top of page
Ảnh của tác giảAdmin

BA CẤP ĐỘ CỦA TRẬN CHIẾN THUỘC LINH

Đã cập nhật: 21 thg 1

Đề mục: BA CẤP ĐỘ CỦA TRẬN CHIẾN THUỘC LINH

Kinh thánh: (DÂN SỐ KÝ 22:41, 23:14-15, 27-28)

 

Dẫn nhập:                 

 

Chúng ta thấy đó, nước Mỹ hiện tại đang bị kẻ thù tấn công trên nhiều phương diện. Nhưng theo tôi thì có ba phương diện sẽ đưa nước Mỹ đến hồi kết thúc sự hùng cường là, sự chia rẽ về ý-thức hệ-giữa cánh tả và cánh hữu, sự suy đồi về đạo đức, và sự đánh mất lòng tin vào Chúa Giê-su của người Mỹ. 

 

Nếu Chúa không thương xót thì nước Mỹ sẽ sớm đi vào quá khứ như những đế chế trước đây: Ai-cập, Ba-bi-lôn, Ba-tư, Hy-lạp, La-mã. Tất nhiên, một khi nước Mỹ mất đi vai trò “Police” của thế giới, thì cả thế giới sẽ náo loạn. Phải chăng, đó là viễn cảnh của những ngày cuối rốt mà Kinh thánh đã cho chúng ta biết trước.

 

Trên một phương diện khác, Hội thánh của Chúa có bị tấn công hay không? Có lẽ chúng ta đều biết câu trả lời: Hội thánh luôn luôn ở trong một cuộc chiến tâm linh. Vấn đề quan trọng là chúng ta phải học biết những chiến lược và các mặt trận mà chúng ta đang phải đối diện với kẻ thù là gì.

 

Khi đọc qua hai phân đoạn Kinh thánh trong Dân-số Ký 22 & 23 có một điều đặc biệt khiến tôi phải suy nghĩ rất nhiều, và cầu nguyện xin Đức Thánh Linh chỉ cho tôi biết được bài học từ đó. 

 

Chúng ta đã biết nhân vật Tiên tri Ba-la-am đã vì tham lợi-danh mà nhận lời của Ba-lác là vua dân Mô-áp để rủa-sả dân Y-sơ-ra-ên. Trên đường đi Chúa đã dùng con lừa nói được tiếng người để ngăn cản ông ta, nhưng lòng của ông ta vẫn muốn đi. Cuối cùng, Chúa phải để cho ông ta đi nhưng Ngài đã can thiệp bằng cách đặt lời chúc phước vào miệng của ông ta thay vì lời rủa-sả.

 

Tuy nhiên, sáng hôm nay chúng ta không nói nhiều về nhân vật Ba-la-am, mà nói về một hành động mà tôi cho là “khác thường” của Ba-lác, vua Mô-áp. 

 

Tôi từng nhiều lần nói rằng, tất cả mọi vấn đề mà Kinh thánh ghi lại đều có một bài học nào đó cho chúng ta, nhất là khi một sự kiện hay một lời phán dạy nào đó được lập lại nhiều lần. Sáng hôm nay tôi muốn nói đến việc Ba-lác đã kiên nhẫn ba lần thay đổi địa điểm để yêu cầu Ba-la-am rủa-sả dân Y-sơ-ra-ên. 

 

Chúng ta biết dân Mô-áp là hậu tự của Lót cùng hai đứa con gái của ông. Lót rời bỏ Áp-ra-ham trong khi đang ở Ca-na-an để đi đến Sô-đôm vì sự phồn hoa-vật chất. Kết quả là Lót được cứu ra khỏi sự hủy diệt, nhưng mầm mống tội lỗi của Sô-đôm đã được hai đứa con gái mang theo. Hậu quả là những đứa con do loạn luân đã sinh ra để trở thành dân Mô-áp. Cho nên, tôi ứng dụng: Ba-lác, vua của dân Mô-áp ở đây chính là đại diện cho satan, còn dân Y-sơ-ra-ên là đại diện cho Hội thánh của Chúa ngày nay.

 

Ba-lác đã đưa Ba-la-am đến ba địa điểm là: Ba-mốt-Ba-anh, Phich-ga, và Phê-ô. Tại ba địa điểm này tôi đã nhận được ba bài học quan trọng mà satan đang dùng để tấn công chúng ta. Tôi gọi đó là ba cấp độ của trận chiến tâm tinh. Bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ba cấp độ đó là gì?

 

Kinh thánh cho chúng ta biết, Chúa tạo dựng nên con người chúng ta (đền thờ của ngài) có yếu tố là, Thân, Hồn, và Linh, cũng giống như đền thờ tạm của Chúa có: Sân ngoài, Nơi thánh, và Nơi chí thánh.

 

Nguyền xin chính Đức Chúa Trời bình-an khiến anh em nên thánh trọn-vẹn, và nguyền xin tâm-thầnlinh-hồn, và thân-thể của anh em đều được giữ vẹn, không chỗ trách được, khi Đức Chúa Jêsus-Christ chúng ta đến! (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:23)

 

Dàn bài:

 

·      Ba-mốt-Ba-anh (cấp độ một-mặt trận thân thể)

·      Phich-ga (cấp độ hai-mặt trận tâm-thần)

·      Phê-ô (cấp độ ba-mặt trận linh-hồn)

 

Kết hợp giữa ý nghĩa của các tên gọi và đặc điểm địa lý của ba địa danh mà Ba-lác đã yêu Ba-la-am rủa-sả dân Y-sơ-ra-ên để chúng ta tìm hiểu ba vấn đề đã nêu ở trên.

 

1.     Đồi Ba-mốt-Ba-anh (cấp độ một-mặt trận thể xác)

 

Sau khi vượt qua sự ngăn cản của Chúa, Ba-la-am đã đến được với vua Mô-áp. Ba-lác đã vui mừng chào đón và đưa Ba-la-am đến một địa điểm để cho Ba-la-am thực hiện việc rủa-sả dân Y-sơ-ra-ên, đó là đồi Ba-mốt-Ba-anh.

 

Khi đến sáng mai, Ba-lác đem Ba-la-am lên Ba-mốt-Ba-anh, là nơi người thấy đầu cùng trại-quân Y-sơ-ra-ên. (22:41)

 

Từ Ba-mốt-Ba-anh là một từ ghép giữa hai từ “Ba-mốt” (một nơi cao) và Ba-anh (tên một vị thần của người Ca-na-an.  

 

Theo sự mô tả trong câu 41 ở trên thì ngọn đồi này không cao lắm, vì tại trên đỉnh ngọn đồi này Ba-la-am chỉ thấy được phần cuối cùng của doanh trại thuộc dân Y-sơ-ra-ên mà thôi. Chúng ta biết là dân Y-sơ-ra-ên khi ra khỏi Ai-cập là hơn một triệu người. Vì thế họ cấp trại đầy khắp cả một khu vực rộng lớn trong sa-mạc. Cho nên, từ đỉnh của ngọn đồi này chỉ đủ cho Ba-la-am thấy được một phần trại quân gần với ngọn đồi mà thôi.

 

Từ Ba-anh là tên của một nam thần (thần sinh sản hay nói đúng hơn là thần tình dục) mà người Ca-na-an đã thờ phượng trên ngọn đồi này. Từ đó nó đã trở thành tên gọi cho cho ngọn đồi này là Ba-mốt-Ba-anh. 

 

Ứng dụng: Ba-mốt-Ba-anh là một ngọn đồi thấp, tượng trưng cho cuộc chiến ở cấp độ thấp. Còn Ba-anh là một nam thần về tình dục, tượng trưng cho phần thể xác của chúng ta. Nói cách khác, cấp độ thấp nhất mà satan tấn công chúng ta đó là những vấn đề liên hệ đến thân xác này như: Ăn gì? Mặc gì? Ở đâu? Tiền ở đâu ra? Bệnh tật thì sao? cũng như những thú vui nhục dục khác. 

 

Ví dụ: Khi satan tấn công Chúa Giê-su thì nó cũng tấn công trước tiên và phương diện thể xác là “bao tử” của Ngài.

 

Quỷ cám-dỗ đến gần Ngài, mà nói rằng: Nếu ngươi phải là Con Đức Chúa Trời, thì hãy khiến đá nầy trở nên bánh đi. (Ma-thi-ơ 4:3)

 

Ứng dụng: Nếu ai trong chúng ta đang bị satan tấn công những vấn đề liên hệ đến thể xác như đã nói ở trên, kể cả sự bắt bớ, giam cầm về thể xác, thì đó cũng chỉ là mặt trận ở cấp độ một mà thôi. Một Cơ-đốc nhân trưởng thành thì thường là rất dễ dàng vượt qua mặt trận này. Nhưng nếu không có lời Chúa và cẩn trọng thì cũng sẽ rất dễ thất bại trong mặt trận này. 

 

Bây giờ chúng ta hãy xem cấp độ thứ hai!

 

2.     Núi Phich-ga (cấp độ hai-mặt trận tâm-hồn)

 

Ba-lác bèn nói: Vậy, hãy đến cùng ta trong một chỗ khác, là nơi ngươi sẽ thấy dân này, vì ngươi chỉ đã thấy ở đầu-cùng nó, chớ không thấy hết; ở đó hãy rủa-sả nó cho ta. Vậy, người dẫn Ba-la-am đến đồng Xô-phim, trên chót núi Phích-ga, lập bảy cái bàn-thờ, và trên mỗi cái dâng một con bò đực và một con chiên đực. (23:13,14)

 

Tôi rất ngạc nhiên về thái độ và hành động của Ba-lác; nếu là tôi thì tôi sẽ giết chết Ba-la-am hoặc là đuổi ông ta về ngay lập tức, bởi vì đã tốn công sức mời ông ta đến để rủa-sả “kẻ thù” thì ông ta lại chúc phước chọ họ. Nhưng Ba-lác không làm vậy, ông ta rất kiên nhẫn với Ba-la-am. Lần đầu không thành, Ba-lác lập tức dẫn Ba-la-am đến một nơi khác để thực hiện việc rửa-sả, nơi đó được gọi là núi Phích-ga.

 

Ví dụ: Những người lớn tuổi thì đều biết Tết Mậu Thân năm 1968. Hai miền Nam và Bắc cam kết đình chiến trong ba ngày Tết để hai bên nghỉ ngơi vui Xuân. Phía miền Nam thì “nghỉ ngơi” nhưng phía miền Bắc thì lợi dụng cơ hội tấn công.

 

Ứng dụng: Satan không bao giờ “nghỉ ngơi” như chúng ta đâu, nói rất kiên trì trong sự tấn công chúng ta. Chúng ta thì “đình chiến” nhưng ma quỷ thì vẫn luôn âm thầm tấn công chúng ta không ngừng nghỉ. Kinh thánh nói nó tấn công chúng ta cả ngày và đêm, có thể nói là 7/24.

 

vì kẻ kiện-cáo anh em chúng ta, kẻ ngày đêm kiện-cáo chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi. (Khải Huyền 12:10b)

 

Ba-lác nói với Ba-la-am như thế này: “Vậy, hãy đến cùng ta trong một chỗ khác, là nơi ngươi sẽ thấy dân này, vì ngươi chỉ đã thấy ở đầu-cùng nó, chớ không thấy hết.” Như vậy chúng ta hiểu rằng, Ba-la-am được đưa đến một nơi được gọi là núi Phich-ga cao hơn đồi Ba-mốt-Ba-anh trước đó.

 

Ứng dụng: Khi satan tấn công chúng ta ở cấp độ một là mặt thể xác không thành công thì nó sẽ tấn công chúng ta ở một phần khác quan trọng hơn, đó chính là phần tâm hồn chúng ta. Tâm hồn là trung tâm của tâm tư tình cảm con người, vì thế nó là nơi dễ bị tổn thương và ma quỷ biết rất rõ điều đó.

 

Ví dụ: Chúng ta bị một vết thương về thể xác theo thời gian nó sẽ lành, nhưng có những người mang vết thương trong tâm hồn và suốt đời không thể lành được. 

 

Ứng dụng: Đôi khi ma quỷ có thể dùng một hành động hay một lời nói của ai đó để làm tổn thương chúng ta. Hãy biết rằng đó là cách mà satan dùng để tấn công vào lãnh địa tâm hồn của chúng ta. Và bằng cách đó ma quỷ đã hạ gục rất nhiều người trong đức tin.

 

Ví dụ: Trước khi linh hồn của Chúa Giê-su phải gánh lấy tội lỗi của nhân loại thì Ngài cũng đã phải trải qua mặt trận thứ hai này, là khi những người mà Ngài phục vụ quay lại đòi đóng đinh Ngài, môn đồ Ngài kẻ thì phản bội, kẻ thì chối bỏ, kẻ thì bỏ chạy…!

 

Ứng dụng: Hãy cẩn thận đừng trở thành nạn nhân của satan trong mặt trận này, và cũng đừng để satan sử dụng chúng ta làm công cụ tấn công người khác.

 

Bây giờ chúng ta nói đến cấp độ cao nhất!

 

3.     Núi Phê-ô (cấp độ ba-mặt trận tâm-linh)

 

Ba-lác lại nói cùng Ba-la-am rằng: Vậy, hãy lại, ta dẫn ngươi đến một chỗ khác; có lẽ Đức Chúa Trời sẽ ưng cho ngươi rủa-sả dân nầy tại đó chăng. Ba-lác bèn dẫn Ba-la-am đến chót núi Phê-ô, đối ngang đồng vắng. (23:27-28)

 

Sau lần thứ hai cũng không thành công, Ba-la-am lại tiếp tục chúc phước cho dân Y-sơ-ra-ên thay vì rủa-sả; Ba-lác không bỏ cuộc, nhưng dẫn Ba-la-am đến một ngọn núi cao hơn, đó là núi Phê-ô.

 

Bản truyền thống tiếng Việt thì nói “chót núi Phê-ô, đối ngang đồng vắng”, nhưng thật ra trong tiếng Anh thì nói là “which overlooks the desert.” Nghĩa là tại đỉnh núi Phê-ô này, Ba-la-am không chỉ nhìn được toàn bộ trại quân của dân Y-sơ-ra-ên như tại Phích-ga mà thôi, nhưng với độ cao của nó thì Ba-la-am có thể thấy toàn cảnh vùng sa-mạc tại đó. Nói cách khác, so với hai địa điểm trước đó thì núi Phê-ô là một nơi cao nhất.

 

Ứng dụng: Như tôi đã giải thích, chắc chắn là một sự ngẫu nhiên khi ba địa điểm mà Ba-lác dẫn Ba-la-am đến lại có độ cao từ thấp đến cao. Nhưng ngược lại trong ý nghĩa thuộc linh thì nó lại không “ngẫu nhiên” mà có một bài học cho chúng ta về cuộc chiến tâm linh.

 

Một lần nữa, chúng ta lại thấy núi Phê-ô chính là một ngọn núi được mang tên thần Phê-ô, là một ác thần. Dân Ca-na-an đã thờ phượng bằng việc hiến tế các con trẻ để dâng linh hồn của các trẻ thơ vô tội đó cho vị thần này của họ.

 

Ứng dụng: Bài học ở đây rất rõ ràng: Độ cao cùng với tên “Phê-ô” của ngọn núi này là tượng trưng cho cấp độ cao nhất cao nhất mà satan sẽ đánh vào phần cao nhất trong chúng ta đó chính là phần tâm-linh, là nơi cư trú của đức tin vào Chúa và lời của Ngài.

 

Ví dụ: Tôi có khuyên một người đồng lao thân cận là nên công khai rời khỏi giáo hội đó đi, vì họ đã bỏ qua lời Chúa để công khai công nhận hôn nhân và phong chức cho người LGBT. Vì ở lại thì lợi chưa thấy mà hại thì chắc phải đến! Tuy nhiên, điều cần nói thì tôi đã nói, còn việc đáp ứng hay không tôi không biết được.

 

Ứng dụng: Chúng ta đừng tưởng rằng satan không thể đánh vào “thánh địa” là phần tâm-linh chúng ta. Ngày nay nó đã thành công, nếu không muốn nói là nó rất thành công trong việc thuyết phục nhiều mục sư, tín hữu, giới trẻ… nghi ngờ lời Đức Chúa Trời. Satan đã biến nhiều giáo hội, Hội thánh mà trong đó Cơ-đốc nhân chỉ là “hữu danh vô thực mà thôi.”

 

Kết luận:

 

Không phải là satan sẽ luôn luôn tấn công chúng ta theo cách từ thấp đến cao như đã phân tích, nhưng bất cứ chúng ta yếu chỗ nào thì nó sẽ tấn công chúng ta tại đó, có khi nó tấn công chúng ta cả ba mặt trận cùng lúc, như trường hợp của Gióp là một ví dụ điển hình.

 

Học biết được điều này, thứ nhất sẽ giúp chúng ta biết xem nhẹ về thể xác. Hay nói đúng hơn là đóng đinh phần thể xác của chúng ta, hoăc nói cách khác là “dâng nó làm của lễ sống” thì satan sẽ không thể tấn công chúng ta, vì nó biết có tấn công cũng chỉ là vô ích. 

 

Thứ hai, phương diện tâm hồn, hay “cái tôi” của chúng ta cũng phải được thay thế bằng tình yêu của Chúa Giê-su. Hãy để tình yêu của Ngài chi phối mọi tâm tư tình cảm của chúng ta thì satan cũng sẽ rút lui có trật tự. Vì một khi có tình yêu của Chúa điều phối thì tâm-hồn chúng ta rất khó bị tổn thương.

 

Thư ba, sâu thẳm bên trong con người chúng ta là phần “Linh,” nơi mà chúng ta giao tiếp, cảm nhận được sự hiện diện của Chúa qua đức tin. Tôi gọi đó là nơi “chính thánh.” Nơi đó phải luôn được “thắp sáng” bằng lời Chúa, và luôn được canh giữ bằng “gươm của Thánh Linh” thì satan cũng sẽ không thể đến gần. 

 

Một điều sau cùng mà chúng ta cần biết, qua lời của Kinh thánh chúng ta nhận biết rằng, tại các “nơi cao” đó Chúa Giê-su liên tục bảo vệ và chiến đấu thay cho chúng ta. 

 

Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Ngọc Hùng cho Hội thánh Olympia vào Chúa nhật 14/01/2024.

 

 

53 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page