đặt riêng cho mỗi cây là Gia-kin và Bô-ách (theo bản dịch Tiếng việt 1925.) Khi đối chiếu với nguyên ngữ Hebrew cũng nhưng Anh ngữ thì cây trụ có tên Bô-ách chính là Boaz (Bô-ô.)

 

Như vậy, hai cây trụ này có ý nghĩa gì? và có bài học gì cho chúng ta?

 

Thứ nhất, chúng ta dùng Kinh thánh để giải nghĩa Kinh thánh. Tại sao trên đầu hai cây trụ này lại có một cái đài hình hoa huệ? Tại sao không phải là một loại hoa nào khác? Vâng, vì khi đối chiếu với sách Nhã ca thì hoa huệ là tượng trưng cho dân Do-thái ngày xưa và là Hội thánh ngày này.

 

Chính vua Sa-lô-môn đã viết như sau: "Bạn tình ta ở giữa đám con gái; Như bông huệ ở giữa gai-góc." (Nhã ca 2:2)


Thứ hai: Khi đối chiếu với Tân ước, chúng ta sẽ thấy các trước giả của Tân ước đã hiểu và ứng dụng hai cây trụ này chính là Hội thánh của Đấng Christ ngày hôm nay. 

 

Sứ đồ Phao-lô nói rằng: "phòng ta có chậm đến, thì con biết làm thế nào trong nhà Đức Chúa Trời, tức là Hội-thánh của Đức Chúa Trời hằng sống, trụ và nền của lẽ thật vậy." (I Ti-mô-thê 3:15)

 

Trước đây, khi đọc đến câu Kinh thánh này, tôi không hiểu chữ "trụ" mà Sứ đồ Phao-lô nói là gì? Những giờ thì tôi hiểu rằng Đức Thánh Linh đã bày tỏ cho Phao-lô đã thấy hình ảnh hai cây trụ trước đền thờ ngày xưa để chống đỡ và tiếp nối từ nền đền thờ lên mái nhà của đền thờ chính là Hội thánh ngày nay.

 

Sứ đồ Giăng thì được Đức Thánh Linh cảm hóa và nói rằng: "Kẻ nào thắng, ta sẽ cho làm trụ trong đền Đức Chúa Trời ta, và người sẽ không ra khỏi đó nữa; ta lại sẽ lấy danh Đức Chúa Trời ta, danh của thành Đức Chúa Trời ta, là Giê-ru-sa-lem mới từ trên trời, bởi Đức Chúa Trời ta mà xuống, cùng danh mới ta, mà viết lên trên người." (Khải huyền 3:12)

 

Cũng vậy, trước đây khi đọc câu Kinh thánh trên, tôi cũng không hiểu cụm từ "trụ trong đền Đức Chúa Trời" là gì? Những giờ thì chúng ta biết rằng, Giăng đã liên tưởng hai tên gọi của hai cây trụ trong đền thờ là Gia-kin và Bô-ô để áp dụng cho Hội thánh là những ai có đời sống đắc thắng cũng sẽ được làm "cây trụ trong đền Đức Chúa Trời" và được Chúa viết tên mới của Ngài lên trên tên của người đó trên cây trụ giống như vậy. 

 

Nói tóm lại, qua sự đối chiếu của Kinh thánh từ Cựu ước đến Tân ước, chúng ta mạnh dạn mà ứng dụng rằng hai cây trụ trước nơi chí thánh trong đền thờ do vua Sa-lô-môn xây dụng chính là biểu tượng của Hội thánh (các Cơ-đốc nhân) ngày nay. Và, chúng ta có ba bài học quan trọng từ hai cây trụ này: Bản chất: Hai cây trụ bằng đồng không phải vàng. Vị Trí: Hai cây trụ đứng trước cửa ra vào nơi chí thánh để mọi người được thấy. Tầm thước: Chiều cao (16 mét) của hai cây trụ không phải là tầm nhìn của con người.

 

BẢN CHẤT: HAI CÂY TRỤ KHÔNG PHẢI BẰNG VÀNG MÀ LÀ BẰNG ĐỒNG

 

1.     Hãy nhận biết bản chất thật của chúng ta

 

Câu hỏi được đặt ra ở đây là, tại sao vua Sa-lô-môn làm mọi thứ vật dụng, nội thất, tường, trần nhà đều bằng vàng, nhưng tại sao hai câu trụ này lại bằng đồng? Có phải là vì chúng cao, to quá nên vua Sa-lô-môn không đủ vàng để làm hay không?

 

Câu trả lời là không phải như vậy. Bởi vì Kinh thánh nói rằng: "Vua làm cho bạc vàng trong Giê-ru-sa-lem ra thường như đá sỏi, và cây bá-hương nhiều như cây sung nơi đồng bằng.(II Sử ký 1:15)

 

Nếu vàng thời bấy giờ nhiều như đá sỏi thì tại sao vua Sa-lô-môn không làm hai cây trụ này bằng vàng cho nó sang trọng hơn? Vua Sa-lô-môn đã không làm như vậy phải chăng ông muốn nói với chúng ta rằng: Nơi Chí thánh là hình ảnh tượng trưng cho Chúa, chỉ có mình Ngài là tinh khiết như vàng rồng. Còn hai cây trụ bên ngoài cửa nơi Chí thánh là tượng trưng cho chúng ta, dầu chúng ta đã được đến gần nơi Chí thánh, được sự phản chiếu vinh hiển của Chúa, nhưng bản chất của chúng ta chỉ là đồng, chứ không thể là vàng rồng được.

 

Ví dụ: Giáo chủ của một tôn giáo lớn và cũng là một triết gia, Khổng tử nói "Nhân chi sơ tính bổn thiện." Chủ nghĩa cộng sản thì dạy con người là chủ thể của vũ trụ, con người có khả năng "cải tạo" thiên nhiên và làm chủ số phận của mình. Gần đây thì một số các mục sư theo phong trào Phúc Âm Thịnh Vượng dạy rằng, con người là hoàn thiện, tốt đẹp như Chúa vậy. 

 

Ví dụ: Trong vườn Ê-đen khi xưa, ma quỷ cũng đã dùng chính sự dối gạt này để dụ con người phạm tội. Con rắn nói với Ê-va rằng:


nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác. (Sáng thế Ký 3:5)


Ma quỷ qua khôn ngoan, nói kích thích sự tham vọng muốn mình bằng Đức Chúa Trời. Trải qua bao thời đại con người vẫn luôn trúng kế của ma quỷ. Trong khi Kinh thánh nói rằng, bản chất của con người là tội lỗi. Con người luôn cần ân điển của Cứu Chúa Giê-su Christ và tình thương của Đức Chúa Trời.

 

Ứng dụng: Dầu cho chúng ta là ai? tốt lành đến mức nào? Đang làm chức vụ gì? Thành công hay giàu có đến đâu? Thì chúng ta vẫn luôn ghi nhớ rằng, con chỉ là "đồng," còn Chúa mới là "vàng rồng." Con luôn cần có sự thương xót của Chúa, và mọi vinh hiển thánh khiết thuộc về Chúa. Đó là lý do tại sao, Giăng đã thấy một thiên sứ loan truyền rằng:

 

"Sự ngợi-khen, vinh-hiển, khôn-ngoan, chúc-tạ, tôn-quý, quyền-phép và sức-mạnh đều về Đức Chúa Trời chúng ta đời đời vô cùng! Amen." (Khải Huyền 7:12)

 

Đồng thời, chúng ta phải cảm tạ Chúa vì Ngài đã đặt để chúng ta là những người hư hoại gần bên Ngài là Đấng thánh khiết, cũng như hai cây trụ bằng đồng được đặt gần bên vàng rồng trong trong nơi Chí thánh vậy.

 

VỊ TRÍ: HAI CÂY TRỤ ĐỨNG TRƯỚC CỔNG VÀO NƠI CHÍ THÁNH

 

2.     Phải để thế gian nhìn thấy Chúa qua đời sống chúng ta

 

Thật ra trong đền thờ có rất nhiều cây trụ bên trong lẫn bên ngoài nơi Chí thánh, nhưng Kinh thánh đặc biệt ghi nhận và mô tả chi tiết về hai cây trụ này, nhất là vị trí của nó là một cây bên phải và một cây bên trái của cái cửa vào đền thờ nơi Chí thánh. Điều này có nghĩa là khi chúng ta nhìn vào cái cửa để vào nơi Chí thánh thì chúng ta sẽ thấy hai cây trụ này trước tiên.

 

Ví dụ: Tôi có xem một video quay cảnh "tranh chiến" trong khuôn viên một nhà thờ Tin lành. Xem các bài viết thì mới biết là ông giáo hội trưởng cho người đến chiếm lại cơ sở của Hội thánh đó, với lý do là vị mục sư quản nhiệm tại đó đã bị cách chức, và con dân Chúa của Hội thánh đó thì quyết chống trả để giữ cơ sở của Hội thánh mình. Tất nhiên, các bình luận của người ngoại họ nói phạm đến danh Chúa.

 

Ứng dụng: Ngày nay, người ta không thấy Chúa, nhưng chúng ta có trách nhiệm phải làm sao để con người nhìn thấy Chúa qua đời sống của chúng ta. 

 

Chúa Giê-su đã dạy chúng ta cách đối xử với người ngoại: Sự sáng các ngươi hãy soi trước mặt người ta như vậy, đặng họ thấy những việc lành của các ngươi, và ngợi-khen Cha các ngươi ở trên trời. (Ma-thi-ơ 5:16)

 

Còn đối cách đối xử giữa chúng ta với nhau thì: Nếu các ngươi yêu nhau, thì ấy là tại điều đó mà thiên-hạ sẽ nhận biết các ngươi là môn-đồ ta. (Giăng 13:35)

 

Ví dụ: Áp-ra-ham không tranh giành với Lót là thằng cháu do mình dìu dắt; Giô-sép tha thứ cho các anh của mình dầu họ đã nhẫn tâm muốn giết hại mình, Môi-se cầu nguyện cho anh là A-rôn, chị là Ma-ri-am sau khi họ kiện cáo mình.

 

Ứng dụng: Hai cây trụ kia đứng gần vàng rồng được phản chiếu ánh sáng từ vàng, chúng ta có Chúa phải phản chiếu sự sáng của Chúa. Hai cây trụ kia đứng trước cửa vào nơi Chí thánh, Chúa Giê-su là cái cửa, nhưng người ta sẽ không thấy cái cửa là Chúa Giê-su nếu như đời sống chúng ta lưu mờ. Phải có một đời sống tốt để mọi người thấy Chúa Giê-su qua đời sống chúng ta.

 

TẦM CỠ: CHIỀU CAO CỦA HAI CÂY TRỤ LÀ QUÁ TẦM NHÌN CỦA CON NGƯỜI

 

3.     Đời sống chúng ta là hướng về Chúa không phải con người

 

Chúng ta biết rằng, tầm nhìn của con người thì chừng 3 mét trở xuống, nhưng hai cây trụ này thì cao hơn 16 mét, nói khuất khỏi tầm nhìn của con người. Vậy mà Kinh thánh mô tả rất chi tiết là, trên đầu hai cây trụ có một đài hoa huệ rất tinh xảo. Như vậy, dầu là do Hi-ram hay so vua Sa-lô-môn chủ ý làm như vậy thì cũng không phải với chủ đích làm cho con người ngắm, mà là muốn tôn tặng sử tốt đẹp đó lên Đức Chúa Trời. 

 

Ứng dụng: Chiều cao của hai cây trụ quá tầm nhìn của con người là bài học về Đời sống của Cơ-đốc Nhân không phải chỉ "thắp" như những tiêu chuẩn của thế gian này. Lối sống, và suy nghĩ của chúng ta phải cao hơn người thế gian. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta sống "mơ mộng" viển vông hay lập dị. Nhưng chúng ta phải sống có mục đích, có lý tưởng, có khải tượng hướng về Chúa. 

 

Ví dụ: Áp-ra-ham có lẽ bị người nhà nghĩ rằng ông bị "ám ảnh" bởi cái gì đó, vì cả ngày cứ nghe tiếng nói bên tai, và cuối cùng bỏ xứ ra đi mà không biết đi đâu. Giô-sép thì bị cho là "thằng nằm mộng" vì cứ kể lại những giấc mơ kỳ lạ. Đa-ni-en và các bạn bị xem là "lập dị" vào cung vua được ăn thịt uống rượu thì lại đòi ăn rau...! Còn biết bao nhiêu là những tấm gương khác trong Kinh thánh cho chúng ta thấy về những lối sống "cao cả" hơn người đời thường.

 

Ứng dụng: Như đã nói ở trên, chủ đích của người tạo ra hai cây trụ này không phải là để con người xem, mà là để tôn tặng lên Chúa. Điều này cho chúng ta bài học về thái độ sống và phục vụ Chúa. Những gì chúng ta làm không phải để con người xem và khen ngợi, nhưng động cơ của chúng ta là dâng lên Chúa và chỉ có Chúa là Đấng thấy rõ lòng của chúng ta. Chúa Giê-su đã từng dạy rằng:

 

hầu cho sự bố-thí được kín-nhiệm; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi. (Ma-thi-ơ 6:4)

 

Song khi ngươi cầu-nguyện, hãy vào phòng riêng, đóng cửa lại, rồi cầu-nguyện Cha ngươi, ở nơi kín-nhiệm đó; và Cha ngươi, là Đấng thấy trong chỗ kín-nhiệm, sẽ thưởng cho ngươi. (Ma-thi-ơ 6:6)

 

Chúng ta hãy tự hỏi: Tôi làm mục sư, giáo sư, chấp hành, chấp sự là vì tôi yêu cái danh xưng đó hay vì tôi muốn làm công việc mà Chúa muốn tôi làm. Khi tôi cầu nguyện, kiêng ăn, dâng hiến, giúp đỡ người khác là vì muốn con người khen tôi là "thuộc linh" là là vì tôi làm theo những gì Chúa dạy.

 

Ứng dụng: Hãy có một tư duy (mind-sét) rằng, chúng ta sống và làm mọi việc để Chúa biết và một mình Ngài vinh hiển. Còn cá nhân chúng ta dầu được tiếng khen hay chê cũng không còn quan trọng nữa.

 

Kết luận:

 

Đời sống của chúng ta là "đồng" những chúng ta được ở gần bên Vàng-rồng. Đó là một đặc ân lớn lao mà Chúa đã ban cho chúng ta. Đừng để lòng kiêu ngạo mà phải biết rằng chúng ta luôn "vấp phạm nhiều cách lắm!" Chúng ta phải luôn hạ tấm lòng xuống nhờ cậy Chúa mọi lúc mọi nơi.

 

Đời sống chúng ta phải luôn thể hiện một là một "tấm-biển/sign" chỉ đường. Nếu trên trên tấm-biển đó chỉ sai thì người ta sẽ đi lạc. Hãy sống để mọi người khác thấy Chúa qua đời sống chúng ta. Quan trọng nhất là chính những người thân của chúng ta, những người ngồi chung hàng ghế với chúng ta mỗi tuần.

 

Khi tôi học y-khoa thì sách dạy rằng, tầng không gian từ một mét trở xuống thì nhiều vi khuẩn hơn là từ một mét trở lên, và nơi tối thì nhiều vi khuẩn hơn nơi sáng. Đừng để ma quỷ và thế gian khiến đời sống chúng ta chỉ ở một tầng số thấp là nơi mà vua chúa đời này rất đông. Hãy vươn cao hơn tầm nhìn bình thường của con người, hãy sống trong một không gian của thiên đàng. 

 

Với máy scan MRI bây giờ con người có thể thấy tất cả mọi thứ trong cơ thể chúng ta. Nhưng nó không thể thấy những gì diễn ra trong tâm trí và tấm lòng chúng ta. Nhưng chúng ta biết rằng, Đức Chúa Trời là "Đấng thấy trong lòng con người." Chúng ta phải sống cách nào mà Chúa hài lòng khi Ngài scan chúng ta. 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia. 

 

 

46 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comentários


bottom of page