Christ-Bible Theological Seminary
Thánh Kinh Thần Học Viện-Đấng Christ

Trang Bị Để Phục Vụ Chúa Jêsus Christ
GIẢI KINH LUẬN
(BẤM VÀO XEM)
Đề Tài: Nguyên Tắc Để Được Ban Phước
(Sáng-thế Ký 27:1-40)
Trong quyển Bí Quyết Đắc Thắng Tội Lỗi của Mục sư Ock Soo Park có kể câu chuyện về một số nông dân tại Hàn Quốc đã kiện chính phủ vì lúa của họ không trổ bông. Mới nghe qua câu chuyện này có lẽ sẽ rất buồn cười, nhưng sự việc đã xảy ra là khi chính phủ Hàn Quốc cho xây dựng một hệ thống đèn cao áp từ sân bay đến nơi tổ chức đại hội thể thao Châu-á (Seagame), và đèn được thắp sáng suốt đêm nên những cánh đồng lúa bị chiếu sáng như thế cứ lớn cao hơn những nơi khác mà không ra bông lúa. Những người nông dân biết là lúa của họ không ra bông là có liên quan đến các bóng đèn, tuy nhiên họ không biết lý do tại sao. Chính phủ Hàn Quốc đã cho các chuyên gia nông nghiệp đến hiện trường nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu cho biết là vì ánh sáng đèn đã khiến các tế bào của cây lúa không ngủ vào ban đêm đã thay đổi chu kỳ tự nhiên của nó.
Chúng ta không thể phủ nhận, trong cõi tự nhiên này, Đức Chúa Trời đã thiết lập các quy luật tự nhiên trên không trung cho đến biển, sông, hồ và cây cỏ. Một khi các quy luật tự nhiên này bị thay đổi thì sẽ đưa đến những hậu quả khôn lường. Cũng vậy, trong thế giới thuộc về tâm linh, Đức Chúa Trời cũng thiết lập những quy luật không thể thay đổi. Trong phân đoạn Kinh Thánh này tôi sẽ đưa ra những nguyên tắc hay cũng có thể gọi là những quy luật để được Đức Chúa Trời ban phước.
Rất nhiều người phê bình và lên án rằng Kinh Thánh khó hiểu và ghi chép những điều vô lý. Như phần Kinh Thánh trong Sáng-thế Ký 27 này cũng vậy, nhiều người cho rằng tại sao Kinh Thánh mà lại ghi chép một sự việc trái đạo đức gia đình là khi mà người cha thì thương con trai cả, người mẹ thì thương con trai út; đây là một sự thiếu công bình trong gia đình. Ngoài ra, người mẹ còn giúp đỡ đứa con út để tranh giành phước của người anh; đây là một hình ảnh không hay chút nào trong mối quan hệ gia đình. Bằng những lời phê bình đại loại như vậy, và nhiều người không muốn đọc Kinh Thánh.
Không biết quý vị có biết cách ăn một hạt điều khi nó còn tươi hay không? Phải bỏ nó vào lửa nướng, và khi trong lửa nó sẽ bắn ra những tia lửa rất đáng sợ, phải đợi cho đến khi nó hết bắn ra những tia lửa như vậy thì mới lấy nó ra khỏi lửa trong khi nó cháy đen như một cục than đen. Tôi nhớ có lần dì tôi ở Sài-gòn lên vùng Kinh Tế Mới nơi chúng tôi sinh sống, bà chưa từng ăn hạt điều tươi nướng bao giờ, vì thế khi thấy một hạt điều nướng đen thui như thế bà nói làm sao mà ăn được. Nhưng quý vị biết không? Khi tôi đập các vỏ đen thui ấy ra thì một hạt điều bên trong vàng ươm thơm phức, khi bỏ vào miệng nhai thì nó vừa ngọt vừa béo tuyệt vời.
Tôi muốn nói rằng, nếu chúng ta chỉ hiểu Kinh Thánh theo “nghĩa đen” như cách nhìn bề ngoài đen thui của một hạt điều nướng rồi phán xét, phê bình thì chúng ta đã lầm. Vì chúng ta không biết đến sự ngọt ngào huyền nhiệm của ý nghĩa thuộc linh bên trong của Kinh Thánh.
Có nhiều người đã tách Kinh Thánh ra khỏi văn mạch, vì thế họ không thể hiểu được điều mà chúng ta gọi là Kinh Thánh giải nghĩa Kinh Thánh. Trong phân đoạn Kinh Thánh này nói rằng bà Rê-bê-ca đã thiên vị và giúp cho đứa con trai út là Gia-cốp cướp đi lời chúc phước của người cha cho anh mình là Ê-sau. Nhưng chúng ta phải hỏi tại sao bà Rê-bê-ca phải làm như thế? Và từ đó chúng ta trở lại ngữ cảnh của Kinh Thánh sẽ thấy trong đọa 25 (hai đoạn trước đoạn này) nói rằng, “hai thứ dân sẽ đo lòng người mà ra; dân này mạnh hơn dân kia, và đứa lớn phải phục đứa nhỏ.” (Sáng-thế Ký 25:23b) Như vậy, chúng ta đã hiểu tại sao bà Rê-bê-ca phải làm như thế, vì bà không muốn chồng bà là I-sác chúc phước cho đứa lớn là Ê-sau cai trị đứa nhỏ, vì đó là điều không đúng với ý muốn của Chúa đã bày tỏ cho bà.
Tuy nhiên, vẫn có người cho rằng: Tại sao I-sác phải rủa sả Ê-sau? Nếu như I-sác không chúc phước cho Ê-sau đứa con mình yêu thương thì thôi nhưng tại sao lại phải rủa sả nó. Câu trả lời đúng nhất cho câu hỏi này là bởi vì, đây chính là cách mà Kinh Thánh dạy chúng ta biết rằng, trong các quy luật thuộc linh thì Đức Chúa Trời đã ấn định thì, một là chúng ta được chúc phước hoặc là chúng ta bị rủa sả, không có một tình trạng khác. Cũng vậy, một là chúng ta được cứu rỗi hoặc là bị hư mất, không có một chọn lựa thứ ba.
Vậy thì những hành động của Gia-cốp trong câu truyện này có những ý nghĩa thuộc linh gì? Có ba quy luật thuộc linh quan trọng mà chúng ta cần lưu ý và áp dụng. Trước khi đưa ra ba quy luật đó thì tôi muốn đưa ra áp dụng như sau để chúng ta dễ hiểu những quy luật này. Thứ nhất, I-sác là hình ảnh Đức Chúa Trời, Rê-bê-ca là hình ảnh Đức Thánh Linh, con dê con bị làm thịt là hình ảnh Đấng Christ, Gia-cốp là hình ảnh Cơ-đốc nhân, và Ê-sau là hình ảnh dân ngoại hoặc những Cơ-đốc nhân dựa vào việc làm công đức.
Thứ nhất, khi Rê-bê-ca bảo Gia-cốp hãy bắt hai con dê con để bà làm một món ăn rồi Gia-cốp đưa vào cho cha là I-sác ăn để cha chúc phước cho, thì Gia-cốp đã biện luận với mẹ mình, không thể nào được mẹ à! Ê-sau anh con có lông còn con thì không, nếu cha nhận ra thì con sẽ bị rủa sả thay vì được chúc phước. Nhưng Rê-bê-ca nói con cứ việc làm theo mẹ bảo, nếu có vấn đề gì thì mẹ sẽ chịu trách nhiệm. Kinh Thánh nói sau khi nghe mẹ nói như vậy thì Gia-cốp vâng phục lập tức đi ra thực hiện điều mẹ mình đã nói. Quy luật thuộc linh đầu tiên chúng ta rút ra từ sự việc vâng phục mẹ của Gia-cốp đó là Cơ-đốc nhân phải biết vâng phục Đức Thánh Linh. Nhiều người đi nơi này nơi kia, hội đồng này hội thảo kia để tìm kiếm sự đầy dẫy Đức Thánh Linh. Nhưng họ lại không quan tâm đến sự học biết để vâng phục Đức Thánh Linh trong đời sống của họ. Khi nói về sự vâng phục Đức Thánh Linh thì rất rộng, nhưng cụ thể là chúng ta phải hỏi: Tôi có vâng phục Đức Thánh Linh để bỏ đi những thói quen tội lỗi trong đời sống của tôi hay không? Tại sao tôi vẫn còn hút thuốc, uống rượu, tình dục bất chính, nói hành, nóng giận, không tha thứ, tham lam…! Tôi có vâng phục Đức Thánh Linh để từ bỏ những thứ đó trong đời sống tôi hay không? Khi chúng ta chấp nhận vâng phục Đức Thánh Linh để thay đổi thì chúng ta đã nắm bắt một quy luật để được ban phước. Những nếu chúng ta làm ngược lại (không vâng phục) thì chúng ta lại rơi vào tình trạng bị rủa sả. Ví dụ: Trường hợp của A-đam và Ê-va khi họ không vâng phục thì họ đang ở trong tình trạng được phước lập tức chuyển qua tình trạng bị rủa sả.
Thứ hai, khi Rê-bê-ca dạy Gia-cốp phải mang thịt dê mà bà đã nấu để gặp I-sác cha mình, điều này có nghĩa là Gia-cốp không thể nào vào gặp cha để được chúc phước mà không có một món ăn trong tay vì đó là quy định (yêu cầu) mà cha đã đưa ra. Thay vì Ê-sau mãi lo dùng tài săn bắn của mình để tìm một con thú bên ngoài để săn về làm thịt, thì Rê-bê-ca đã làm thịt một con dê con thay thế cho Gia-cốp mang vào cho cha. Hình ảnh con dê con bị giết chính là hình ảnh Chúa Giê-su Christ đã chết để thay thế cho mọi nỗ lực vô vọng của con người tìm cách được đẹp lòng Đức Chúa Trời. Ngày hôm nay không ai có thể đến ra mắt Đức Chúa Trời mà không có Chúa Giê-su Christ trong lòng mình. Tại sao nhiều người cảm thấy một tiếng đồng hồ thờ phượng Chúa sao buồn chán? Vì họ chưa thật sự có Chúa Giê-su trong lòng. Tại sao nhiều người không thể đến với Chúa cầu nguyện cách ngọt ngào? Vì tội lỗi trong lòng vẫn chưa được huyết của Chúa Giê-su Christ thanh tẩy. Nói cách khác, Chúa ta phải tin và có Chúa Giê-su Christ trong lòng và tội lỗi được thanh tẩy bởi huyết của Đấng Christ thì mới có thể đến gần Đức Chúa Trời.
Thứ ba, sự lo ngại của Gia-cốp vì mình không có lông như Ê-sau thì Rê-bê-ca đã có giải pháp là dùng áo của Ê-sau mặc cho Gia-cốp và dùng lông dê để che cánh tay và cổ cho Gia-cốp. Đây là một quy luật tâm linh rất quan trọng, một khi chúng ta đến gần Đức Chúa Trời thì phải bao phủ cánh tay của mình lại. Nói một cách rõ hơn là chúng ta phải biết dấu đi những việc làm của mình. Phải để cha sờ thấy lông con dê chứ không phải là cánh tay trần của chúng ta. Nói cách khác là phải để Đức Chúa Cha cảm nhận được chúng ta được bao phủ bởi Chúa Giê-su chứ không phải là những việc làm của mình. Đừng ai kiêu ngạo về những việc làm của tay mình khi đến gần Đức Chúa Cha. Nếu không thì chúng ta sẽ rơi vào quy luật bị rủa sả. Chúa ta đang bị rủa sả khi nói rằng “sao không thấy ai biết đến những việc làm của tôi?” hay là, “Không phải Hội thánh này không có tôi thì không thể hoạt động sao?” Chúa Giê-su đã dạy trong Ma-thi-ơ đoạn 5 rằng: Khi kiên ăn phải kín-nhiệm, khi cầu nguyện phải kin-nhiệm, khi bố thí phải Kín-nhiệm. Chúng ta hầu việc Chúa: Nấu ăn, dạy thiếu nhi, quét dọn, dạy trường Chúa nhật, giảng dạy, thăm viếng… là những điều tốt, nhưng phải biết dấu mình trong Chúa Giê-su.
Sau cùng, Ê-sau phải nỗ lực tìm kiếm để săn một con thú rừng bằng tài săn bắn của mình; đây chính là bài học về quy luật bị rủa sả. Nếu một ai đó cố gắng dùng sức riêng để tạo lập công đức thì người đó rơi vào định luật bị rủa sả, hay nói rõ hơn là bị hư mất. Nhưng người gọi là Cơ-đốc nhân mà không nhờ vào công nghĩa của Chúa Giê-su mà nhờ vào giữ điều răn, điều lệ của giáo hội loài người thì người đó đang bị rủa sả và trật phần ân điển.
Tin cậy và làm theo những gì Đức Thánh Linh đang thôi thúc trong lòng qua lời Kinh Thánh là một quy luật tâm linh quan trọng trước tiên để đưa chúng ta đến bí quyết được phước. Thường thường thú nhận mình là một tội nhân không xứng đáng đến gần Đức Chúa Trời, nhưng nhờ nơi huyết của Chúa Giê-su chúng ta mạnh dạn đến gần ngôi ơn phước của Đức Chúa Trời. Xin Chúa giúp chúng ta biết loại bỏ mọi sự kiêu ngạo trong tròng dầu chúng ta có làm một công việc lớn hay nhỏ nào đó cho công việc Chúa. Xin Chúa giúp để chúng ta biết làm mọi việc tốt lành trong sự “kín-nhiệm.”
Amen!
Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia vào sáng Chúa nhật 22/10/2024.
Mọi người có thể sử dụng bài giảng này nhưng phải nói rõ tên tác giả (để tôn trọng quyền tác giả).
HAI GIẤC MƠ-HAI SỐ PHẬN
(SÁNG THẾ KÝ 40)
Nhiều người đã đặt vấn đề rằng: Trong khi, những kinh thư của các tôn giáo khác thì chỉ nói những triết lý cao siêu, thánh thiện. Còn Kinh Thánh, đã gọi là “Kinh Thánh”, nhưng lại ghi chép nhiều câu chuyện hoàn toàn không thánh chút nào. Ví dụ như: Cha chồng ăn ở với nàng dâu, con trai với mẹ kế, con gái với cha, anh trai với em gái; rồi nào là chuyện con trai truy sát cha, anh giết hại em, em lừa gạt anh, các anh hùa nhau hãm hại một đứa em vô tội, và còn nhiều những câu chuyện “không thánh” khác nữa.
Làm sao để chúng ta trả lời những câu hỏi như thế? Chúng ta thử suy nghĩ, nếu như lịch sử của một quốc gia nào đó ghi lại một giai đoạn lịch sử của một vị vua hay một triều đại nào đó mà toàn là những điều tốt đẹp. Vậy thì những trang lịch sử đó là không đáng tin cậy. Bởi vì, bất cứ một thể chế nào dù có tốt đẹp đến mấy thì cũng có những bất công vì có thể sung sướng cho nhóm người này mà gây đau khổ cho nhóm người khác. Chỉ có những vị vua hay những nhà lãnh đạo độc tài mới ép các sử quan ghi lại những chuyện tốt đẹp của họ và che đậy những việc tàn bạo, xấu xa đồi bài khác của họ.
Cũng vậy, nếu một quyển kinh sách chỉ ghi lại toàn những chuyện cao siêu, thánh thiện mà thậm chí chính người viết cũng không thực hiện được thì đó chẳng qua là đạo đức giả để mị lòng độc-giả mà thôi. Nhưng Kinh Thánh là Chân lý từ Đức Chúa Trời được bày tỏ cho con người với hai phần: Thứ nhất là ghi chép lại tất cả mọi sự thật trong thế giới của con người; thứ hai là thể hiện ý muốn của Đức Chúa Trời đối với con người. Cho nên, nếu hỏi tại sao Kinh Thánh ghi lại những sự kiện “không thánh?” Bởi vì những điều đó là sự thật đã xảy ra, đang xảy ra, và tiếp tục xảy ra trong lòng và trong thế giới của con người. Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy những điều không thánh thuộc về con người trong Kinh Thánh mà không thấy những điều cực thánh thuộc về Đức Chúa Trời trong Kinh Thánh, thì cũng giống như một người khăng khăng tin rằng đồng tiền chỉ có một mặt mà thôi.
Trong tuần trước, tôi có nói về việc ăn hạt điều tươi, khi nướng chính nó lên thì phải nướng cho cái vỏ bên ngoài cháy đen toàn bộ; nếu một người chưa từng ăn thì sẽ không bao giờ cho rằng đó là một món ăn khoái khẩu mà ngược lại, họ sẽ không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ ăn thử nó. Nhưng họ đâu biết rằng, khi đập cái vỏ đen thui ấy ra thì bên trong là một cái nhân hạt điều vừa nóng vừa thơm ngon và bổ dưỡng. Cho nên, ẩn chứa bên trong những giai thoại trong Kinh Thánh có vẻ như không thánh thiện ấy là những nguyên tắc thuộc linh quan trọng. Chúng có khả năng quyết định sự sống và sự chết của con người mà Đức Chúa Trời muốn gửi đến cho chúng ta.
Qua phân đoạn Kinh Thánh trong sách Sáng-thế Ký đoạn 40 này, Đức Chúa Trời muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện của hai vị quan Tửu-chánh và quan Thượng-Thiện? Đặc biệt là trong hai giấc mơ của họ?
Kinh Thánh ghi nhận rất nhiều người đã thấy những giấc mơ, và mỗi giấc mơ của họ đều có những bài học thuộc linh riêng. Ví dụ: Giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa , của Gia-cốp, của Giô-sép, của Pha-ra-ôn, của Xa-cha-ri, của Giô-sép (chồng Ma-ri), của vợ Phi-lát…, và đặc biệt là giấc mơ của hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện trong đoạn Kinh Thánh này.
Chúa cho tôi rút ra được ba bài học rất quan trọng trong hai giấc mơ của quan Tửu-chánh và quan Thượng-Thiện. Những bài học này chính là những nguyên tắc thuộc linh quyết định đến sự sống và chết cho tâm linh của chúng ta.
Trước tiên, để có thể hiểu được những bài học từ phân đoạn Kinh Thánh này, tôi sẽ đưa ra một số ứng dụng như sau: Vua Pha-ra-ôn là Đức Chúa Trời, hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện là chúng ta (con người), Giô-sép là Chúa Giê-su, và hai giấc mơ của hai vị quan này chính là sứ điệp-lời Đức Chúa Trời mà Chúa Giê-su mang đến cho họ.
Có lẽ nhiều người sẽ lo ngại là ứng dụng như vậy có hợp lý hay không? Xin thưa, nó hoàn toàn hợp lý, bởi vì ứng dụng khác với giải nghĩa. Hơn nữa, vị Pha-ra-ôn này có những đặc tính tốt như: Khôn ngoan, thành thật, tử tế (không phải là một vị vua gian ác). Hoặc có lẽ chúng ta lo ngại là Giô-sép trong câu chuyện này là người phải phục vụ cho hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện; ứng dụng là Chúa Giê-su có ổn hay không? Xin thưa, Chúa Giê-su đã xác định “Vì Con người đã đến không phải người người ta hầu việc mình, song để hầu người người ta, và phó mạng sống mình làm giá chuộc nhiều người.” (Mác 10:45) Hơn thế nữa, hoàn cảnh của Giô-sép ở tù trong khi ông hoàn toàn vô tội nhưng lại bị con người phản bội, và đối xử bất công; những điều này hoàn toàn ứng hợp với Chúa Giê-su. Ngài là Đấng vô tội đến để cứu chuộc nhân loại, nhưng Ngài lại bị con người khi chê, phản bội và chối bỏ.
Bài học đầu tiên của chúng ta là Đấng Thánh ở Cùng Tội Nhân.
Trong câu chuyện này, hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện không biết đã phạm tội gì? Nhiều người cho rằng họ dính vào một vụ ám sát nhà vua qua thực phẩm bất thành. Và ai là người thật sự có tội? Quan Tửu-chánh, hay quan Thượng-Thiện? Hay là cả hai người? Chúng ta hoàn toàn không biết. Những điều mà chúng ta biết là cả hai đều đã phạm tội dưới luật pháp của nhà vua. Ví thế, thân phận của hai vị quan này chính là hình ảnh của con người chúng ta. Vì Kinh thánh nói rằng “vì mọi người đều đã phạm tội.” (Rô-ma: 3:23a)
Ví dụ: Có một cuộc thi xem ai đã từng nói dối nhiều và tinh vi nhất. Trong số những người tham dự cuộc thi có một người lớn tuổi nhất, đang giữa cuộc thi thì ông đứng lên và nói: Tôi xin rút lui, vì thật sự tôi chưa bao giờ nói dối cả. Khi nghe ông tuyên bố như vậy thì ban giám khảo quyết định dừng cuộc thi, và tuyên bố họ đã tìm được người trúng giải. Kinh Thánh nói rằng, “Ví bằng chúng ta nói mình không có tội chi hết, ấy là chính chúng ta lừa dối mình, và lẽ thật không ở trong chúng ta.” (I Giăng 1:8)
Tiếp theo, chúng ta thấy hai vị quan (tội nhân) này đã sống chung một phòng và được phục vụ bởi một người trai trẻ tên Giô-sép. Như đã nói ở trên, Giô-sép bị đưa vào ngục tù phải sống chung và phục vụ hai vị tội-quan này là vì bị oan ức, do ông bỏ chạy để không phạm tội tà dâm cùng một người phụ nữ đã có chồng. Cũng vậy, Chúa Giê-su là Con Đức Chúa Trời, Ngài là Đấng Thánh Khiết nhưng đã đến thế gian này để sống chung và phục vụ những tội nhân như chúng ta. (Mác 10:45)
Tuy nhiên, trong lúc hai vị quan này sống chung và được Giô-sép phục vụ, có lẽ họ chẳng xem Giô-sép ra gì, và họ đâu biết rằng chính Giô-sép sẽ đưa ra cho họ những lời phán mà những lời đó sẽ đưa đến sự sống và sự chết của họ. Cũng vậy, nhiều người cho rằng Chúa Giê-su không phải là siêu nhân, triết gia, thông thái như điều họ mong đợi, nhưng Ngài đến để bị người ta khinh chê, chán bỏ như Kinh thánh nói rằng “Người đã bị người ta khinh-dễ và chán bỏ…” (Ê-sai 53:3a) Thế nhưng, người ta không biết rằng chính Chúa Giê-su, và chỉ có duy nhất một mình Ngài đã đến để ban cho chúng ta những lời của Chân lý sẽ đưa đến quyết định sự sống và sự chết cho cõi đời đời của chúng ta. Như Phi-e-rơ đã được mặc khải khi ông xác nhận rằng “Chúa có lời của sự sống.” (Giăng 6:68b)
Tóm lại, cũng như hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện kia, cho dù chúng ta là ai, chức vụ gì? Có chuyên môn gì? Giàu hay nghèo? Già hay trẻ? Tất cả đều không quan trọng. Điều quan trọng là tất cả chúng ta là những “tội-quan.” Khi nói điều này thì tôi muốn nói luôn cho chính tôi và tất cả những người được gọi là mục sư, chấp sự, tín hữu đang ngồi trong các nhà thờ. Mặc dầu ngày nay chúng ta được gọi là thánh đồ nhưng chúng ta vẫn là những con người tội lỗi. Nói điều này để chúng ta biết thân phận của mình mà đừng kiêu ngạo, hợm mình, hay tự làm nên những “vị thánh sống”, nhưng chúng ta phải biết hết lòng cảm tạ và tôn kính Chúa Giê-su là Đấng Thánh đầy ân điển đang ở cùng chúng ta và sẽ ở với chúng ta trong cõi đời đời.
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến hai giấc mới của hai vị quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện. Có lẽ nhiều người cảm thấy xa lạ với từ ngữ quan Tửu-chánh và Thượng-Thiện. Thật ra đó là tên gọi cho hai vị (hoan) quan lo việc ăn và uống của nhà vua: Tửu-chánh (cupbearer) là lo về thức uống, và Thượng-Thiện (baker) là lo về làm bánh (thức ăn). Nhưng trước tiên chúng ta hãy nói về giấc mơ của vị quan Tửu-chánh.
Gốc Nho Thánh, là bài học thứ hai dựa trên giấc mơ của quan Tửu-chánh.
Một buổi sáng nọ, Giô-sép quan sát thì thấy nét mặt của cả hai vị tội-quan này rất lo lắng khác thường. Hỏi ra thì mới biết là cả hai cùng có một cơn ác-mộng vào tối hôm qua. Tôi nhớ có lần đã nghe qua một ai đó đã kể: Có một người đàn ông trung niên cứ mỗi khi nhắm mắt lại là thấy trong giấc mơ mình thắt cổ tự tử. Điều đó khiến cho ông ta khổ sở không chịu nỗi. Cuối cùng ông bị trầm cảm, mất ngủ và kết thúc cuộc đời bằng một sợi dây thừng. Các giấc mơ trong Kinh Thánh thường hàm ý về một số phận hay một sự kiện quan trọng trong cuộc đười của một ai đó.
Giô-sép nghe hai vị tội-quan này nói vậy thì Giô-sép đã trả lời rằng, “sự bàn chiêm bao há chẳng phải do nơi Đức Chúa Trời ư?” (câu 8) Nếu nói chiêm bao là tượng trưng cho số phận hay định mệnh của một ai đó, thì quả thật là chỉ có Đức Chúa Trời mới biết được số phận của mỗi người chúng ta mà thôi. Giô-sép là người đã giải chiêm bao cho hai vị tội-quan này. Như đã nói ở trên, chúng ta đã ứng dụng Giô-sép là Chúa Giê-su, thì chỉ có Chúa Giê-su mới có thể giải thích về số phận đời này và đời đời của con người chúng ta cách rõ ràng mà thôi.
Bây giờ chúng ta bàn đến giấc mơ của vị quan Tửu-chánh. Ông ta nhìn thấy một gốc nho, và gốc nho này có ba nhánh nảy chồi, trổ bông. Khi nói đến gốc nho tôi nhớ ngay đến Chúa Giê-su từng phán rằng “Ta là gốc nho thật.” (Giăng 15:1) Không gì gần ngại để ứng dụng rằng gốc nho trong giấc mơ của vị quan này chính là hình ảnh Gốc Nho Thật mà Chúa Giê-su đã ví sánh là Ngài. Ngoài ra, gốc nho trong giấc mơ của vị quan này có ba nhánh sinh bông trái. Rõ ràng đó là hình ảnh sau ba ngày trong mồ mả Chúa Giê-su đã sống lại. Nhưng, điểm quan trọng trong giấc mơ này là hành động của vị quan Tửu-chánh; ấy là khi thấy các nhành nho ra trái thì ông lập tức hái trái nho và ép lấy nước để dâng cho vua. Như chúng ta đã biết, chính những tính chất đặc biệt của giấc mơ này đã đưa đến sự sống cho vị quan Tửu-chánh.
Cho nên, được đối diện với Góc Nho Thánh là Chúa Giê-su thì có lẽ nhiều người từng có cơ hội. Tuy nhiên, chúng ta có lập tức hành động như vị quan Tửu-chánh trong giấc mơ của ông là “hái trái nho”, nghĩa là tiếp nhận lấy Ngài vào đời sống, rồi ép lấy nước dâng cho Pha-ra-ôn, nghĩa là sau khi tiếp nhận Chúa Giê-su vào đời sống thì có lập tức phục vụ Vua là Đức Chúa Trời hay không?
Tóm lại, số phận đời đời của chúng ta không ai trên đời này có thể “bàn luận” cho chúng ta ngoại trừ Chúa Giê-su. Và số phận của chúng ta được quyết định bởi việc chúng ta có hành động ngay lập tức là “tiếp nhận lấy sự sống của Gốc nho” và “dạn dĩ bước vào phục vụ Vua.” Khi nói điều này, khiến tôi suy nghĩ phải chăng có nhiều người đã gặp Chúa Giê-su nhưng họ không hành động gì hết. Có người thì tiếp nhận Chúa Giê-su, nhưng họ không phục vụ Đức Chúa Trời là Vua của mình. Hãy là quan Tửu-chánh ngay hôm nay. Bước ra khỏi khám ngục, giam cầm của tội lỗi, địa vị tội nhân được thay đổi làm thánh đồ, ra mắt Đức Chúa Trời với với huyết của Chúa Giê-su trên tay.
Những Con Chim-Sứ Giả Của Sự Chết, là bài học thứ ba dựa trên giấc mơ của vị quan Thượng-Thiện
Sau khi quan Tửu-chánh được Giô-sép giải chiêm bao cho rồi, thì quan Thượng-Thiện cũng nóng lòng chờ đợi đến lượt mình. Giấc mơ của ông ta có những nét tương đồng với giấc mơ của quan Tửu-chánh. Nhưng nó lại có những nét dị biết rất quan trọng. Ông thấy mình đội ba giỏi bánh trắng trên đầu. Khi nói đến bánh thì tôi liên tưởng ngay đến có lần Chúa Giê-su từng phán “Ta là bánh của sự sống.” (Giăng 6:48) Như vậy, điểm tương đồng ở đây là trong giấc mơ vị quan Thượng-Thiện cũng đã gặp (đối diện) với Chúa Giê-su.
Như vậy điểm khác biệt là gì? Tôi suy nghĩ tại sao trong giấc mơ đó ông ta không thấy mình ôm giỏ bánh trước ngực mà lại đội trên đầu? Tôi tin rằng đây chính là bài học mà Chúa muốn dạy cho những ai khi đối diện với “bánh” là chân lý, là lời của Đức Chúa Trời thay vì bỏ vào lòng thì họ chỉ bỏ trên đầu nghĩa là chỉ dùng lý trí mà suy xét. Cũng chính từ điểm này đã dẫn đến một vấn đề quan trọng khác là vì bánh ở trên đầu nên đã tạo cơ hội tốt cho chim đáp xuống và ăn mất bánh. Khi nói đến chim thì tôi lại nhớ đến Chúa Giê-su cũng đã có lần nói đến một loại chim ăn các hạt giống trên đường (Mác 4:4) Và Chúa Giê-su đã giải thích loại “chim” đó chính là quỷ sa-tan. Lưu ý, trong bảng Tiếng Việt thì chỉ nói là chim mà không nói số nhiều hay số ít, nhưng trong nguyên văn thì từ chim trong (câu 17) là ở dạng số nhiều, nghĩa là hơn một con chim. Nghĩa là, ma quỷ, sa-tan không phải chỉ một con mà là rất nhiều con đến ăn cắp lời của Chúa trong tâm trí chúng ta.
Tóm lại, bài học của chúng ta đã rất sáng tỏ tại đây: Có những người được gặp, nghe biết về Chúa Giê-su (bánh) và lời Ngài, nhưng họ không để vào lòng mà chỉ để trong lý trí. Vì thế, ma quỷ, sa-tan đã đến cướp lấy đức tin của họ. Lẽ tất nhiên, số phận của những người như vậy cũng chính là số phận của vị quan Thượng-Thiện. Chúng ta “đừng chỉ lấy nghe làm đủ” sau bài học này. Hãy mở lòng ra để lời Ngài đi vào lòng chúng ta. Đừng dùng lý trí để nhận biết Chân lý và sự sống của Chúa Giê-su. Hãy cẩn thận với loài chim là sứ giả của sự chết. Nếu ai đó đang dùng sự khôn ngoan riêng và lý trí hạn hẹp của mình để phán đoán và nghi ngờ về tình yêu của Chúa Giê-su và chân lý của Ngài thì hãy mau thay đổi, để Đức Thánh Linh hành động trong lòng khiêm nhường của chúng ta.
Kết luận: Ai trong chúng ta cũng phải chờ đợi một ngày đứng trước sự phán xét của nhà Vua. Nhưng số phận của chúng ta có được thay đổi từ sự chết qua sự sống hay không là tùy thuộc vào giấc mơ của mỗi chúng ta hôm nay. Trong giấc mơ đó thái độ vào hành động của chúng ta như thế nào thì sẽ quyết định kết quả nhứ thể ấy khi được Vua gọi vào để gặp Ngài. Hãy đưa tay ra hái (nhận lấy) trái nho từ gốc Nho-thánh. Hãy mang nho đó trên tay mà ra mắt Vua.
Amen!
Đây là bài giảng của Mục sư Phạm Hùng cho Hội Thánh Olympia ngày 29/10/2023.
Mọi người có thể sử dụng để giảng dạy hoặc làm tư liệu nhưng phải tôn trọng tác quyền!
SỰ CỨU RỖI ĐẦY TRỌN TRONG CHÚA GIÊ-SU CHRIST
LU-CA 10:30-35
Trong các lần trước tôi đã có nói về “một cái hạt điều thơm ngon và bổ dưỡng nằm bên trong một cái vỏ đen thui xấu xí.” Cũng vậy, bên trong những câu Kinh thánh hay những câu chuyện khó hiểu trong Kinh thánh là những bài học thuộc linh rất quan trọng.
Hôm nay chúng ta sẽ tìm hiểu về câu chuyện ẩn dụ mà Chúa Giê-su đã kể trong khi đối đáp với một thầy dạy luật về sự cứu rỗi. Tôi tin chắc rằng chúng ta sẽ thật sự ngạc nhiên về những điều kỳ diệu mà Chúa Giê-su đã dạy chúng ta trong câu chuyện ẩn dụ này.
Trước tiên, tôi xin kể lại câu chuyện mà Ms. Ock Park đã kể trong quyển Bí Quyết Được Tái Sanh như sau: Vào cuối thế kỷ 18 tại Anh quốc, có một chàng thanh niên rất nghèo. Anh ta làm công việc khuân vác hành lý cho những người hành khách xuống tàu để đi đến Tân Thế Giới (Hoa Kỳ.) Trong lúc làm việc, anh ta đã nghe nhiều người thảo luận về cơ hội làm giàu tại vùng đất mới. Từ đó anh ta anh cố gắng để dành tiền cho đến khi vừa đủ tiền để mua một cái vé tàu, nhưng anh ta suy nghĩ: Như vậy làm sao có tiền để ăn uống trong suốt bảy ngày dài trên tàu. Nhưng nếu mình không quyết định ngay thì phải đợi đến vài tháng sau mới có một chuyến tàu khác (Thời đó không có tàu đi lại thường xuyên như bây giờ.) Thế là, anh ta quyết định lấy hết số tiền có được để mua một cái vé tàu và quyết định sẽ cố gắng nhịn đói trong bảy ngày đường, khi đến được vùng đất hứa rồi sẽ tính sau.
Trong suốt năm ngày liền trên tàu anh ta nhịn đói, nhưng anh ta cũng đã làm quen được rất nhiều người trên con tàu đó và đàm đạo với họ về kế hoạch khi đến được Hoa Kỳ. Thế nhưng, nhưng người bạn của anh ấy rất lấy làm khó hiểu, bởi vì cứ đến giờ ăn là chàng thanh niên ấy sẽ nói đau bụng và trở về phòng. Thế rồi, đến ngày thứ sáu, anh ta gần như kiệt sức không thể rời khỏi phòng. Ngay lúc đó, anh ta lại nghe tiếng loa của thuyền trưởng thông báo “chúng ta sẽ đến nơi chậm hơn dự kiến năm ngày vì thời tiết không cho phép tàu chạy nhanh hơn.” Khi nghe bản tin sét đánh đó khiến anh ta hoàn toàn thất vọng. Nhưng ngay lúc đó có một tia sáng lóe lên trong đầu “trước khi chết mình phải ăn, không thể làm con ma đói.”
Thế là anh ta đã xuống phòng ăn và yêu cầu rất nhiều thức ăn. Sau khi ăn no nê, anh ta gọi cô phục vụ đến và thú thật sự tình là mình không có tiền và đã nhịn ăn sáu ngày qua. Cô phục vụ cười thật tươi với gương mặt đầy thương cảm và nói “thật là tội nghiệp cho anh, cái vé mà anh mua đã trả luôn tiền ăn cho toàn bộ chuyến đi này.”
Có ai trong chúng ta giống như anh chàng thanh niên trong câu chuyện này không? Đang nắm chiếc vé cứu rỗi trong tay, nhưng lại đang sống như một người hư mất. Trong nội dung bài giảng này tôi muốn chia sẻ với mọi người một chân lý mà chính Chúa Giê-su đã bày tỏ cho chúng ta đó là, Ngài trả một cái giá đầy trọn cho sự cứu rỗi của chúng ta.
Để hiểu được chân lý này cách rõ ràng thì chúng ta cần phải chấp nhận một số ý nghĩa mặc định trong câu chuyện ẩn dụ này như sau: Thầy tế lẽ là đại điện cho tôn giáo (sự thờ phượng.) Người Lê-vi là đại diện cho công việc làm (công đức.) Người Sa-ma-ri chính là Chúa Giê-su. Người bị hại chính là mỗi chúng ta (nhân loại.) Tất nhiên, kẻ cướp chính là ma quỷ (sa-tan.)
1. Con đường chung của nhân loại (Châm ngôn 14:12)
Nếu tra xem bản đồ chúng ta sẽ thấy thành Giê-ri-cô ở hướng đông bắc của thành Giê-ru-sa-lem (cách nhau chừng 40 Km.) Như vậy, đúng ra phải nói là người bị hại này từ thành Giê-ru-sa-lem đi lên thành Giê-ri-cô mới đúng, nhưng Chúa Giê-su đã nói là anh ta đi xuống thành Giê-ri-cô. Có phải là Chúa Giê-su đã dùng từ sai không? Tất nhiên là không. Như tôi đã nói, mỗi từ, mỗi chữ của Kinh Thánh được dùng đều không phải ngẫu nhiên, nhưng chúng có mục đích và ẩn chứa một bài học nào đó cho chúng ta.
Trong nguyên văn Hy-lạp chữ “đi xuống” này là chữ καταβαίνω, nó còn có nghĩa là “tình trạng bị rơi từ trên cao xuống,” trong tiếng anh là (descend). Đây chính là tình trạng của con người, vì chúng ta đã được tạo dựng nên “giống như hình ảnh Đức Chúa Trời,” nhưng từ khi biết phạm tội thì lập tức chúng ta bị (rơi) cách xa Đức Chúa Trời và đi vào con đường dẫn đến sự hư mất. Bài học ở đây chính là tình trạng tâm linh của nhân loại chỉ có thể đi xuống và rồi sẽ lâm vào đường cùng của sự hư vong như tình trạng của người bị hại trong ẩn dụ này.
Ví dụ: Con người ngày càng văn minh tiến bộ thì tội lỗi ngày càng tăng và tinh vi hơn như: Mổ sống người để lấy nội tạng, phẫu thuật thân thể do Chúa ban cho để chuyển đổi giới tính, cắt thịt đứa bé trong bụng đã chín tháng tuổi gần đến ngày sinh…
2. Kẻ thù chung của nhân loại (Giăng 10:10)
Truyện Kiều của Nguyễn Du có câu: Ma đưa lới quỷ đưa đường, (thế gian) lại tìm những chốn đoạn trường mà đi. Chúa Giê-su không nói rõ người bị hại này đang đi đến đâu ở Giê-ri-cô? Mục đích của chuyến đi là gì? Anh ta là ai? Bởi vì, anh ta đại diện cho con người chúng ta. Điều quan trọng mà Chúa Giê-su đã nói là trên con đường anh ta đi thì có bọn cướp đã chực sẵn mà anh ta không hề hay biết.
Cũng vậy, trên “chốn đoạn trường” của trần gian này sa-tan luôn rình rập và chờ đợi chúng ta bước vào lãnh địa của chúng là lập tức tấn công chúng ta bằng mọi cách.
Ví dụ: Ngày xưa trong vườn Ê-đen Đức Chúa Trời phán dặn A-đam và vợ ông là Ê-va không được ăn trái (cấm) của cây “giữa vườn.” Như vậy là có một lãnh địa (giữa vườn) mà A-đam không nên lui tới, nhưng họ đã không ý thức được điều đó nên đã đến gần cây biết điều thiện và điều ác đó. Cũng có nghĩa là A-đam và Ê-va đến nơi mà con rắn (sa-tan) đang có mặt ở đó chờ đợi họ. Để rồi sa-tan cám dỗ họ phạm tội và biến họ thành nô lệ ở dưới ách thống trị của nó.
Cơ-đốc nhân cần phải hiểu biết những “lãnh địa” nào của sa-tan mà xa lánh, nếu không chúng ta sẽ rơi vào những cạm bẫy cám dỗ của nó.
Thế nhưng, Đức Chúa Trời đã hứa rằng sẽ có một người ra từ “dòng dõi người nữ” sẽ đạp đầu con rắn (sa-tan). Chúng ta cần hiểu động từ “đạp đầu” mà Kinh thánh dùng ở đây mang ý nghĩa là Một người đắc thắng, một người thống trị trên kẻ thù của mình. Còn kẻ bị đạp đầu là một kẻ bại trận và bị trị. Chúa Giê-su Christ chính là “dòng dõi của người nữ,” Ngài đã đến để “đạp đầu” sa-tan. Chỉ có Chúa Giê-su mới có thể giải phóng con người ra khỏi quyền lực của sa-tan mà thôi.
3. Sự thất bại chung của nhân loại (Ê-phê-sô 2:8-9)
Hầu hết các tôn giáo đề dại rằng con người cần phải thể hiện sự tôn kính trong các nghi lễ tôn giáo, và phải gắn sức việc làm lành để phước trên đời này và hy vọng tìm thấy sự giải thoát ở đời sau. Tuy nhiên, qua ẩn dụ này của Chúa Giê-su thì cho chúng ta biết rằng cả hai thứ đó đều vô ích, vì chúng không đem đến dự giải thoát chúng ta khỏi sự chết.
· Thứ nhất: Tôn giáo không cứu được nhân loại
Trong ẩn dụ này, Chúa Giê-su đã đề cập đến hai nhân vật (người qua đường) là thầy tế lễ và người Lê-vi. Có thể là họ đã đi ngược chiều với người bị hại, vì họ đang đi đến thành Giê-ru-sa-lem là nơi có đền thờ Giê-ru-sa-lem để làm công tác tế tự của họ. Chúng ta biết rằng, thầy tế lễ là người đại diện cho con người để dâng các của tế lễ lên Đức Chúa Trời. Cho nên, anh ta phải giữ mình cho thanh sạch không được đụng vào xác chết, nếu đụng đến sẽ bị ô uế theo luật của Cựu Ước (Lê-vi ký 11:24). Vì thế, anh ta có lý do chính đáng để đi luôn mà không cứu giúp người bị nạn.
Đây chính là điều Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng, các nghi thức thờ phượng, dù đó là thuộc về đức tin của tôn giáo nào cũng không thể cứu được con người ra khỏi sự hư mất.
Ví dụ: Có một cậu thiếu niên ngồi bên một vị sư già (phật giáo) trên một chuyến xe đò. Cậu thiếu niên hỏi nhà sư: Con xin hỏi là sư đi tu từ khi nào? Từ khi ta 7 tuổi. Vậy bây giờ sư bao nhiêu tuổi? Ta đã 70 tuổi. Vậy khi sư mới đi tu so với bây giờ thì sư cảm thấy lúc nào lòng sư thanh thản hơn? Nhà sư suy nghĩ một hồi rồi trả lời: Sau gần 70 năm tu trì lạy Phật, nhưng ta biết “nghiệp” của ta bây giờ chắc phải nhiều hơn ngày ta mới đi tu.
Kinh nghiệm của nhà sư này không phải là một trường hợp cá biệt. Chính sứ đồ Phao-lô cũng đã từng trải-nghiệm như nhà sư này. Đến nỗi Phao-lô phải kêu lên rằng “khốn nạn cho tôi, ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết này?” (Rô-ma 7:24) Tất nhiên, đó cũng là kinh nghiệm của tất cả chúng ta. Vì chúng ta biết rõ ràng rằng những nghi thức tôn giáo không cứu được một ai hết.
· Thứ hai: Công đức và việc làm lành không cứu được nhân loại (Ê-sai 64:6)
Vậy còn người Lê-vi thì sao? Anh ta là người phụ giúp thầy tế lễ trong cuộc thờ phượng và dâng tế lễ. Thông thường thì anh ta phải có mặt tại đền thờ trước khi thầy tế lễ đến nơi. Nhưng trong câu chuyện này thì anh ta lại là người đi sau thầy tế lễ, vậy phải chăng hôm đó anh ta đã đi trễ? Có lẽ vì lý do đi trễ nên anh ta chỉ ghé lại xem thử mà không cứu giúp cho người bị hại. Bởi vì, anh ta có lý do chánh đáng. Anh ta phải đi cho mau đến đền thờ để thực hiện những công việc thiêng liêng đang chờ đợi anh ta.
Những người theo chủ nghĩa làm việc thiện để mong được thần linh thương xót cứu giúp sẽ rất ngạc nhiên khi biết một sự thật từ Kinh Thánh về điều này: Kinh Thánh nói rằng, “người Ê-thi-ô-bi (Phi-châu) có thể thay đổi da (đen) của mình, hay là con beo đổi được vằn (trên da) nó chăng? Nếu được thì các ngươi (nhân loại) là kẻ đã làm dữ quen rồi, sẽ làm lành được.” (Giê-rê-mi 13:23)
Sứ đồ Phao-lô cũng đã nói: Khi ông làm điều lành thì điều dữ dính-dấp theo tôi (Rô-ma 7:21).
Có lẽ nhiều người sẽ không đồng ý, nhưng có một thông kê cho thấy những người có đời sống khá tốt một chút thì ít làm những việc công đức. Trong khi những người hối lộ, buôn bán gian trá, tham lam, lừa gạt nhiều người vô tội thì thường là những “mạnh thường quân” trong các tôn giáo.
Cho nên, người Lê-vi là hình ảnh đại diện cho việc làm (công đức) không thể cứu người bị hại (nhân loại). Chúa Giê-su muốn dạy chúng ta rằng: Cả hai, sự thờ phượng của tôn giáo và việc làm lành đều không cưu được chúng ta khỏi sự hư mất.
4. Sự cứu rỗi chung cho nhân loại (Công vụ 4:12)
Chúng ta đã thấy người bị hại (nhân loại) đã đi trên con đường mà đầy sự nguy hiểm ẩn mình không thấy trước. Bọn cướp (sa-tan) không chỉ cướp lấy vật chất mà còn muốn hủy hại mạng sống của anh ta. Một thầy tế lễ (tôn giáo) và Người Lê-vi (việc làm) đi qua mà không cứu. Cuối cùng thì người Sa-ma-ri nhân lành (Chúa Giê-su) đã đến và và đưa tay ra cứu giúp người bị hại.
Bây giờ chúng ta sẽ cùng khám phá những điều thú vị khi mà người Sa-ma-ri nhân lành này đã làm cho người bị hại là như thế nào?
· Người Sa-ma-ri nhân lành đến với người bị hại (Rô-ma 5:8)
Chúa Giê-su nói rằng, người bị hại này bị bọn cướp đánh cho “nữa sống nữa chết.” Trong tiếng anh là half dead. Còn trong tiếng Latin là chữ “moribund,” chữ này có nghĩa là “đang chết. Hay nói cách khác là người này sẽ chết nếu không được cứu chữa kịp thời. Điều này có nghĩa là người bị hại không thể đến với người Sa-ma-ri nhân lành, mà ngược lại người Sa-ma-ri đã đến với người bị hại.
Tôi suy nghĩ, nếu như bình thường người Sa-ma-ri nhân lành này có đến gần người bị hại lúc anh ta chưa bị cướp thì chưa chắc anh ta cho người Sa-ma-ri đến gần mình. Bởi vì, thời đó người Do-thái rất ghét người Sa-ma-ri. Những bây giờ anh ta không cần biết đó là người Sa-ma-ri hay người Do-thái, điều anh ta cần là cứu giúp anh ta khỏi phải chết.
Điều thú vị đầu tiên chúng ta tìm thấy ở đây là không phải con người có khả năng đến gần Đức Chúa Trời, mà là Đức Chúa Trời đã đến gần và cứu chuộc con người đang chết mất trong tội lỗi, đang là nạn nhân của ma quỷ.
· Phương cách cứu chữa đặc biệt của người Sa-ma-ri nhân lành
Chúa Giê-su nói: Người Sa-ma-ri nhân lành đả động lòng thương xót đối với người bị hại. Ông ta tiến đến cứu chữa cho người bị hại bằng cách xức dầu và rượu chỗ bị thương, rồi rịt (băng bó) lại.
Thông thường thì người ta xức rượu vào vế thương để khử trùng trước rồi sau đó mới bôi dầu (hay thuốc đỏ) để cho vi khuẩn không xâm nhập. Vậy tại sao Chúa Giê-su lại nói người Sa-ma-ri xức dầu lên vết thương của người bị hại trước rồi mới xức rượu? Có phải Chúa Giê-su không hiểu biết về trình tự sơ cứu người bị thương không? Tất nhiên là không! Vì tôi đã có giải thích ở trên, mọi lời và chữ của Kinh Thánh và đặc biệt là lời của Chúa Giê-su thì đều có một giá trị thuộc linh riêng.
Như vậy dầu ở đây là loại dầu gì? Trong nguyên văn chữ “ἔλαιον, ου, τό” đúng nghĩa của nó là dầu olive. Trong Cựu Ước thì dầu olive là một trong những thứ nguyên liệu làm dầu để xức cho các thầy tế lễ (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:24), và trong Tân Ước thì sự xức dầu của Cựu Ước cho chức vụ thánh chính là sự đầy dẫy Đức Thánh Linh (Công vụ 10:38.) Ngoài ra, dầu olive còn dùng để thắp sáng. Nói cách khác, dầu olive là biểu tượng của Đức Thánh Linh. Vậy còn rượu thì sao? Trong Kinh thánh rượu là tượng trưng cho sự vui mừng (Thi Thiên 104:15). Những rượu có đặc tính là mau bay hơi hơn là dầu (olive).
Cho nên, người Sa-ma-ri xức dầu olive trước có nghĩa là Chúa Giê-su cứu rỗi một người thì Ngài ban Đức Thánh Linh cho họ. Đức Thánh Linh sẽ cứ trú trong đời sống của người được cứu rỗi. Đức Thánh Linh sẽ thắp sáng chân lý của Đức Chúa Trời trong tấm lòng tâm của người được cứu rỗi để đẩy lùi bóng tối của tội lỗi cũ. Và sau đó đó người Sa-ma-ri mới xức rượu, có nghĩa là sau khi được đầy dẫy Đức Thánh Linh rồi thì người đó sẽ có một đời sống vui mừng. Chúng ta biết rằng rượu rất dễ bay hơi, cũng vậy sự vui mừng có thể đến rồi đi, nhưng Đức Thánh Linh thì ở với chúng ta đời đời. Khi chúng ta có Ngài thì sự vui mừng cũng sẽ đến sau ngày sau đó.
Có ai trong chúng ta nói mình đầy dẫy Đức Thánh Linh nhưng lại không có sự vui mừng không? Vâng, có rất nhiều người có sự vui mừng nhưng không có Đức Thánh Linh, nhưng không thể có ai đó đầy dẫy Đức Thánh Linh mà lại không có sự vui mừng.
Một điều thú vị khác đó là người Sa-ma-ri nhân lành đã cho người bị hại ngồi (nằm) trên con thú vật của mình (con lừa dùng để thồ hành lý). Sau khi được Chúa Giê-su cứu chuộc, chúng ta được Ngài ban cho đặc ân ngồi vào vị trí của Ngài. Chúa thay đổi địa vị của chúng ta từ một tội nhân thành con Đức Chúa Trời.
Ngoài ra, sau khi đưa người bị hại đến nhà quán (khách sạn) và thanh toán mọi phí tổn rồi thì người Sa-ma-ri nhân lành còn hứa sẽ trở lại. Quý vị có biết không? Chúa không chỉ cứu chúng ta khỏi sự chết đời đời, mà Ngài còn chu cấp mọi nhu cầu cuộc sống cho chúng ta. Tôi chưa từng nghe nói có một ai đó được cứu rỗi trong Chúa Giê-su mà nghèo hơn lúc chưa tin cả. Nhưng điều quan trọng hơn là Ngài hứa rằng Ngài sẽ trở lại (tái lâm). Hơn bao giờ hết, ngày nay chính là những ngày mà Người Sa-ma-ri Nhân Lành sẽ sớm trở lại.
Kết luận: Tôi tin rằng người bị hại này sau khi được cứu sống thì anh ta sẽ thay đổi cách suy nghĩ của mình về người Sa-ma-ri. Đồng thời anh ta cũng sẽ sống với những người chung quanh anh ta bằng chính hành động của người đã cứu sống anh ta. Người Sa-ma-ri Nhân Lành mang tên Giê-su Christ cũng muốn mỗi chúng ta hãy thay đổi cách suy nghĩ của mình về người khác và hãy hành động giống như Ngài giữa thế giới này. Amen!
Xin mọi người vui lòng tôn trọng quyền tác giả khi sử dụng!
Cảm ơn!