top of page
Ảnh của tác giảAdmin

BỐN BÀI HỌC QUAN TRỌNG TỪ CÁC SINH VẬT NHỎ BÉ

Đã cập nhật: 8 thg 1

Đề tài: BỐN BÀI HỌC HỮU ÍCH TỪ CÁC SINH VẬT NHỎ BÉ

 

Có bốn vật nhỏ-mọn trên trái đất, Sống vốn rất khôn-ngoan: Con kiến dầu là loại yếu-hèn, Lo sắm-sẵn vật-thực mình trong mùa hạ; Con thỏ rừng dầu là loại không sức-lực, Đóng cơ-sở mình trong hòn đá; Loài cào-cào dầu không có vua-chúa, Bay ra có từng đám; Con thằn-lằn mà người ta lấy tay bắt được, Vẫn ở trong đền vua. (Châm ngôn 30:24-28)

 

Dẫn nhập: Sách Châm ngôn được biết đến như là một sách tổng hợp những lời khôn ngoan mà Đức Chúa Trời đã ban cho vua Sa-lô-môn. Tuy nhiên, trong đoạn 30 này thì nói rằng, đó là những lời của A-gu-rơ. Thế nhưng, tên A-gu-rơ chưa bao giờ được nói đến trong Kinh thánh ngoại trừ trong lời tựa của Châm ngôn đoạn 30 này. Trong nguyên văn tiếng Hê-bơ-rơ thì chữ A-gu-rơ có nghĩa là “tập trung lại” trong tiếng Anh là “gatther together.” Vì thế, nhiều người tin rằng, tên A-gu-rơ ở đây không phải là tên của một nhân vật nào, mà chính là một cách chơi chữ để nói về một bộ sưu tập các sự khôn ngoan đặc biệt mà vua Sa-lô-môn đã viết.

 

Chúng ta trở lại với Châm ngôn 30:24-28, phân đoạn Kinh thánh này có nói đến bốn loài vật được cho là nhỏ-mọn nhưng lại có đặc điểm là rất khôn ngoan. Bốn loài sinh vật đó là: Con Kiến, con thỏ rừng, con cào-cào, và con thằn-lằn.

 

Chủ đề “nhỏ mà mạnh hoặc khôn ngoan” không phải là chủ đề hiếm thấy trong Kinh thánh, ngược lại nó là một chủ đề rất quen thuộc. Ví dụ: Tuyển dân của Chúa là nhỏ bé nhưng lại là một dân tộc khôn ngoan. Vua Đa-vít là nhỏ bé nhưng lại mạnh hơn tên khổng lồ Gô-li-ác. Chúa Giê-su dạy ẩn dụ về hạt cải nhỏ bé nhưng trở thành một thân cây to lớn (hình ảnh Hội thánh.) Đặc biệt, sự chết của Chúa Giê-su trên thập giáo là sự yếu-hèn, nhưng Ngài đã sống lại là sức mạnh và quyền phép của Đức Chúa Trời (II Cô-rinh-tô 13:4a.)

 

Ứng dụng: Đây chính là sự khác biệt giữa chân lý của Kinh thánh quan niệm thế gian; nó hoàn toàn ngược lại với suy nghĩ và quan niệm thông thường của người đời. Người đời luôn đánh giá sự việc và con người qua hình thức bề ngoài. Họ cho rằng: To lớn là sức mạnh, học thức là khôn ngoan, xa-hoa, hào nhoáng là giàu có.., là một Cơ-đốc nhân, chúng ta phải học biết chân lý này, đừng xem thường những gì mà người khác cho là tầm thường. 

 

Chúng ta cần giải thích thêm rằng, khi Kinh thánh nói các loài vật này có sự khôn ngoan, thì không phải chúng có sự thông minh (intelligent) như con người, mà chúng có sự không ngoan theo bản năng (instinct) hay còn gọi là thiên phú. 

 

Ứng dụng: Con người vốn có sự khôn ngoan bẩm sinh vì chúng ta được mặc lấy “hình ảnh” của Đức Chúa Trời. Vậy tại sao con người trở nên ngu dại làm những việc tội ác và bị ma quỷ dẫn dụ đi thờ lại thần tượng hư không? Bởi vì con người đã bị nhiễm tội lỗi và bị bán cho ma quỷ nên bị ma quỷ làm cho mù lòa (II Cô-rinh-tô 4:4). Cho nên, ngay cả những gì mà “Họ tự xưng mình là khôn-ngoan, mà trở nên điên-dại;” (Rô-ma 1:22) Ngược lại với người thế gian, khi chúng ta được sinh lại (tái-sinh) thì Đức Thánh Linh sẽ ở trong chúng ta và chúng ta có lại sự khôn ngoan bẩm sinh (hình ảnh của Chúa) trong chúng ta, để giúp chúng ta biết xa lánh tội lỗi và thờ phượng Đấng Chân Thần. 

 

Bây giờ chúng ta phải trở lại để tìm hiểu các bài học từ bốn con sinh vật nhỏ-mọn mà khôn ngoan trong phần Kinh thánh này. Tôi lo sợ rằng, chúng ta không có đủ thời gian để đào sâu các chân lý trong mỗi bài học của phần Kinh thánh này. Tuy nhiên, chúng ta sẽ tìm hiểu về bốn bài học từ các sinh vật này là: Sự chuẩn bị tâm linh; Ở trong Vầng đá của mọi thời đại; Sự hiệp nhất là sức mạnh; Ở Trong đền của Vua.

 

1.     Sự Chuẩn Bị Tâm Linh

 

“Con kiến dầu là loại yếu-hèn, Lo sắm-sẵn vật-thực mình trong mùa hạ;”

 

Là người Việt nam, chúng ta không xa lạ gì với loài kiến. Nói đúng hơn là đất nước chúng ta rất nhiều kiến vì là khí hậu nhiệt đới. Tôi có những thông tin khá thú vị về loài kiến như: Có chừng 15 ngàn loại kiến khác nhau trên thế giới. Kiến sống nhờ không khí những chúng lại không có phổi. Kiến có sức mạnh phi thường vì có thể khiêng một vật thể nặng gấp nhiều lần trọng lượng của chúng. Tuổi thọ của kiến chỉ kéo dài từ 30-90 ngày mà thôi. Kể ra thì rất nhiều điều khác nữa, nhưng đó chỉ là một vài điều điển hình.

 

Ngoài những điều mà con người có thể biết về loài kiến như trên thì loài kiến có một một đặc điểm quan trọng mà chúng ta cần phải học tập là tinh thần biết chuẩn bị. 

 

Khi còn nhỏ, lúc còn ở Việt nam, tôi rất thích quan sát loài kiến. Tôi từ rất sớm đã biết loài kiến rất khôn ngoan và rất đặc biệt. Bởi vì, khi làm rớt những hạt cơm trên sàn nhà, một lúc sau là xuất hiện một vài con kiến, nhưng không hiểu chúng thông tin với nhau như thế nào mà không lâu sau đó thì chúng kéo đến rất nhiều và đi thành từng hàng như những người lính duyệt binh. 

 

Điều đáng nói là, thông thường các loài vật khác khi tìm được thức ăn thì lập tức ăn hoặc cất giấu cho riêng mình vì sợ đồng loại tranh mất. Những khi một con kiến thấy được một hạt cơm hay thức ăn gì đó thì lập tức vác lên rồi chạy về lại nơi xuất phát. Như vậy rõ ràng là loại kiến biết làm việc vì cộng đồng của chúng chứ không phải chỉ lo cho riêng mình.

 

Ứng dụng: Là Cơ-đốc nhân, chúng ta luôn nói rằng mình là một phần trong Thân thể của Chúa (Hội thánh,) nhưng chúng ta có hành động vì cộng đồng không? Hay suy nghĩ về bài học này. Xin Chúa cho chúng ta dù là làm việc gì thì hãy nghĩ đến ích lợi cho Hội thánh trước, và vì vinh hiển danh Chúa trước, chứ đừng vì cái tôi hay vì những ích lợi riêng tư. Kinh thánh dạy rằng: “Chớ ai tìm lợi riêng cho mình, nhưng ai nấy hãy tìm cho kẻ khác (I Cô-rinh-tô 10:24)

 

Có lần tôi còn quan sát thấy một điều thú vị khác nữa, là khi con kiến tìm thấy một mảnh xương cá khá to không thể khiêng một mình, thì lập tức có bốn năm con kiến khác chạy đến cùng nhau khiêng miếng xương cá và cùng đi về một hướng là nơi có tổ của chúng. Tôi tự nghĩ, nếu mỗi con kiến đi mỗi hướng thì chuyện gì sẽ xảy ra? Nhưng không hề có chuyện đó xảy ra với loài kiến.

 

Ứng dụng: Tại sao nhiều Hội thánh không thể phát triển, mất phước, và chia rẽ? Bởi vì, chúng ta không có được sự khôn ngoan như loài kiến; đó là khi chúng ta cùng vác trên vai chung một công việc, một khải tượng, nhưng chúng ta mỗi người lại đi một hướng khác nhau. Xin Chúa giúp chúng ta học về sự đoàn kết này từ loài kiến. Chúng ta phải cùng nhau đạt được kết quả, hoàn tất một công việc, một kế hoạch, để dâng lên Chúa là điều quan trọng hơn việc suy nghĩ: Tại sao tôi không phải là người lãnh đạo? Vị trí của tôi có ai biết không? Tại sao anh lại đứng trước tôi? 

 

Ngoài bài học về sự phục vụ vì cộng đồng và sự hiệp nhất làm việc như đã phân tích thì loài kiến còn có một sự không ngoan đặc trưng khác mà Kinh thánh đã nói là chúng biết “dự bị lương thực trong mùa hạ.” Điều này có nghĩa là loài kiến biết trước những thời gian khó khăn sẽ xảy ra nên sử dụng cơ hội thuận tiện hiện tại để chuẩn bị cho thời gian khó khăn sẽ xảy ra đó.

 

Chúng ta biết rằng, mùa hạ thì thời tiết khô ráo, nắng ấm rất dễ để loài kiến truy tìm thức ăn. Khi mùa hạ qua đi thì mùa thu đến sẽ có nhiều mưa, và sau mùa thu là mùa đông thì sẽ có nhiều tuyết. Cho nên loài kiến đã biết tranh thủ thời kỳ thuận tiện trong mùa hạ để thâu trữ lương thực cho cộng đồng của chúng. 

 

Ví dụ: Trước vụ 9/11 mỗi khi ra sân bay đón người thân là một sự vui thích của tôi. Bởi vì, lúc đó mọi người có thể vào ngay bên trong đón người thân bước ra từ máy bay. Cảnh đó sẽ không bao giờ trở lại. 

 

Ứng dụng: Là Con-cái Chúa, chúng ta phải  nhận biết được những thời kỳ khó khăn sẽ xảy ra trong tương lai. Kinh thánh cũng có phán rằng: “Hãy biết rằng trong ngày sau-rốt, sẽ có những thời-kỳ khó-khăn” (II Ti-mô-thê 3:1.) Thế giới này sẽ không bao giờ trở nên tốt hơn mà sẽ trở nên xấu hơn mà thôi. Cho nên, chúng ta phải biết lợi dụng ngay ngày hôm nay là khi chúng ta còn có những cơ hội thuận tiện. Phao-lô đã khuyên Hội thánh Ê-phê-sô “Hãy lợi-dụng thì-giờ, vì những ngày là xấu” (Ê-phê-sô 5:16.) ‎Ý của Phao-lô nói rằng “nhưng ngày trong tương lai” sẽ xấu hơn nên phải biết tận dụng thì giờ ngày hôm nay. 

 

Ví dụ: Chúa Giê-su đã kể ẩn dụ về mười người nữ đồng trinh. Nhóm được gọi là năm người khôn, họ đã có tầm nhìn xa là thời gian chờ đợi chàng rể sẽ lâu hơn mong đợi. Vì thế, họ đã chuẩn bị một bình dầu dự phòng. Trong khi năm người còn lại thì đã không có tầm nhìn xa nên không chuẩn bị dầu dự phòng, kết quả là không được vào dự tiệc cưới cùng chàng rể (Ma-thi-ơ 25:1-13.)

 

Ứng dụng: Nếu chúng ta chưa chịu tiếp nhận Chúa Giê-su để được sự cứu rỗi, hãy làm điều đó ngay hôm nay. Bởi vì, quý vị có biết điều gì sẽ xảy ra cho mình ngay tối hôm nay không? Nếu chúng ta còn đang trì hoãn sự thờ phượng, không chăm lo đời sống tâm linh như cầu nguyện, đọc, học lời của Chúa vì lý do cơm-áo-gạo-tiền thì hãy ăn năn và thay đổi thời khóa biểu ngay hôm nay, vì chúng ta biết mình còn có cơ hội vào ngày mai hay không? Nếu chúng ta vẫn chưa vâng lời Chúa để dâng tài chánh và những điều tốt nhất mà Chúa cho mình quản lý thì hãy làm ngay hôm nay, vì biết ngày mai mình có cơ hội để làm hay không?

 

2.     Ở Trong Vầng Đá của Mọi Thời Đại

 

“Con thỏ rừng dầu là loại không sức-lực, Đóng cơ-sở mình trong hòn đá;”

 

Trong bản tiếng Việt (1925) thì có hai lần dùng từ con chuột đồng thay vì con thỏ rừng, nhưng trong nguyên văn hay trong các bản dịch tiếng anh thì đều dùng là hyrax (hyraxes) có nghĩa là thỏ rừng. Còn việc thỏ rừng thường trú ẩn trong hang đá thì Thi Thiên cũng có nói đến điều này (Thi Thiên 104:18.) Nhưng điều lý thú ở đây là con thỏ rừng trong Kinh thánh Cựu Ước, chúng là loài vật không tinh sạch (Lê-vi Ký 15:5.) Nhưng trong Châm ngôn mà chúng ta đang học thì lại khen ngợi chúng là loài khôn ngoan vì biết trú ẩn trong hang đá.

 

Kinh thánh nói Chúa Giê-su chính là Vầng đá góc nhà, là Vầng đá của mọi thời đại. Hãy nhờ-cậy Đức Giê-hô-va đời đời, vì Đức Giê-hô-va, chính Đức Giê-hô-va, là vầng đá của các thời-đại! (Ê-sai 26:4,) và“chính Đức Chúa Jêsus-Christ là đá góc nhà” (Ê-phê-sô 2:20b.)

 

Ứng dụng: Chúng ta cũng như loài thỏ rừng này là loài không tinh sạch, vì chúng ta là những người tội lỗi, ô uế. Những nếu chúng ta biết trú ẩn trong Vầng đá của mọi thời đại là Chúa Giê-su thì sẽ được xem là khôn ngoan. Vì ở trong Ngài chúng ta được tha tội và được bình an.

 

Kẻ thù nguy hiểm nhất đối với loài thỏ rừng là chim ưng, vì chúng ở trên cao còn thỏ rừng thì bên dưới đất. Những loài thỏ rừng được ban cho một thính giác rất đặc biệt, khi chúng phát hiện ra âm thanh lạ là lập tức chạy vào hang đá ẩn núp để được an toàn. 

 

Ứng dụng: Kẻ thù của chúng ta là các thế lực của chốn không trung (Ê-phê-sô 6:12.) Chúa Thánh Linh ban cho chúng ta sự nhạy bén để nhận biết sự cám dỗ và tấn công của kẻ thù. Khi đó, nếu chúng ta biết chạy đến núp trong Chúa Giê-su và bởi sự che chắn của Ngài thì chúng ta sẽ được bình an trước những đòn tấn công của ma quỷ.

 

3.     Sự Hiệp Nhất là Sức Mạnh

 

“Loài cào-cào dầu không có vua-chúa, Bay ra có từng đám;”

 

Cào-cào cũng không phải loài xa lạ với chúng ta. Kinh thánh nói rất nhiều lần nói về cào-cào. Ví dụ: trong mười tai vạ mà Chúa làm trong xứ Ê-díp-tô có nạn cào-cào (Xuất Ê-díp-tô Ký 10:4.) Tuy nhiên, cào-cào trong Kinh thánh thường là hình ảnh tiêu cực. Vì cào-cào được ví như là một tai họa cho mùa màng (Giô-ên 1:4.) Quân đội của kẻ thù cũng được ví như cào-cào (Giê-rê-mi 46:23.) Cào-cào cũng được xem như hình ảnh của sự rủa sả cho những tội lỗi của con dân Chúa (II Sử Ký 7:13.) Cào-cào cũng là dấu hiệu của sự hưng thịnh của ma quỷ và tội ác trong ngày sau rốt (A-mốt 7:1.)

 

Đấy là chúng ta nói về ý nghĩa hình bóng của cào-cào trong Kinh thánh. Nhưng nói về nghĩa đen (con cào-cào thật) thì chúng có một đặc điểm là bay ra thành đàng. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng ở Việt Nam cào cào bay từng con mà thôi. Vâng, nhưng ở đây là Kinh thánh đang nói trong vùng địa lý ở Trung-đông. Ngày nay tại xứ này cũng thường có những trận cào-cào hàng triệu con, và ngay cả Trung Quốc cũng vừa xảy ra cách đây không lâu (báo nhân dân 10/12/23.)

 

Người ta nói rằng, khi một trận lũ cào-cào đi qua người ta thấy cả những bộ xương của các loài chim. Có nghĩa là khi một con chim nào không bay ra khỏi “vùng phủ sóng” của cào-cào thì mỗi con cào-cào bay qua rỉa một chút, kết quả khi cào-cào đã đi qua những con chim hay con vật đó chỉ còn lại bộ xương. 

 

Ứng dụng: Tuy cào-cào là đại diện cho hình ảnh tiếu cực nhưng vẫn để lại cho chúng ta một bài học về sức mạnh của sự hiệp nhất. Chúng ta còn nhớ Chúa Giê-su từng nói: “hãy khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bồ-câu (Ma-thi-ơ 10:16.) Tất nhiên, rắn ở đây là ma quỷ, còn chim bồ câu là Đức Thánh Linh. Và khi nói về ma quỷ thì Chúa Giê-su nói chúng rất khôn ngoan và không bao giờ chia rẽ nhau cho nến đế chế của nó vẫn tồn tại, “Vậy, nếu quỉ Sa-tan tự chia-rẽ nhau, thì nước nó còn sao được” (Lu-ca 11:18.)

 

Ứng dụng: Tại sao nhiều Hội thánh đi xuống? Tại sao nhiều tổ chức Cơ-đốc phải đóng cửa? Là vì chúng ta không học bài học hiệp nhất. Chưa có thời điểm nào mà Hội thánh bị chia rẽ trầm trọng như ngày hôm nay. Sự tôn sư trọng đạo không còn, tinh thần bè phái, lòng tham lợi-danh lên cao điểm, ý riêng chủ nghĩa, và nhất là sự “tự do ngôn luận” của các mạng xã hội, tất cả những điều này đang làm suy yếu Hội thánh thay vì lớn mạnh nhờ sự hiệp nhất.

 

Chúng ta phải trở lại với chân lý về sức mạnh của sự hiệp nhất: “Hai người hơn một” (Truyền đạo 4:9.) “một sợi dây bện ba lấy làm khó đứt” (Truyền đạo 4:12.) Và, “một người rượt nổi ngàn người, Và hai người đuổi mười ngàn” (Phục Truyền 32:30.)

 

4.     Ở Trong Đền Vua

 

“Con thằn-lằn mà người ta lấy tay bắt được, Vẫn ở trong đền vua.”

 

Cũng giống như con thỏ rừng; trong Cựu Ước con thằn-lằn (thạch-sùng) cũng là loài vật bị coi là ô-uế (Lê-vi Ký 11:30.) Tuy nhiên, loài thằn-lằn có một đặc điểm rất khác với đồng loại của chúng. Ví dụ, con tắc-kè thì sợ ánh sáng, chúng thường trốn trong những gốc kẹt tăm tối. Trong khi con thằn-lằn thì lại rất thích ánh sáng đèn và những vách tường hay trần nhà tô trắng. Đó là lý do tại sao Kinh Thánh nói con thằn-lằn thường ở trong đền vua. Bởi vì, không có nơi nào sang trọng, và xán-lạn hơn là trong đền của nhà vua. 

 

Ứng dụng: Chúng ta phải học nơi con thằn-lằn, dù chúng ta là những người ô-uế, tội lỗi, nhưng chúng ta nhờ huyết của Chúa Giê-su thanh tẩy thì chúng ta được một đặc ân để vào đền của Vua trên muôn vua và thờ phượng Ngài. Tại sao con thằn-lằn còn biết tìm nơi xán-lạn còn chúng ta thì lại không? Không có nơi nào huy hoàng, thánh khiết, và xán-lạn hơn là nơi thánh. Hãy xem tác giả của Thi Thiên nói rằng:

 

Vì một ngày trong hành-lang Chúa đáng hơn một ngàn ngày khác. Thà tôi làm kẻ giữ cửa trong nhà Đức Chúa Trời tôi, Hơn là ở trong trại kẻ dữ (Thi Thiên 84:10.)

 

Kết luận: Năm 2023 chuẩn bị qua đi, qua lời Chúa sáng hôm nay, chúng ta hãy tra xét lại đời sống của cá nhân mình:

 

·      Nếu Chúa nhìn vào cách tôi sử dụng thời gian trong năm qua thì Ngài có hài lòng không? Có phải tôi đã hoang phí thời gian của mình cho những việc thuộc xác thịt, còn tâm linh tôi thì đói khát? Nếu tôi được gặp Chúa hôm nay thì Ngài có khen tôi là “đầy tớ ngay lành và trung tín không?” Xin Chúa cho tôi biết chuẩn bị cho tâm linh tôi để sẵn sàng gặp Chúa.

 

·      Trong tất cả mọi vấn đề trong cuộc sống, tôi có biết nương dựa vào Chúa không? Hay là tôi vẫn tin vào khả năng của mình hoặc tin vào một nguồn tài-lực nào khác? Xin Chúa cho tôi biết ẩn mình trong Chúa Giê-su.

 

·      Có phải là tôi vẫn thường hay có sự chia rẽ trong ý tưởng, lời nói, và hành động với những người khác trong Hội thánh không? Xin Chúa giúp tôi biết khai phá sức mạnh của sự hiệp nhất với anh chị em để đem đến sự đắc thắng cho cá nhân, gia đình, và Hội Thánh của tôi đang phục vụ.

 

·      Có phải tôi đã bỏ qua những giờ thờ phượng Chúa không? Xin Chúa cho tôi biết chạy đến với ánh sáng của sự thánh khiết trong đền thờ của Ngài. Amen!

 

Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia (Chúa nhật 12-10-2023.)

 

Mọi người có thể sử dụng nội dung bài bài giảng này nhưng vui lòng tôn trọng tác quyền. 

 

Chân thành cảm ơn!

73 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page